Phía Tây luôn có sóng ngầm

Cập nhật 06/09/2010 13:10

Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường - đã chia sẻ với phóng viên về những kẽ hở trên thị trường bất động sản trong nước và ảnh hưởng của quy hoạch HN đến sự phát triển của thị trường, đặc biệt là định hướng phía tây.

* Thưa ông, như ông nói "cơn sốt đất nông nghiệp tại Ba Vì đã nổi lên như một nghịch lý của quản lý". Vậy, quy hoạch HN đóng góp gì vào cơn sốt đất này?


Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường
Tôi cho rằng, cơn sốt đất phía tây, đặc biệt là sốt đất nông nghiệp thể hiện một thị trường bất động sản thiếu chuyên nghiệp, nhà đầu tư thiếu chuyên nghiệp, hoàn toàn hành động theo tin đồn, đầu tư mạo hiểm, gây méo mó thị trường. Nếu như thị trường minh bạch hơn, cả quản lý và nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn thì đã không xảy ra tình trạng này. Theo tôi, quy hoạch chỉ là một phần.

Trên thực tế, định hướng phát triển HN về phía tây đã được Chính phủ, lãnh đạo TP.Hà Nội quyết định từ nhiều năm nay. Và điều này lại được khẳng định lần nữa trong quy hoạch HN mở rộng vừa qua. Sốt đất ở Ba Vì có thể là do kỳ vọng của nhà đầu tư vào khu vực này, trong khi giá đất ở đây còn thấp. Tuy nhiên, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra công luận về hiện trạng quy hoạch, thì sốt đất Ba Vì đã lập tức hạ nhiệt.


Cơn sốt đất Ba Vì đã khiến nhiều nhà đầu tư gặp rủi ro vì chạy theo đầu cơ. Ảnh: P.V

* Như vậy có thể thấy, thị trường BĐS phía tây sẽ còn nóng trong thời gian tới? Thị trường đã đẩy giá đất lên tương đối cao, theo ông thời gian tới giá đất có còn tăng không?

Như tôi đã nói trên, do kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng sinh lời của BĐS trong tương lai nên đón đầu quy hoạch, hơn nữa so với giá đất khu vực nội thành HN thì giá đất Ba Vì thấp hơn rất nhiều. Vì vậy, người dân đổ xô vào khu vực này sẽ khiến giá đất bị đẩy lên. Tuy nhiên, nếu giá đất bị đẩy lên cao quá thì có thể sẽ là khởi điểm của một cuộc thoái lui, kéo theo giá BĐS ở HN đi xuống. Thị trường HN dù sao vẫn thiếu minh bạch hơn thị trường TPHCM, nên có nhiều cầu ảo, thậm chí nhiều dự án hoàn toàn không có giao dịch vì đã được mua đi đổi lại nhiều lần trên giấy trước khi ra hàng.

* Vậy, ông đánh giá như thế nào khi các nhà đầu tư nước ngoài cũng huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước để xây dựng dự án, lấy "mỡ nó rán nó"?

Hiện nay, đây là một thực tế đáng buồn, vì chúng ta hy vọng các nhà đầu tư nước ngoài vào VN có mang lại cho chúng ta vốn, kinh nghiệm quản lý, công nghệ tiên tiến, thì ngược lại, họ đang học rất nhiều từ các nhà đầu tư trong nước, khi huy động vốn của người dân VN, sau đó làm nhà để bán giá cao cho người dân VN. Thực tế này có lỗi từ các cơ quan quản lý, đã không đưa ra được những giải pháp để khống chế nhà đầu tư nước ngoài phải trình bày được sự ưu việt về công nghệ, về kinh nghiệm quản lý, bắt họ phải đưa tiền vào đầu tư, chứ không chỉ lấy "mỡ nó rán nó". Đây chính là sự yếu kém của chúng ta. Về lâu dài, chúng ta phải đặt ra được những rào cản kỹ thuật buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải thoả mãn thì mới được đầu tư, tất nhiên những rào cản này phải phù hợp với thông lệ quốc tế

* Ông có cho rằng, hiện nay tư duy làm quy hoạch ở ta đang có "vấn đề"? Quy hoạch không chỉ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, mà có khi chỉ phục vụ một thiểu số nào đó?

Quy hoạch chắc chắn sẽ tác động lớn đến thị trường BĐS, bởi vậy, khi lập quy hoạch cần phải có tầm nhìn dài hạn, đồng thời phải quan tâm đến tính khả thi của quy hoạch, vì sự phát triển chung, lợi ích chung của cộng đồng. Song cũng không ngoại trừ, quy hoạch có thể là ý tưởng của một nhiệm kỳ nào đó, muốn nó phải thế này, cũng có thể là ý tưởng của một cá nhân nào đó, muốn nó phải thế kia. Tôi cho đã xây dựng quy hoạch thì phải phục vụ số đông, cho tương lai lâu dài của thành phố, của cả nước. Như chúng ta đều biết, quy hoạch là một việc, nhưng khi áp dụng vào thực tế lại là việc khác. Lịch sử HN đã chứng kiến rất nhiều bản quy hoạch tổng thể, do tư vấn nước ngoài lập rất bài bản, nhưng chẳng có quy hoạch nào được thực thi một cách nghiêm túc, kể cả nguyên nhân về vốn. Vì vậy, không thể sử dụng giải pháp "giật gấu vá vai" trong thực hiện quy hoạch.

* Xin cảm ơn ông!


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động