Phó chủ tịch Quốc hội: Cần thần Đèn xúc nhà bỏ hoang

Cập nhật 11/03/2014 11:05

Cho rằng nhà bỏ hoang đang là vấn đề nhức nhối, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ, Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi phải tháo gỡ thực tế này đang tồn tại trong 10 năm qua.

"Dự thảo  Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi cho phép các chủ đầu tư được cho thuê, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua bất động sản đã có sẵn như quy định hiện hành", Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biêu tại buổi họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội sáng nay.

Quy định này, theo Bộ trưởng Dũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư có điều kiện huy động vốn. Người thuê, mua có thể tham gia cùng với chủ đầu tư trong việc hoàn thiện thiết kế, giám sát quá trình thi công, xây dựng.

“Luật không cho phép cho thuê, mua nhà hình thành trong tương lai nhưng thực tế vẫn diễn ra. Quy định này sẽ tránh được tình trạng người sử dụng phải cải tạo, sửa chữa lại cho phù hợp mục đích, yêu cầu sử dụng của mình sau khi mua nhà”, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói.

Đề xuất bán nhà hình thành trong tương lai gây tranh cãi. Ảnh: Hoàng Lan

Lời phát biểu của người đứng đầu ngành xây dựng gây ra hai quan điểm trái chiều. Một số ý kiến đồng tình cho rằng, nên cho phép bán nhà hình thành trong tương lai để tăng nguồn lực cho thị trường bất động sản. Số khác lo ngại, quy định này có thể dẫn tới chuyện bán nhà ảo, gây rối thị trường bất động sản, khiến nhà bỏ hoang càng thêm chồng chất.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn dẫn chứng, tại một số khu vực như Hoài Đức, Bắc Ninh có nhiều nhà đẹp, rộng mênh mông nhưng không có ai ở, gây hoang hoá lãng phí. “Tôi nghĩ có lẽ phải cần ông Thần Đèn để xúc chỗ nhà đó đặt vào khu quy hoạch cần người ở”, ông Sơn ví von. Theo ông Sơn, điều quan trọng nhất là Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi phải góp phần tháo gỡ tồn tại nhà ở bỏ hoang đã hình thành trong 10 năm nay.

Một số đại biểu lo ngại, quy định cho phép bán nhà hình thành trong tương lai có thể mở đường cho doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu kém trục lợi. Thực tế, hiện đang tồn tại rất nhiều khu vực dự án khởi công để đó, cỏ mọc xanh um. Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm: “Khả năng xuất hiện một số doanh nghiệp cầm ‘cục tiền’ của người dân góp nhưng không triển khai dự án rất dễ xảy ra”.

Số đông các đại biểu đánh giá, trong trường hợp cho phép thuê, thuê mua hình thành nhà ở trong tương lai cần có thêm chế tài để tránh chuyện chủ đầu tư chiếm dụng vốn. Một số ý kiến đề xuất, người mua nhà có thể đóng tiền theo tiến độ thông qua ngân hàng để tránh việc chủ đầu tư trục lợi.

Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp Nguyễn Văn Hiện đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Xây dựng trong việc cho phép bán nhà hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, theo ông  để bảo vệ quyền hợp phát của khách hàng, cần bổ sung thêm chế tài chặt chẽ, để tránh việc chủ đầu tư dùng tiền  làm việc khác.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Theo ông Dũng, việc cho phép thuê, thuê  mua bất động sản hình thành trong tương lai là một đòi hỏi từ thực tế. Do đó, Luật cần công nhận để quản lý. Người đứng đầu ngành xây dựng khẳng định, Bộ sẽ bổ sung chế tài trong quy đinh cho phép thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

“Bán nhà ở hình thành trong tương lai phải có sự bảo lạnh của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp chẳng may bị phá sản, thì quyền lợi người dân được đảm bảo.  Chúng tôi đã nghĩ đến điều này và sẽ làm sáng tỏ hơn”, ông Dũng khẳng định.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress