Phú Quốc: loạn mua bán đất

Cập nhật 11/05/2008 08:00

Đất nông nghiệp có giá cao ngất: 1 tỉ đồng/công. Đất rừng, đất bao chiếm trái phép... người ta cũng kêu bán tuốt. Chuyện đang xảy ra ở đảo Phú Quốc, nơi được đồn đoán sẽ trở thành "thiên đường" du lịch.

Tôi rảo qua khu vục sân bay Phú Quốc. 3 - 4 anh chạy xe ôm tranh nhau: "Anh cần mua bao nhiêu mẫu, ở bãi Dài - Hòn Một hay vào rừng quốc gia Cửa Cạn - Gành Dầu... tụi tui giới thiệu cho".

Mua bán "vịt trời"!


Chưa đầy 10 phút sau một "cò” nữ tên Th. xuất hiện, bước ra từ chiếc Innova 7 chỗ, đưa chúng tôi đến khu vực dự án sân golf đường Dương Đông - Cửa Cạn. Xe đang chạy Th. cho dừng lại, chỉ thửa đất ven đường nói: "Miếng này một mẫu tám, các anh chịu thì tôi lấy giá làm quen... 1 tỉ đồng thôi". Nhưng giá ấy chưa gồm thủ tục sang tên, thuế chuyển quyền sử dụng đất. Th. thản nhiên: "Tôi bảo đảm đất ở đây đang làm thủ tục để cấp giấy đỏ. Hiện mua bán chỉ làm giấy tay thôi. Mai mốt muốn hợp thức hóa thì làm tiếp, thêm chừng 20-30 triệu đồng mỗi công nữa là xong!".

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Trương Quốc Tuấn, bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, cho biết: "Ban thường vụ tỉnh ủy đã giao cho UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT khẩn trương làm ngay những việc: thẩm tra việc giao khoán đất rừng ở vùng đệm và rừng phòng hộ Phú Quốc trong thời gian vừa qua. Thẩm tra diện tích và mật độ cây ở những vùng đất trống, vùng đất ven biển có rừng của Phú Quốc. Nhanh chóng hoàn thành qui hoạch vùng đệm vườn quốc gia Phú Quốc, xây dựng dự án đầu tư phát triển sản xuất và cơ sở hạ tầng vùng đệm để giao khoán đất rừng cho các hộ dân địa phương ổn định cuộc sống gắn với bảo vệ và phát triển rừng...".


Đến một chân núi, Th. chỉ vào vạt rừng: "Hay các anh lấy đất này, 45 triệu đồng/công thôi. Bây giờ còn là đất rừng, chừng trồng cây vào rồi thì xin hợp thức hóa, giá lên gấp chục lần, lời khẳm tay…". Thấy chúng tôi băn khoăn, Th. trấn an: "Bây giờ mua bán vậy không hà, chứ đất có giấy đỏ giá cao lắm, mua không nổi đâu!".

Vài tháng trở lại đây, tình trạng mua bán đất "chỉ” (đất vô chủ) kiểu như "bán vịt trời" rộ lên khắp đảo Phú Quốc. "Cò” đất thường nhắm vào những khu đất đã thu hồi, giao cho các dự án nhưng chưa triển khai để kêu... bán. Nhiều "cò” bỏ ra một ít tiền thuê người lén lút vào rừng đốn hạ một số cây, dựng tạm căn chòi để "xác lập chủ quyền" rồi kêu người tới bán. Điều trớ trêu là khi sang tay, các "cò” đều khai thật là đất bao chiếm, vậy mà vẫn có người ham rẻ bỏ tiền ra mua.

Ông Tư Mận (Phạm Văn Mận), chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Quốc, kể: "Tôi có gần một mẫu đất ở Cửa Cạn đã giao cho dự án làm sân golf. Vậy mà vừa rồi vẫn có nhiều người tìm tới kêu bán 15 triệu đồng/công. Tôi nói đất ấy đã giao cho doanh nghiệp làm dự án rồi. Vậy mà mới đây một tay "cò” nào đó đã bán đất "chỉ” với giá 20 triệu đồng/công!".

Phá cả rừng quốc gia để bán

Không chỉ bán đất "chỉ”, người ta còn phá cả rừng quốc gia để bán. Ở khu vực vườn quốc gia Bãi Dài, bề ngoài những cánh rừng già 2-3 tầng tán ven trục đường chính luôn xanh um nhưng bên trong hoàn toàn tan nát.

Lội sâu vào rừng tôi thấy cả một vạt rừng rộng lớn đã bị đốn hạ hết cây to, chỉ còn trơ lại lớp thực bì. Đây đó những căn nhà tạm, trống hoác và không người ở. Anh Trần Thanh Vân, kiểm lâm viên trạm Núi Dài, cho biết: "Mới mấy hôm trước, kiểm lâm phát hiện lửa cháy tại khu vực này kéo nhau đi dập. Cái khó là không bắt được tận tay ai đốt nên không xử lý được. Sau đó lại thấy người ta cầm thước đi... đo rừng!". Đã có trên 90ha đất rừng bị mua bán kiểu này.

Trong khi đó, tại ấp Rạch Tràm, xã Hàm Ninh, chúng tôi cũng chứng kiến một vụ phá rừng phòng hộ bằng xe ủi. Anh D., một người dân địa phương trực tiếp gọi điện thoại thông báo vụ phá rừng này, cho hay: "Họ đã phá rừng từ mấy ngày qua, do T.T.L., em ruột của một cán bộ xã Hàm Ninh, đứng ra tổ chức. Còn thửa rừng ngay sát chân núi Hàm Ninh rộng hơn 3ha vừa bị chặt trắng và đào đường mương phân lô ngang dọc là của bà H., cán bộ xã Hàm Ninh".

Bà Phạm Thị Kim Dung, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Phú Quốc, thừa nhận: "Gần đây tình trạng phá rừng, mua bán đất rừng rộ lên trở lại. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có… chủ trương cho thuê rừng làm du lịch" mặc dù hiện tỉnh đã ngưng cho thực hiện chủ trương này.

"Tình trạng mua bán đất đai trên đảo Phú Quốc đang rộ lên rất phức tạp. Có nơi người ta còn vào giữa rừng quốc gia, rừng phòng hộ… khoét ruột trong đó” - ông Trương Văn Nghĩa, chánh văn phòng UBND huyện Phú Quốc, xác nhận.

Không minh bạch
Bên cạnh việc mua bán đất diễn ra loạn xạ như trên, việc thu hồi đất, giao đất, đền bù giải tỏa cũng đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân trên đảo. Chẳng hạn tại công trình cảng hàng không Phú Quốc đang trong giai đoạn bồi thường giải tỏa mặt bằng, người dân đặt vấn đề: Tại sao cùng một vị trí đất mà cán bộ và thân nhân cán bộ được nhận tiền đền bù, còn dân thì không? Ông Huỳnh Phước Non, một người dân trong khu vực bị giải tỏa, bức xúc: "Đất tôi ở phía ngoài mặt đường lại bị cho là đất rừng phòng hộ, không được nhận tiền bồi hoàn. Còn đất của cán bộ nằm phía trong rừng lại được xác nhận là đất nông nghiệp, được nhận bồi hoàn".


Theo Tuổi Trẻ