Từ trước đến nay, Phú Mỹ Hưng (PMH) được biết đến như khu đô thị văn minh với môi trường sống sinh thái. Thực tế, theo quy hoạch tổng thể được duyệt, PMH là một đô thị hoàn chỉnh chức năng về thương mại, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, giải trí, cư trú, giao thông vận tải.
Năm 2007 là cột mốc ghi dấu sự thay đổi mạnh mẽ và tầm vóc mới của đô thị PMH: Đó là việc chính thức thông 10 làn xe đại lộ Nguyễn Văn Linh, riêng khu A nơi đại lộ Nguyễn Văn Linh đi ngang qua sẽ có tổng cộng 14 làn xe (10 làn theo tuyến đường, 2 làn xe nội bộ mỗi bên); PMH và các đối tác bắt đầu xây dựng Khu Thương Mại Tài chính Quốc tế, Khu Hồ Bán Nguyệt với nhiều công trình nền tảng như T.T Hội chợ Triển Lãm Sài Gòn, khu Shopping Malls hiện đại, đa năng với nhiều tiện ích giải trí, cao ốc văn phòng, khu thương mại và giải trí ven Hồ Bán Nguyệt. Ngoài ra, các cao ốc văn phòng, thương mại dịch vụ của các nhà đầu tư khác cũng đang được xây dựng, góp phần kiến tạo một trung tâm đô thị năng động ở phía Nam TP.HCM.
Khu Hồ Bán Nguyệt – điểm nhấn mới
Khu Hồ Bán Nguyệt vừa được Ban Quản Lý Khu Nam thông qua “Nhiệm vụ quy hoạch”. Đây là một trong 8 khu chức năng của Khu A đô thị PMH.
Khu Hồ Bán Nguyệt Khu Hồ Bán Nguyệt được quy hoạch mô phỏng theo vịnh Singapore với ý tưởng xây dựng những tòa nhà hiện đại dọc theo đường cong Hồ Bán Nguyệt kiến tạo không gian tầm nhìn cảnh quan, hình thành điểm nhấn ấn tượng, thu hút du khách đến Nam Sài Gòn. Tổng thể công trình được chia làm những độ cao tầng khác nhau: Các tòa nhà mặt tiền cao 7~8 tầng được sử dụng tầng 1 & 2 làm khu mua sắm với cửa hàng, dịch vụ, tầng 3~7 là căn hộ cho thuê hoặc mở văn phòng. Các tòa nhà phía sau cao từ 8~24 tầng là khu căn hộ để bán. Kết hợp với thiết kế tổng thể toàn khu, mỗi dự án sẽ có những công trình điểm nhấn phân bổ dọc theo đường cong của khu Hồ Bán Nguyệt nhằm tạo nên dấu ấn đáng nhớ cho bất kỳ ai đến PMH.
Công trình sẽ chia làm 2 giai đoạn triển khai. Giai đoạn 1 xây dựng các công trình thấp tầng và dịch vụ mua sắm, trong đó, diện tích bán lẻ khoảng 30.500m2, diện tích căn hộ cho thuê khoảng 87.500m2; giai đoạn 2 là các công trình nhà cao tầng để bán.
Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 100 triệu USD, trong đó đầu tư cho Khu Phố Mua Sắm khoảng 30 triệu đô la và phần còn lại dành cho các công trình khác.
Viễn cảnh của sự kết hợp đồng bộ và hiện đại
Khi Khu Hồ Bán Nguyệt hoàn thành, cùng với Khu Kênh Đào và Khu Thương mại Tài chính Quốc tế sẽ tạo động lực phát triển không riêng cho PMH mà cho cả khu Nam Sài Gòn. Trung tâm đô thị PMH không chỉ là đô thị dành cho cư trú mà còn là trung tâm thương mại mới ở phía Nam TP.HCM. Sự kết nối liên hoàn này gồm: Khu Kênh Đào được quy hoạch mô phỏng như khu Kênh Đào của Mỹ với những cửa hàng mua sắm cao cấp ở tầng trệt và tầng 2 các khu căn hộ dọc theo phố đi bộ Tôn Dật Tiên và kết nối với Khu Hồ Bán Nguyệt. Khu Hồ Bán Nguyệt với những tòa nhà cao tầng, trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hóa… sẽ cung cấp một diện tích văn phòng cho thuê đáng kể, trở thành tiện ích cho cư dân PMH, TP.HCM và là điểm đến cho các tour du lịch trong và ngoài nước.
Tiếp đến là Khu Thương mại Tài chính Quốc tế với những cao ốc văn phòng, các tòa sử dụng đa năng: thương mại, giải trí, dịch vụ xúc tiến thương mại… không chỉ tạo nên vóc dáng đô thị và còn có hấp lực thu hút những tập đoàn, công ty lớn tạo nên khu phức hợp thương mại, dịch vụ tầm cỡ ở phía Nam. Hiện có nhiều công trình thương mại, dịch vụ đã hoạt động như cao ốc Southern Cross, Lawrence S.Ting, Broadway Office, Manulife. Nhiều công ty và hơn 10 ngân hàng đã đến hoạt động như Savills, Ford, Vietcombank, MHB, Techcombank, Sea Bank, ACB; cùng các dịch vụ như Highland Coffee, phở 24H, nhà may Cao Minh ….
Sự nhộn nhịp này cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến xây dựng trụ sở, mở văn phòng với hàng loạt dự án lớn đang triển khai như cao ốc Saigon Paragon do KhaiSilk Coporation và công ty Thủy Lộc hợp tác đầu tư (gồm văn phòng cho thuê, dịch vụ, giải trí, cửa hàng thời trang, trang trí nội thất, chăm sóc sắc đẹp, nhà hàng, rạp chiếu phim, khu mua sắm cao cấp)… gần bên là tòa nhà Vinamilk, Hòa Bình Tower, cao ốc Peninsula, cao ốc Nam Long, trụ sở Unilever Việt Nam, showroom của 2 hãng xe danh tiếng Porsche, BMW…
Khi Khu Thương mại Tài Chính Quốc tế hình thành, PMH sẽ là nơi có đủ điều kiện đón đầu làn sóng du lịch mới có tên gọi là MICE (Meeting – Incentives – Conference - Event). Vì ở đây hội đủ hạ tầng chất lượng phục vụ các chức năng văn phòng, hội nghị, triển lãm, xúc tiến thương mại, giao dịch tài chính, du lịch, dịch vụ…
Sự xuất hiện của các cao ốc hiện đại, khu mua sắm, dịch vụ… đang tạo nên tầm vóc đô thị PMH. - Một tâm điểm đang phát triển mạnh, tạo sự chuyển động kinh tế - xã hội cho cả vùng bằng trình độ phát triển đô thị khoa học; từ đó, hình thành các ngành kinh tế then chốt như bất động sản, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ, bảo hiểm, bưu chính viễn thông và công nghệ cao.
“Nhà rộng để đón khách đông” hay “khách đông cần có nhà rộng” chính là xu hướng phát triển tất yếu của Việt Nam khi tham gia tích cực vào hội nhập toàn cầu. Không chỉ hội đủ khả năng phát triển bền vững, đô thị PMH còn đủ tầm đón đầu tương lai và đang nằm trong dòng chảy đó.
L.H - Theo Hà Nội Mới