Phú Quốc “quá tải” trong giải phóng mặt bằng

Cập nhật 13/07/2014 08:51

Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang), ông Huỳnh Quang Hưng cho biết như  vậy trong Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp trên địa bàn Phú Quốc vừa diễn ra mới đây. Tại đây, nhiều nhà đầu tư kêu khó vì tiến độ giải phóng mặt bằng của địa phương quá chậm.


Quang cảnh Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc năm 2014

Nhà đầu tư hối thúc chính quyền

Trước đây, chính quyền địa phương luôn hối thúc nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đã đăng ký, phê duyệt quy hoạch và đã có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Thế nhưng, tại Hội nghị đối thoại lần này, đã có sự “đổi ngôi”, đó là nhà đầu tư hối thúc chính quyền địa phương sớm bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, sau cuộc khủng hoảng, Nhà nước đã tập trung đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng ở Phú Quốc, như Cảng biển, Sân bay quốc tế Phú Quốc (đã đưa vào khai thác  cuối năm 2012), một số tuyến đường huyết mạch đã và đang hoàn thành, nhất là sự kiện khánh thành cáp điện ngầm từ đất liền ra đảo Phú Quốc vào đầu năm 2014. Hoà nhịp với xu thế đó, nhiều nhà đầu tư đã và đang triển khai nhiều dự án hàng ngàn tỷ đồng, khiến Phú Quốc giống như một đại công trường.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Phấn, Phó tổng giám đốc BIM Group cho biết, sau khi chính quyền đã có phương án bồi thường GPMB cũng như các thủ tục đầu tư đầy đủ, BIM Group đã nộp tiền sử dụng đất cho chính quyền trên 275 tỷ đồng để bồi thường GPMB cho 2 dự án từ hơn 1 năm qua. Thế nhưng đến nay, chỉ 80% diện tích của cả hai dự án được GPMB.

Cụ thể, Dự án Khu du lịch Nam Bãi Trường và Khách sạn Crowne Plaza Phú Quốc ở xã Dương Tơ có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, với quy mô 156 ha đất và đã nộp cho chính quyền 240 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện trong vùng dự án vẫn còn 10 hộ dân sinh sống (mà chính quyền giải quyết chưa xong) cản trở thi công. Còn Dự án Khu du lịch hỗn hợp và Trung tâm giống thủy hải sản Phú Quốc có diện tích sử dụng 55 ha đất ở thị trấn Dương Đông đã nộp đủ 35 tỷ đồng cho chính quyền theo phương án bồi thường GPMB, nhưng đến nay, còn 8 hộ vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng.

“Do vậy, việc triển khai thi công dự án bị ách tắc giữa chừng. Vì thế, mà nhà đầu tư chúng tôi đứng trước nguy cơ bị nhà thầu phạt vì gây thiệt hại cho nhà thầu do ngưng thi công và phát sinh chi phí nhiều tỷ đồng. Đó là chưa kể nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng đã nộp cho chính quyền để GPMB bị “chôn chết” theo tiến độ GPMB của dự án”, ông Phấn bức xúc.

Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Kiên Giang (CIC) cho biết, Dự án Khu biệt thự Bà Kèo ở thị trấn Dương Đông huyện Phú Quốc có diện tích 4,3 ha, với quy mô 74 căn biệt thự được UBND tỉnh quyết định cho phép CIC đầu tư từ năm 2007. Thế nhưng, đến nay, đã qua 4 lần bổ sung phương án bồi thường theo hướng tăng dần chi phí GPMB mà... vẫn chưa xong. Hiện trạng khu đất đền bù kiểu “da beo” và chính quyền chưa thể bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Chính quyền than “quá tải”

Nhiếu ý kiến cho rằng, tình trạng phức tạp về tranh chấp đất đai ở Phú Quốc còn do lịch sử để lại, vì đa số nguồn gốc đất ở đây kém rõ ràng hơn ở các địa phương khác trong đất liền. Trong quá khứ, nhiều khu vực đất trên đảo do dân tự khai phá xong rồi bỏ hoang, rồi lại bao chiếm lẫn nhau, nên nhiều khu đất không có giấy tờ rõ ràng. Những năm qua, khi giá đất tăng cao, thì tình trạng người dân lấn chiếm lẫn nhau và sang nhượng chồng chéo rất phức tạp. Do đó, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp và khiếu kiện đất đai trong dân.

Trả lời tại Hội nghị, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc thừa nhận, đây là vấn đề “quá tải” và rất phức tạp ở địa phương. Cho dù chính quyền và các cơ quan chức năng ở  huyện Phú Quốc đã nỗ lực hết sức mình, nhưng cũng không tài nào xử lý nổi.

“Đây là vấn đề không riêng gì ở Phú Quốc, vì quá trình giải quyết về tranh chấp đất đai là hết sức phức tạp, khó khăn, mất nhiều thời gian để xác minh, thẩm tra và kiện tụng kéo dài qua nhiếu cấp xét xử. Trong khi đó, với cơ chế và quy mô nhân sự của cấp chính quyền huyện mà giải quyết khối lượng công việc “khủng” như vậy, gấp mấy lần khối lượng công việc ở cấp tỉnh hay một số thành phố lớn trực thuộc Trung ương, thì làm sao không “quá tải”? Tuy vậy, chúng tôi cũng hết sức mình giải quyết và mong các nhà đầu tư cố gắng khắc phục khó khăn, tranh thủ triển khai thi công trong những phần đất mà chính quyền đã bàn giao trong vùng dự án”, ông Hưng giải bày.

Liên quan đến vấn đề này, trong phần kết luận Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Lê Khắc Ghi ghi nhận rằng, tựu trung các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư là nhằm hỗ trợ Phú Quốc phát triển. Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, vẫn còn nhiều vướng mắc của các nhà đầu tư cần được tháo gỡ. Trong đó liên quan đến cơ chế chính sách, như vấn đề về đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai trong quá trình bồi thường GPMB. Đây là những vấn đề chưa đáp ứng đầy đủ cho nhà đầu tư trong điều kiện hiện tại và có thể trong tương lai, vì vậy các bên liên quan cần phải có lộ trình tháo gỡ để phù hợp trong thực tế triển khai.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư