Phú Thọ: Cần nhanh chóng giải quyết vấn đề "hậu thu hồi đất" ở xã Thanh Minh

Cập nhật 19/05/2008 16:00

Vấn đề "hậu thu hồi đất" cho dự án khu đô thị mới Trầm Sắt ở xã Thanh Minh (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) đang trở thành câu hỏi lớn của những nông dân nơi đây. Không bàn đến việc liệu an ninh lương thực có được đảm bảo khi 30% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn xã bị bê tông hóa, số diện tích đất nông nghiệp dành cho khu đô thị mới Trầm Sắt đã ảnh hưởng tới 648 hộ không có đất nông nghiệp để canh tác. Thế nhưng, vấn đề giải quyết lao động tại địa phương vẫn chưa được đặt ra. Hơn thế nữa, các hộ nông dân ở đây dù thực hiện tốt chủ trương đền bù giải phóng mặt bằng để bàn giao cho bên thi công nhưng vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

Dự án khu đô thị mới Trầm Sắt có tổng diện tích đất thu hồi là 77ha, trong đó chủ yếu là đất lúa hai vụ. Điều đáng nói là xã Thanh Minh lại là xã thuần nông, 80% dân số sống bằng nghề nông, không có ngành nghề phụ. Vì thế, khi bị thu hồi đất, họ ngỡ ngàng thấy mình "trắng tay" bởi nghề nông mà không còn đất sản xuất.

Không giống như nhiều dự án bị chậm trễ, dây dưa ở khâu giải phóng mặt bằng, dự án khu đô thị mới Trầm Sắt được triển khai giải phóng mặt bằng tháng 9/2007, chỉ 3 tháng sau hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng của thị xã Phú Thọ đã thực hiện xong công việc kiểm kê đánh giá tài sản, diện tích giá đất để đền bù cho dân. Phải nói rằng đây là dự án mà việc giải phóng mặt bằng diễn ra tương đối nhanh và được sự đồng tình cao của các hộ dân.

Ngày 6/12/2007, UBND thị xã Phú Thọ đã ra công văn giao cho UBND xã Thanh Minh yêu cầu các hộ dân có đất bị thu hồi này không được canh tác để bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH đầu tư xây dựng Long Việt thi công hạ tầng kỹ thuật. Người dân sẵn sàng chấp thuận nhưng cho đến nay đã qua gần một vụ sản xuất mà dự án vẫn nằm im bất động theo kiểu "quy hoạch xong để đó".

Ông Lê Văn San, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Minh kiến nghị: "Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết để tránh tình trạng bỏ lỡ một vụ nữa sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực địa bàn, đặc biệt là đời sống nhân dân". Ông Đỗ Văn Lập, một nông dân trong xã nhìn hơn 2.000 m2 đất nông nghiệp của nhà ông bị thu hồi rầu rĩ nói: “Tôi bây giờ cũng chỉ như con cua trong giỏ. Điều lo nhất là nguy cơ tái nghèo có thể xảy ra nếu chính quyền địa phương không sớm sắp xếp việc làm cho người dân”.

Để đảm bảo quyền lợi và ổn định cuộc sống cho nông dân bị thu hồi đất, những vấn đề "hậu thu hồi đất" ở xã Thanh Minh nói riêng, trong nước nói chung như: xây dựng khu tái định cư, trường học, bệnh viện, đường sá, điện, nước, tạo công ăn việc làm... cần phải được giải quyết trước khi tiến hành thu hồi. Nếu chỉ nói suông mà không làm đến nơi đến chốn, thì việc giải quyết hậu quả sẽ là rất lớn.

Theo Bộ TN - MT