Theo Dự thảo thông tư quản lý, sử dụng nhà chung cư đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến, việc giao Quỹ bảo trì nhà chung cư sẽ được giao cho Ban quản trị và thiết lập cơ chế chi tiêu từ quỹ này rất chặt chẽ.
Vấn đề sử dụng có hiệu quả, chi tiêu tài chính đối với khoản phí bảo trì nhà 2% được cả chủ đầu tư và người dân đặc biệt quan tâm. Đã có rất nhiều ý kiến của cư dân, trong quá trình lấy ý kiến Dự thảo, đã bày tỏ sự lo lắng về việc Ban quản trị tòa nhà sẽ tự ý chi tiêu quỹ bảo trì tòa nhà, trong khi số quỹ này ở một số tòa nhà rất lớn, lên tới vài chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Như Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Thành cho rằng, nhiều chung cư còn lúng túng trong quá trình sử dụng khoản phí bảo trì 2%. Với số tiền 2% này, cư dân sử dụng hiệu quả, biết cách quản lý có thể 40 - 50 năm sau mới hết. Tuy nhiên, nếu sử dụng không hiệu quả chỉ tầm 10 năm đã hết sạch. Khi đó, người dân lại phải đóng góp tiếp. Vì vậy, vấn đề tư vấn cho cư dân sử dụng số tiền này như thế nào hợp lý cũng rất cần thiết.
Tổng công ty CP Vinaconex chây ì không trả 72 tỷ đồng tiền phí bảo trì cho Ban quản trị cụm nhà N05 (Trung Hòa - Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội).
Việc chủ đầu tư Vinaconex chây ì không trả 72 tỷ đồng tiền phí bảo trì cho Ban quản trị cụm nhà N05 (Trung Hòa - Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội) đang gây bức xúc cho cư dân tại Dự án này.
|
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, 2% Quỹ bảo trì nhà cung cư được giao cho Ban Quản trị nhà chung cư trên nguyên tắc “Tiền của ai người đó quản”.
Cụ thể, tại Điều 36 tại dự thảo "Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư" quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản để tạm quản lý kinh phí bảo trì. Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi ban quản trị hoạt động, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao kinh phí bảo trì đã thu của người mua, thuê mua và kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp đối với phần diện tích giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua cho ban quản trị nhà chung cư. Kỳ hạn tiền gửi và chủ tài khoản quản lý kinh phí bảo trì do một người đứng tên hoặc đồng chủ tài khoản đứng tên, để đảm bảo cho việc sử dụng số tiền này đúng mục đích.
Theo Dự thảo, Ban Quản trị sau khi được UBND quận ban hành quyết định công nhận, có trách nhiệm lập tài khoản quản lý kinh phí bảo trì tòa nhà tại ngân hàng theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, đăng ký con dấu. Chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì có thể là 1 người hoặc đồng chủ tài khoản do Hội nghị nhà chung cư quyết định.
Theo quy định của Dự thảo, cơ chế quản lý tài chính từ quỹ bảo trì được quy định khá chặt chẽ. Trước hết, cư dân sẽ là người biểu quyết xem thành viên Ban quản trị ai là người được đứng chủ tài khoản. Khi có quyết định rút tiền mặt từ quỹ bảo trì phải có chữ ký của thành viên Ban quản trị, trong đó, 1 người đại diện cư dân, 1 người đại diện chủ đầu tư. Ban Quản trị chỉ được rút tiền mặt tối đa 5 triệu đồng. Khi rút tiền mặt, Ban quản trị phải có giấy từ chứng minh đầy đủ với Ngân hàng. Và số tiền rút tối đa chỉ được 5 triệu đồng.
Đáng chú ý, với khoản tiền 5 triệu đồng rút ra từ quỹ bảo trì, ban quản trị phải xuất trình được với Ngân hàng biên bản, trong đó 50% thành viên ban quản trị đồng ý cho rút. Với khoản tiền lớn hơn thì phải có được hợp đồng bảo trì, được 75% ý kiến cư dân đồng ý và nếu rút tiền mặt thì phải được 100% thành viên ban quản trị đồng ý, ngân hàng mới cho rút.
Theo ông Khởi, tài khoản quỹ bảo trì sẽ do Ban Quản trị đứng tên, số lượng người đứng tên chủ tài khoản (1, 2 hay 3 người trong Ban quản trị) sẽ do Hội nghị nhà chung cư bàn bạc và quyết định. Liên quan đến hoạt động của Ban quản trị, ông Khởi cho biết, trong quy định về biểu quyết của Ban quản trị, việc rút tiền kinh phí yêu cầu phải đảm bảo 100% thành viên Ban quản trị biểu quyết mới được phép tiến hành.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP-Invest) nêu quan điểm rằng, để đảm bảo số tiền 2% phí bảo trì được sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, chi tiêu không đúng mục đích thì đồng chủ tài khoản đứng tên trong ngân hàng dứt khoát phải có 1 người của chủ đầu tư và 2 người của Ban quản trị tòa nhà. Điều này là để phòng trường hợp rủi ro thành viên trong ban quản trị tòa nhà có thể 1 lúc nào đó bán nhà và không ở tòa nhà đó.
Sau khi tổ chức Tọa đàm đóng góp ý kiến vào Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, dự kiến đến hết ngày 23/11, Hiệp hội Quản lý và Bảo trì tòa nhà Việt Nam (VBMA) sẽ tổng hợp ý kiến của chủ đầu tư, đơn vị quản lý tòa nhà để gửi Bộ Xây dựng.
Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, để lấy ý kiến góp ý cho Thông tư quy định Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, Cục đã tổ chức 5 Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan quản lý địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà, ban quản trị đại diện cư dân…
Dự kiến, dự thảo Thông tư sẽ được bổ sung, hoàn thiện và trình duyệt trong tháng 11/2015.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư