Phí đã đóng, quyền lợi không được hưởng

Cập nhật 17/10/2013 13:59

Hàng trăm tỷ đồng phí bảo trì chung cư không được chủ đầu tư hoàn trả theo quy định khiến cư dân các chung cư cao cấp trên địa bàn Hà Nội vô cùng bức xúc. Cùng với việc dịch vụ không xứng tầm căn hộ, những khúc mắc, tranh chấp với chủ đầu tư khiến nhiều cư dân nản lòng.

Phí bảo trì đi đâu?

Theo Quyết định 08/2008/QĐ-BXD về việc quản lý quỹ bảo trì tòa nhà, chủ đầu tư phải có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi cho từng nhà chung cư tại ngân hàng thương mại kể từ khi đưa nhà chung cư vào sử dụng và bàn giao tài khoản đó cho ban quản trị (BQT) được bầu ra.

Tuy nhiên, dù BQT chung cư đã được bầu ra cách đây hơn 1 năm nhưng quá trình đi “đòi” 2% phí bảo trì khu chung cư nổi tiếng bậc nhất Hà Nội là Keangnam vẫn vô cùng gian nan. BQT khu chung cư này đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Keangnam Vina chuyển cho BQT toàn bộ số tiền phí bảo trì chủ đầu tư đã thu của người dân khi mua nhà nhằm kịp thời phục vụ cho việc bảo trì các hạng mục kỹ thuật cần thiết, thậm chí đã phải gửi văn bản cầu cứu lên Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện trách nhiệm này.

Theo bà Trịnh Thúy Mai, đại diện BQT khu căn hộ Keangnam, tổng số diện tích sàn căn hộ và thương mại của tòa nhà Keangnam khoảng 150.000m2, giá bán căn hộ 2.800USD/m2, tương ứng với phí bảo trì chủ đầu tư đã thu lên tới 190-210 tỷ đồng.

Đây là số tiền bảo trì hoạt động, trang thiết bị của tòa nhà trong suốt quá trình sử dụng. Cũng theo bà Mai, mỗi lần BQT làm công văn yêu cầu chủ đầu tư giải trình về số tiền này, Keangnam Vina luôn tìm mọi lý do lẩn tránh, trì hoãn hoặc trả lời rất vòng vo, khó hiểu. Và cho đến nay, gần 200 tỷ đồng này đã đi đâu, được chủ đầu tư chi dùng vào việc gì cư dân hoàn toàn không biết.

BQT bất lực?

Quỹ bảo trì chung cư là số tiền 2% của tổng giá trị hợp đồng mua bán căn hộ và bên mua phải đóng góp phí này trước khi nhận bàn giao chung cư căn hộ (thường trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo bàn giao chung cư căn hộ).

Quỹ này được theo dõi riêng để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo luật định và nhằm duy trì chất lượng chung cư căn hộ luôn ở trạng thái hoạt động tốt, như bảo trì định kỳ, sửa chữa đột xuất... Cùng với Keangnam, hàng loạt chung cư khác trên địa bàn TP Hà Nội cũng lâm vào tình cảnh phải đi “đòi” phí bảo trì cho tòa nhà mình ở. Có thể kể đến The Manor, Sky City, Golden Westlake, Golden Palace…

Tại khu căn hộ The Manor, BQT chưa hề nhận được tiền bảo trì từ chủ đầu tư. Tại khu căn hộ Sky City 88 Láng Hạ, sau nhiều kiến nghị, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hanotex đã tạm chi một phần tiền phí bảo trì cho BQT. Tuy nhiên, theo anh Đặng Trọng Hiến, đại diện BQT, ước tính chủ đầu tư vẫn đang giữ của của cư dân số tiền bảo trì lên tới khoảng 15 tỷ đồng.

Khu căn hộ cao cấp The Manor (quận Bình Thạnh, TPHCM) từng xảy ra tranh chấp giữa người mua và chủ đầu tư, phải đưa ra tòa phân xử.

Theo bà Trịnh Thúy Mai, có thể thấy BQT tòa nhà gần như đã bất lực trước sự chây ì của chủ đầu tư. Bởi lẽ luật đề ra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì rất rõ ràng, nhưng lại không có chế tài cụ thể xử lý chủ đầu tư nên chủ đầu tư vẫn ngang nhiên tìm mọi cách chiếm dụng.

Điều này khiến nhiều BQT khu chung cư hoang mang, bởi nếu chỉ kiến nghị như hiện nay sẽ không thể đòi được tiền, còn nếu sử dụng biện pháp cuối cùng là kiện ra tòa, tiền án phí không hề nhỏ với mức tranh chấp 15 tỷ hay gần 200 tỷ đồng, trong khi đó vai trò của BQT chung cư lại gần như “hữu danh vô thực”, cực kỳ mờ nhạt.

Trên thực tế, có thể dễ dàng thấy những khu chung cư tranh chấp về phí bảo trì đều thuộc phân khúc cao cấp, số tiền chủ đầu tư tạm thu không phải là nhỏ. Nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh khó khăn, có thể đến nay chủ đầu tư không còn khả năng chi trả những khoản tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng cho cư dân nữa nên bắt buộc phải lảng tránh hoặc chây ì.

Mới đây, liên minh BQT nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội như Keangnam, 93 Lò Đúc, 88 Láng Hạ, Golden Westlake, The Manor… đã cùng ký đơn kiến nghị tập thể lên UBND, HĐND Hà Nội đề nghị can thiệp giải quyết vấn đề này.

Theo ý kiến của liên minh này, Nhà nước nên đứng ra thu tiền phí bảo trì, sau đó giao lại cho BQT tòa nhà hoặc sẽ thu phí bảo trì sau khi hết thời hạn bảo hành của tòa nhà, đồng thời có những chế tài chặt chẽ hơn để buộc chủ đầu tư phải bàn giao lại số tiền này. Bởi lẽ nếu cứ tiếp diễn tình trạng như hiện nay, không biết bao giờ cư dân mới có thể đòi được số tiền không nhỏ mà mình đã bỏ ra.
 
DiaOcOnline.vn - Theo Sài gòn Đầu tư tài chính