Phú Thọ: Dự án rừng quốc gia Đền Hùng chậm trễ do vướng mặt bằng

Cập nhật 17/10/2007 17:00

Tính đến tháng 10 - 2007 dự án đầu tư xây dựng khu rừng Quốc gia Đền Hùng đã có thời gian được phê duyệt 5 năm và hơn 4 năm triển khai thực hiện xây lắp các hạng mục công trình. Và dù thời hạn dự kiến hoàn thành đã gần hết, song tất cả công việc vẫn bộn bề, ngổn ngang. Vậy, đâu là nguyên nhân của sự chậm trễ này ?

Dự án làm thay đổi diện mạo Đền Hùng

Dự án đầu tư xây dựng khu rừng Quốc gia Đền Hùng được triển khai trên địa bàn 5 xã Chu Hóa, Tiên Kiên, Hy Cương, Vân Phú (TP. Việt Trì) và xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh) với qui mô diện tích 1.689ha, trong đó khu rừng Đền Hùng 538ha, vùng đệm 1.151ha. Dự án tập trung vào 2 phần việc chính là hoạt động lâm nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí dự kiến trên 202 tỷ đồng.
 
Đây là dự án qui mô lớn nhất đầu tư vào Đền Hùng từ trước đến nay, khi hoàn thành có tác động làm thay đổi diện mạo Đền Hùng. Nội dung xây dựng hạ tầng trọng điểm là làm 4 tuyến đường với tổng chiều dài 11,22km (đường đạt tiêu chuẩn cấp 4, 5 miền núi). Thời gian đầu tư dự kiến 2003 - 2007, riêng các hạng mục XDCB dự kiến xong trong năm 2005 - 2006. Xác định các công trình đầu tư vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về tôn tạo, bảo vệ Khu di tích cả về phục vụ phát triển du lịch, văn hóa nên UBND tỉnh đã chỉ đạo việc triển khai hết sức tích cực.

Ngay trong giai đoạn năm 2004 cùng một lúc các tiểu dự án lâm nghiệp, XDCB đồng thời mở ra, tạo nên không khí hết sức nhộn nhịp, khẩn trương. Đến nay, các công việc trong tiểu dự án lâm nghiệp đã đạt khối lượng công việc tương đối khả quan; phần trồng cây dó trầm, bảo vệ rừng tự nhiên và rừng khép tán, trồng bổ sung cây bản địa trên các núi di tích... cơ bản hoàn thành. Phần XDCB các tuyến giao thông số 1, 3, 4 đã đạt khối lượng khá. Song điều rất đáng lo ngại là toàn bộ khối lượng XDCB đều dừng lại ở năm 2004 - 2005; từ năm 2006 trở lại đây khối lượng xây lắp tiến triển không đáng kể.

Cụ thể, tuyến giao thông số I dài 3,17km nối từ đường vào khu công nghiệp Thụy Vân, cắt qua QL32C đến TL 325 (đường 309 cũ), mới thi công xong 0,44km, làm nền móng 0,32km còn lại chưa có mặt bằng! Giá trị thực hiện mới được 24%. Tuyến đường số 2 chiều dài 3,12km nối từ QL32C cắt qua đường sắt đến Chu Hóa hiện chưa thi công được vì vướng mặt bằng.

Tuyến đường số 3 dài 3,4km cơ bản hoàn thành chỉ vướng 2 nhà dân ở đoạn tiếp giáp QL2 của xã Phù Ninh chưa giải phóng mặt bằng. Tuyến số 4 dài 1,8km đã làm xong 1,6km còn lại 130m cuối cũng vướng nhà dân chưa giải phóng mặt bằng. Không riêng gì các tuyến giao thông các hạng mục XDCB khác như khu vực phân khu trồng cây lưu niệm 2, vườn ươm... đều vướng đền bù giải phóng mặt bằng không thi công được.
 
Chẳng phải tới giờ chuyện giải phóng mặt bằng ở khu vực Đền Hùng mới phức tạp, mà ngay từ năm 1999 - 2000 khi một số hạng mục lớn được triển khai đầu tư thì công trình nào cũng vướng mặt bằng. Đặc biệt, khi dự án rừng quốc gia được triển khai, vấn đề càng thêm phức tạp.

Theo thống kê sơ bộ: hiện trong khu vực có gần 400 hộ dân cần di rời giải phóng mặt bằng phục vụ cho xây dựng các công trình. Do thấy được yêu cầu tất yếu của việc xây dựng khu di tích, đồng thời với việc huy động các nguồn lực tôn tạo, phát triển UBND tỉnh đã quyết định xây dựng các khu tái định cư. Đồng thời với dự án rừng Quốc gia, UBND tỉnh đã cho xây dựng 5 khu tái định cư đó là các khu: Nữ Oa xã Vân Phú, Số 1 xã Hy Cương, Hóc Thiểu xã Chu Hóa, khu tái định cư cổng Đền Hùng (thành phố Việt Trì) và khu tái định cư xã Phù Ninh (Phù Ninh).
 
Tuy qui mô mỗi khu tái định cư khác nhau, song tổng hợp lại ngót ghét 50 tỷ đồng. Vài ba năm nay, ai có dịp đi qua khu vực đồi Nữ Oa (sát với khu vực Quân khu 2) hoặc vào khu tái định cư 1 xã Hy Cương... đều không khỏi choáng ngợp về qui mô bề thế của một khu mặt bằng để làm nhà ở. Rất tiếc làm xong bỏ đó mà chưa có ai được nhận đất làm nhà. Thật là nghịch lý khi các dự án xây dựng nhà thầu kêu không có mặt bằng, dân bảo không có nơi tái định cư, còn khu tái định cư thì vẫn bỏ không.

Đâu là nguyên nhân chậm trễ ?

Dự án đầu tư rừng quốc gia Đền Hùng ban đầu liên quan tới nhiều đầu mối. Chi cục phát triển lâm nghiệp được giao làm chủ dự án quản lý phần đầu tư lâm nghiệp và xây dựng hạ tầng; Sở Xây dựng được giao phần thống kê đền bù giải phóng mặt bằng cùng với thành phố Việt Trì, Lâm Thao, Phù Ninh, một phần nhỏ giao cho xã Hy Cương.

Thời gian qua, do phải tập trung giải quyết rất nhiều việc, trong đó có thay đổi về hành chính các xã Chu Hóa, Hy Cương từ Lâm Thao chuyển về TP Việt Trì, việc bàn giao tiếp nhận mất nhiều thời gian. Sở NN & PTNT cũng chuyển toàn bộ nội dung quản lý dự án từ Chi cục phát triển lâm nghiệp sang BQL các dự án NN & PT NT; theo đó công việc chủ trì đền bù giải phóng mặt bằng cũng chuyển từ Sở Xây dựng về Ban quản lý. Cùng với yếu tố khách quan trên, thời gian qua các địa phương và cơ quan hữu trách chưa tích cực đẩy nhanh tiến độ, nhất là giải phóng mặt bằng.

Từ đầu năm đến nay, sau khi tiếp nhận việc giải phóng mặt bằng ở hai xã Chu Hóa và Hy Cương về, TP Việt Trì hầu như vẫn chưa triển khai thêm nội dung gì. Mọi lý do đều cho là chưa có khu tái định cư, trong khi đó 2 khu tái định cư do thành phố triển khai vài năm nay vẫn chưa có ai được nhận đất!
 
Đơn cử như khu tái định cư Nữ Oa với 28 ô đất đã hoàn thành trên 90% khối lượng, chỉ còn kéo điện về nhưng vài năm nay vẫn không thực hiện được. Hay khu tái định cư số 1 xã Hy Cương cơ bản đã xong hạ tầng mặt bằng, thoát nước song đến nay vẫn chưa có chủ mới đến nhận. Chính sự chậm trễ trong việc giao đất cho các hộ phải di rời dẫn tới nhiều hộ dân phải thuê nhà ở vì không có đất làm nhà. Các hộ chưa tháo dỡ nhà giao mặt bằng nay yếu sách đòi điều chỉnh giá đền bù, thêm diện tích, giá đất cấp mới...
 
Khổ nhất là các nhà thầu vì không có mặt bằng, thi công dở dang nên không thanh toán được, có nơi còn phải mất công trông coi vật tư, thiết bị. Với dự án này, quí nào UBND tỉnh cũng giao ban, đề ra biện pháp, song tiến độ thi công nhích lên không nhiều.

Đã tới lúc các cấp, các ngành phải khẩn trương vào cuộc để có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án rừng Quốc gia Đền Hùng, tạo đà để triển khai các dự án khác nhằm nhanh chong xây dựng Khu di tích lịch sử xứng với kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Theo Bộ TN & MT