Sau hơn một tháng công khai dự thảo về quy chế quy định mức thu tối đa kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, Sở Xây dựng tổng hợp các ý kiến và nhận thấy có ba quan điểm khác nhau về việc này” - ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết.
Luồng ý kiến thứ nhất, đa số là của các chủ đầu tư, cho rằng không nên quy định mức giá trần, bởi mỗi chung cư có mỗi điều kiện khác nhau. Việc này nên giao cho chủ đầu tư và các hộ dân ở chung cư tự thỏa thuận, quyết định. Quan điểm thứ hai ủng hộ việc phải ban hành mức giá trần phí chung cư để làm chuẩn và không được thu vượt khung, như vậy thì mới đảm bảo người dân không bị chủ đầu tư ép giá vô cớ. Giữa hai bên có cơ sở căn cứ để đạt được thỏa thuận chung, bớt tranh chấp. Quan điểm thứ ba thì nên quy định mức giá trần nhưng phải “mềm” hơn. Mức phí có thể cao hơn giá trần nếu chủ đầu tư và người dân thỏa thuận để hưởng dịch vụ tốt hơn như bể bơi, tắm hơi... thì cần được chấp thuận. Mặt khác, mức phí này phải được điều chỉnh khi có biến động chứ không thể cứng nhắc.
Ông Hùng cho biết Sở Xây dựng đồng tình theo quan điểm thứ ba. Tuy nhiên, điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế thì Sở còn đang bàn tính. Giá này không thể mỗi năm công bố điều chỉnh một lần như khung giá đất nhưng chắc chắn mỗi năm hoặc mỗi giai đoạn sẽ có những thay đổi về giá, chẳng hạn giá nhân công tăng. Lúc đó, mức phí chung cư cũng phải được điều chỉnh kịp thời để khỏi gây tranh chấp giữa chủ đầu tư và các hộ dân. Trong tuần này, dự thảo về giá trần kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư sẽ được báo cáo với lãnh đạo Sở xem xét, có ý kiến lần cuối để trình UBND TP.HCM thông qua.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP