Phí bảo trì: Giữ tiền chung, ai đang hưởng lợi?

Cập nhật 06/06/2014 09:53

Phí bảo trì chiếm 2% giá trị hợp đồng mua căn hộ hiện đang do chủ đầu tư nắm giữ. Cư dân chung cư cho rằng, chủ đầu tư chây ì, chậm chuyển phí bảo trì để hưởng tiền lãi suất gửi ngân hàng...

Theo quy định, tiền phí bảo trì được chủ đầu tư lập tài khoản riêng cho từng nhà chung cư tại ngân hàng, với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Khi thành lập Ban quản trị (BQT) thì chủ đầu tư phải chuyển số tiền này về BQT quản lý. Quy định đã rõ ràng nhưng tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về khoản tiền này vẫn liên tục xảy ra...

"Ngâm" hàng trăm tỷ đồng, chây ì không chịu chuyển

Với 2% tổng giá trị căn hộ, ở những khu chung cư cao cấp, số tiền bảo trì chung cư có thể lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng.Theo ước tính của BQT tòa nhà Keangnam, tổng số diện tích sàn căn hộ và thương mại của toà nhà khoảng 150.000m2 và giá bán căn hộ 2.800USD/m2, phí bảo trì chủ đầu tư đã thu lên tới 190-210 tỷ đồng. Kể từ khi được thành lập, BQT chung cư siêu sang tại Hà Nội đã phải liên tục đòi phí bảo trì từ nhiều năm qua.

Cư dân Keangnam liên tục đòi phí bảo trì

Cùng cảnh bị "ngâm" phí bảo trì mà không rõ lý do, đại diện cư dân The Manor cho biết BQT đã được thành lập nhiều năm nay, cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thu được hết tiền phí bảo trì. "Chủ đầu tư đã thu được 5,2 tỷ đồng từ 2% quỹ bảo trì của 58 căn hộ nhưng đến nay mới bàn giao cho BQT 1 tỷ đồng", bà Nguyễn Nhung Hạnh, đại diện BQT chung cư Themanor cho biết

Mới đây, nhằm gây áp lực mạnh mẽ với các chủ đầu tư, các BQT đại diện cho các cư dân chung cư Themanor, Keangnam, Golden Westlake, Chung cư Dương Nội, Royal City và Times City cùng ký vào đơn kiến nghị gửi Bộ Xây dựng đòi lại phí bảo trì.

Theo lý lẽ của các cư dân chung cư trong bản kiến nghị này thì chủ đầu tư chây ỳ không chuyển trả phí bảo trì cho Ban Quản trị trong khi họ vẫn được hưởng lãi ngân hàng do việc chậm chuyển trả này.

"Với khoản tiền phí bảo trì lên tới hàng chục tỷ thì lãi suất hàng thángcũng là số tiền không nhỏ", một đại diện BQT tòa nhà Keangnam cho hay.

Quản lý phí bảo trì: Ai giữ tiền?

Theo Luật Nhà ở năm 2005 quy định, việc quản lý và giữ 2% phí bảo trì chung cư thuộc về BQT chung cư. Ban này được bầu ra từ hội nghị chung cư, được sự công nhận hợp pháp của chính quyền địa phương. Việc sử dụng kinh phí này phải được sự thống nhất của cư dân. Tuy nhiên, trên thực tế việc thành lập BQT chung cư không phải dễ, kể cả đến khi thành lập được BQT thì cũng có nhiều chủ đầu tư chây ì không chịu chuyển phí bảo trì cho ban đại diện cư dân.

Để khắc phục hạn chế trên, Bộ Xây dựng, cơ quan soạn thảo Luật Nhà ở sửa đổi quy định "Cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện nơi có nhà chung cư có trách nhiệm lập một tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại đang hoạt động trên địa bàn để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho các nhà chung cư trên địa bàn"

Với quy định, khoản tiền phí bảo trì sẽ không bị chủ đầu tư chiếm dụng nữa, tuy nhiên đại diện của BQT ở Hà Nội cũng không hài lòng. Lập luận các BQT tại Hà Nội cho rằng nếu giao cho một cơ quan quản lý Nhà nước quyền hạn "quản lý kinh phí bảo trì", có nghĩa rằng đã can thiệp quá sâu, "hành chính hóa" các quan hệ dân sự và hạn chế quyền của người chủ sở hữu.

"Điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân chung cư khi mỗi sửa chữa tài sản của mình phải lập hồ sơ trình lên cơ quan quản lý nhà cấp huyện xin phê duyệt cho việc sửa chữa và mất thêm thời gian cho việc phê duyệt và chuyển tiền", bản kiến nghị gửi Bộ Xây dựng cho biết.

Tuy nhiên, để BQT tòa nhà quản lý phí bảo trì cũng không đơn giản. Bởi theo LS Bùi Quang Hưng (Đoàn LS Hà Nội) thì BQT chung cư là tổ chức lỏng lẻo

"BQT hiện nay được lập ra bởi cư dân chung cư nhưng BQT không có con dấu, không có tài khoản riêng, thành viên cũng dễ thay đổi, không có tính ràng buộc pháp lý cao", LS Hưng nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động