“Phù phép” để điều chỉnh quy hoạch?

Cập nhật 28/03/2017 08:57

Theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2015, cơ quan chức năng phải lấy ý kiến cộng đồng khi lập, điều chỉnh quy hoạch và phải có trách nhiệm trả lời, giải trình, công khai các ý kiến. Thực tế quy định này đang thực hiện rất hình thức tại nhiều nơi…

>>Lắm chiêu cao ốc “né” quy hoạch

Các tòa cao ốc trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Lấy ý kiến cho đủ thủ tục

Để làm rõ thực trạng thực hiện quy định của Luật Quy hoạch đô thị, PV Tiền Phong đã khảo sát tại nhiều phường xã, quận huyện. Tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), nơi chỉ trong vài năm vừa qua đã có cả chục dự án cao ốc được cấp phép, chúng tôi tận thấy tình trạng xuống cấp của hệ thống hạ tầng nơi đây. Đại diện lãnh đạo UBND phường cho hay, đồ án quy hoạch nào cũng lấy ý kiến cộng đồng nhưng chỉ là ghi nhận các ý kiến góp ý còn tiếp thu, giải trình ra sao thì không hề có. “Gọi là ý kiến cộng đồng nhưng thực chất chỉ có tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ được mời có tính chất đại diện thôi. Điều đáng nói là tại các hội nghị góp ý đó, người dân đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường, giảm tình trạng tắc nghẽn; tăng cường hạ tầng xã hội, thoát nước… thì đến nay dù nhà cao tầng đã đua nhau mọc lên nhưng hạ tầng đầu tư rất chậm”, vị cán bộ nói.

Theo đại diện UBND phường Nhân Chính,  có dự án khi lấy ý kiến cộng đồng dân cư thì người dân phản đối nhưng thực tế sau đấy dự án vẫn cấp phép, vẫn được xây nhà cao tầng. “Sẽ khó hình dung tình cảnh ở khu vực Lê Văn Lương trong nay mai. Tất cả các ô đất dọc hai bên đường đều là nhà cao tầng. Thậm chí, các ô đất trước đây dự kiến làm bãi đỗ xe, hạ tầng công cộng thì nay đã chuyển thành nhà cao tầng. Chúng tôi lo nhất mỗi lần điều chỉnh quy hoạch thì các dự án chung cư đều nâng tầng, có dự án như tòa tháp ở ngã tư Lê Văn Lương-Hoàng Đạo Thuý điều chỉnh quy hoạch 4 lần giờ là tòa hỗn hợp cao 36 tầng”, vị đại diện UBND phường cho hay.

Bà Vũ Thị Hồng Hạnh, Phó chủ tịch phường Thượng Đình (Thanh Xuân) từ nhiều năm nay, kể cả thời chưa xây chung cư cao tầng cũng không có quỹ đất nào để dành xây dựng trường công. Trả lời câu hỏi của PV: hàng loạt các khu cao tầng như “Cao-Xà-Lá” khi lập quy hoạch xây trên địa bàn có hỏi ý kiến người dân? “Không, hỏi gì ý kiến người dân. Có thuộc của dân đâu mà hỏi ý kiến”, bà Hạnh cho hay.  Bà Hạnh cho rằng việc xây dựng các toà cao ốc không phụ thuộc vào ý kiến của người dân.

Một ví dụ khác là dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy lần lượt được điều chỉnh nâng từ 30 tầng lên thành 50 tầng, rồi điều chỉnh tiếp lên 54 tầng vào năm 2013. Tại cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng, đại diện nhiều tổ dân phố kiến nghị không nâng thêm tầng nhưng thực tế toà cao ốc vẫn tiếp tục được cấp phép xây thêm!

Gần nhất là việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư liên quan đến dự án chung cư xây dựng trên phần đất thuộc sở hữu của Cty cổ phần Dệt Minh Khai số 423 Minh Khai. Ngay khi chủ đầu tư triển khai việc khoan thăm dò, một số hộ dân liền kề đã có đơn gửi UBND phường Vĩnh Tuy phản đối, bởi việc khoan thăm dò đã gây lún, nứt đe dọa sự an toàn của các hộ liền kề, buộc UBND phường Vĩnh Tuy phải tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết. Tuy nhiên, tại cuộc họp lấy ý kiến của cộng đồng dân cư về việc cấp giấy phép quy hoạch do UBND phường Vĩnh Tuy tổ chức tháng 6/2016, danh sách 6 đại diện được mời ra họp chỉ dừng ở Bí thư Chi bộ số 7, 10, 11, đại diện Ban công tác mặt trận khu dân cư cùng làm việc với 11 cán bộ phụ trách các mảng của UBND phường Vĩnh Tuy. Toàn bộ nội dung biên bản cuộc họp đều thống nhất đồng ý cho chủ đầu tư triển khai dự án, tất cả ý kiến đề xuất chỉ gói gọn trong việc đảm bảo môi trường khi xây dựng, chặt hạ cây cho an toàn…

“Tiếp thu hay không có ai biết?”

Về thực hiện lấy ý kiến cộng đồng, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội khẳng định còn rất hình thức. Trong các quy định chỉ nêu nguyên tắc là lấy ý kiến của cộng đồng nhưng thiếu các hướng dẫn chi tiết, phải lấy ý kiến những ai. “Có những tài liệu cho rằng, lấy ý kiến của những người có liên quan đến quy hoạch, vậy tôi xin hỏi thế nào là liên quan? Cộng đồng đây không nên hiểu chỉ có người dân mà phải có cả các tổ chức, thế thì anh đã có cơ chế tổ chức lấy ý kiến chưa?”, ông Đào Ngọc Nghiêm nêu vấn đề.

Cũng theo ông Nghiêm, khái niệm cộng đồng trong lấy ý kiến quy hoạch hiện nay chưa được có một văn bản nào thể chế hóa. Về quy trình lấy ý kiến, người ta đóng góp ý kiến thì phải có giải trình. Hiện nay lấy ý kiến xong chỉ nói là “cám ơn” mà thiếu sự phân tích, trả lời người dân. Một thực tế khác, ý kiến đóng góp cũng không biết là có được tiếp thu hay không. Rất nhiều quy hoạch mời các tổ chức xã hội đến đóng góp nhưng không hề biết tiếp thu ra sao.

Tồn tại thứ ba là các phương án lấy ý kiến không rõ ràng. Lúc thì đưa lên trang mạng để người dân tham gia, lúc trưng bày triển lãm lấy phiếu ý kiến đóng góp, lúc thì lấy ý kiến thông qua hội đồng nhân dân các cấp, lúc thì lại chỉ là tổ chức rồi để cho các tổ chức, chuyên gia nào nhiệt tình thì đóng góp. Cần quy định rõ cấp độ nào thì lấy ý kiến HĐND, cấp độ nào thì lấy ý kiến tổ trưởng dân phố hay người dân, tổng thể dân cư. Thí dụ như quy hoạch chung thì phải lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư do người dân bầu ra và lấy ý kiến của hội đồng vùng đô thị. Còn trực tiếp ở khu vực, dự án cụ thể thì phải lấy ý kiến của dân.

“Có những tài liệu cho rằng, lấy ý kiến của những người có liên quan đến quy hoạch, vậy tôi xin hỏi thế nào là liên quan? Cộng đồng đây không nên hiểu chỉ có người dân mà phải có cả các tổ chức, thế thì anh đã có cơ chế tổ chức lấy ý kiến chưa?” .

Ông Đào Ngọc Nghiêm


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong