Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết từng là những địa phương hàng đầu về phát triển bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng, nhưng gần đây Phú Quốc đã nổi lên như một “hiện tượng” và trở thành “thỏi nam châm” thu hút rất nhiều “ông lớn” trong ngành.
Sau khi Chính phủ có quyết định phát triển Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế vào tháng 6/2014 và đến tháng 10/2014 được nâng lên đô thị loại 2, phần lớn các nhà đầu tư đều kỳ vọng vào khả năng hòn đảo này sẽ trở thành Bali (Indonesia) hay Phuket (Thái Lan) của Việt Nam trong tương lai.
Dự án Vinpearl Phú Quốc Resort & Golf.
|
Đại công trường
Những khu đất ven biển tuy còn hoang sơ nhưng đều đã có chủ từ lâu, hiện nay toàn bộ đất chạy dọc bờ biển từ Bắc xuống Nam của đảo đang trở thành một “đại công trường” xây dựng với nhiều dự án “khủng” của những tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đang khẩn trương triển khai xây dựng ngày lẫn đêm. Thống kê của huyện Phú Quốc cho thấy, hòn đảo này hiện có 202 dự án đầu tư với tổng diện tích gần 8.000 ha, tổng vốn đầu tư lên tới 144.190 tỷ đồng. Trong đó đã có 21 dự án nghỉ dưỡng được đưa vào hoạt động và 13 dự án mới bắt đầu thực hiện với diện tích lên tới hơn 500 ha.
Tính đến tháng 8/2015, Phú Quốc đã có 136 dự án đang triển khai, với tổng diện tích 5.110 ha với vốn đầu tư vài ngàn đến vài chục ngàn tỷ đồng. Hàng loạt các dự án của các ông lớn BĐS đang được đầu tư xây dựng như Vinpearl Phú Quốc, khu công viên Safari của tập đoàn Vingroup ở Bãi Dài, Shells Resort tại Gành Gió của Tập đoàn Trần Thái, Grand World của Tập đoàn Long Điền, dự án nghỉ dưỡng 100 ha tại Bãi Khem của Sun Group, BIM Group cũng đã khởi công khách sạn 5 sao Crowne Plaza 400 phòng trong tổng thể quy mô 157ha, công trình dự kiến hoàn thành cuối 2015...
Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc do Tập đoàn Vingroup đầu tư được triển khai tại khu vực Bãi Dài thuộc huyện đảo Phú Quốc - một trong những khu vực còn lưu giữ được nét hoang sơ nguyên vẹn của đảo. Đây là dự án nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại Phú Quốc quy mô giai đoạn 1 lên tới 750 phòng. Vinpearl Phú Quốc gồm tổ hợp 2 khách sạn 5 sao Vinpearl Resort Phú Quốc (khai trương tháng 11/2014) và Vinpearl Phú Quốc Resort & Golf (giai đoạn 2), các căn biệt thự Vinpearl Phú Quốc, tổ hợp sân golf 27 lỗ tiêu chuẩn quốc tế và công viên vui chơi giải trí Vinpearl Land.
Dự án Sonasea Resort & Villas của CEO Group có quy mô 80 ha với tổng vốn đầu tư lên tới 4.500 tỷ đồng. Hiện dự án đang được hoàn thiện hạ tầng xung quanh và xây dựng khu resort rộng 7 ha gồm khách sạn Novotel quy mô 200 phòng và 46 căn biệt thự mặt biển, trung tâm hội nghị 350 phòng. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm nay và đem lại doanh thu cho CEO Group từ 2016.
Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép CTCP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) được thực hiện đầu tư dự án cáp treo từ An Thới ra đảo Hòn Thơm với chiều dài khoảng 6km và quần thể vui chơi, giải trí biển, khu dịch vụ nghỉ dưỡng Hòn Thơm với quy mô lên đến 300 ha. Tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, giai đoạn 1 dự kiến đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, một dự án casino khác cũng vừa được quy hoạch tại Khu sinh thái Bãi Dài với diện tích 30.000m2 cũng được nhiều nhà đầu tư ngỏ ý tham gia với tổng vốn cam kết không dưới 4 tỷ USD.
du lịch nghỉ dưỡng 1
Đánh thức tiềm năng lớn
Với hơn 62% diện tích là rừng nguyên sinh, 150 km đường bờ biển với những bãi biển tuyệt đẹp như bãi Dài, bãi Sao, bãi Trường, đặc biệt ở Phú Quốc gần như không có bão.
Diện mạo của Phú Quốc đã có những thay đổi vượt bậc từ khi các “ông lớn” trong ngành địa ốc đua nhau chi hàng tỷ USD để đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng. Với Vinpearl Phú Quốc, Vingroup đã có màn mở đầu rầm rộ cho làn sóng đầu tư vào Phú Quốc. Chỉ trong 10 tháng, khu nghỉ dưỡng đồ sộ Vinpearl Phú Quốc đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổ hợp khách sạn 5 sao, dự kiến trong tháng 10/2015, giai đoạn 2 cũng sẽ đưa vào hoạt động.
Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2020 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt sẽ mang đến nhiều chính sách ưu đãi và cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư. Cơ sở hạ tầng tại đây cũng nhanh chóng được đầu tư và hoàn thiện với những hạng mục lớn như cảng biển quốc tế An Thới, tuyến cáp điện ngầm 110KV. Dự án đường trục chính Bắc-Nam dài 51.5 km, đường vòng quanh đảo 99.5km và Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc cũng đã được khởi công xây dựng và dự tính sẽ đi vào hoạt động năm 2017.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, các chính sách hỗ trợ của nhà nước, Phú Quốc ngày càng khẳng định tiềm năng to lớn thu hút các nhà đầu tư. Nhận định về tình hình đầu tư tại Phú Quốc, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Ban Quản lý phát triển đảo Phú Quốc cho rằng: “Phú Quốc đang chứng kiến một làn sóng đầu tư mới, chỉ khoảng 5 năm tới, nơi đây sẽ là một địa điểm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn, khi đó cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư”.
Cùng với chính sách thông thoáng, hấp dẫn, với mong muốn đưa Phú Quốc ngày càng tiến gần tới mục tiêu “thiên đường du lịch biển đảo” đúng như hoạch định chiến lược của Chính phủ, để vào năm năm 2020, sẽ thu hút khoảng 2,5 - 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 35%.
Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư hết sức quan tâm tới Phú Quốc hiện nay là sớm trở thành “đặc khu kinh tế”. Khi mục tiêu này trở thành hiện thực, Phú Quốc chắc chắn sẽ có nhiều ưu đãi hơn nữa đối với các nhà đầu tư như miễn tiền sử dụng đất 15 năm, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, hay miễn thị thực cho người nước ngoài 30 ngày,... Đó sẽ là những yếu tố góp phần tạo nên một làn sóng đầu tư mới vào Phú Quốc trong tương lai gần, đưa đảo quốc này phát triển thành trung tâm nghỉ dưỡng sinh thái tầm cỡ thế giới và là trung tâm thương mại dịch vụ cao cấp hàng đầu khu vực.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Tiêu dùng