“Phẫu thuật dị tật” đô thị - Vô vàn khó khăn

Cập nhật 21/03/2013 08:39

Từ nhiều năm nay, sự xuất hiện và tồn tại của những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo (SMSM) - một dạng "dị tật đô thị" - ngay tại mặt tiền những tuyến phố trung tâm Thủ đô đã gây bức xúc dư luận và làm đau đầu các cấp quản lý trong việc tìm ra phương án hữu hiệu để xóa bỏ.

Theo Chỉ thị của UBND TP Hà Nội về đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn, quý I năm 2013 là thời điểm cuộc "phẫu thuật dị tật đô thị" phải hoàn thành. Tuy nhiên...

Ngôi nhà siêu mỏng trên phố Ngô Gia Tự.

Bài 1: Tới hạn chót, vẫn lúng túng

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2012, toàn thành phố vẫn còn 252 nhà SMSM. Bất cứ một tuyến phố nào vừa mở ra, ngay lập tức xuất hiện hàng loạt ngôi nhà SMSM không chỉ kéo lùi sự phát triển của kiến trúc đô thị mà còn gây nhiều hệ lụy ngay trong đời sống dân cư và công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.

1001 kiểu nhà siêu mỏng, siêu méo...

Làm một vòng qua các tuyến đường, phố: Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy), Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), quốc lộ 32 (huyện Từ Liêm), Ngô Gia Tự (quận Long Biên), Xã Đàn (quận Đống Đa)... người ta không khỏi ngạc nhiên trước những ngôi nhà có hình thù kỳ dị, méo mó. Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường có chiều dài chưa đầy 5km này có tới hàng chục ngôi nhà SMSM đang khẩn trương được xây dựng, hoàn thiện. Đơn cử, căn nhà 5 tầng nằm sát số nhà 96 Kiều Mai - QL 32 - xã Phú Diễn có kích thước hình học khá kỳ dị với một cạnh chỉ rộng chừng 50cm. Có lẽ ý thức được nguy hiểm của việc xây nhà trên đất siêu méo nên gia chủ đã chọn thiết kế khá đặc biệt. Toàn bộ mặt tiền tầng 1 được trang bị hệ thống cửa cuốn, tạo cảm giác chắc chắn, an toàn. Từ tầng 2 đến tầng 5 được xây khung, để thoáng và quây bằng kính trắng để "giảm tải" cho phần móng và tạo cảm giác rộng rãi hơn.

Sẽ là vô cùng thiếu sót khi nhắc đến những ngôi nhà có kích thước hình học kỳ lạ mà "bỏ qua" một công trình án ngữ ngay trước cổng UBND xã Phú Diễn (huyện Từ Liêm). Ngôi nhà được xây dựng trên diện tích đất có mặt tiền khá rộng nhưng chiều sâu chỉ vẻn vẹn 2m. Với kết cấu mái tầng 1 hình chữ T, tầng 2 và tầng 3 ngôi nhà "vươn" ra 3 phía khiến nhìn từ xa, cả ngôi nhà chênh vênh như một chiếc nón để ngửa.

Một tuyến đường mới có nhiều nhà SMSM khác cũng được dư luận "điểm mặt, chỉ tên" thời gian gần đây, đó là tuyến đường Ngô Gia Tự (phường Đức Giang, Long Biên). Còn nhớ vào tháng 5-2012, đoạn QL 1A (đường Ngô Gia Tự, Long Biên) với chiều dài gần 3km, rộng 48m với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng được khánh thành và đi vào hoạt động. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, việc mở rộng, nâng cấp và cải tạo tuyến đường không chỉ góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, tạo động lực xây dựng một đô thị hiện đại, văn minh, mà còn giúp phát triển mạng lưới giao thông... Song trên thực tế, ngay từ khi mới thực hiện xong công tác GPMB, hai bên đường đã mọc lên nhiều ngôi nhà với hình dáng méo mó, xiêu vẹo, cái thò ra, cái thụt vào... với đủ loại màu sắc, kiến trúc.

Vì đâu nên nỗi?

Một câu hỏi được dư luận đặc biệt quan tâm là: "Vì sao bất cứ một tuyến đường nào mới mở lại xuất hiện những mảnh đất, những ngôi nhà SMSM?". Trong quá trình đi tìm lời giải cho câu hỏi này, chúng tôi được nghe một vị cán bộ phường khẳng định: "Nhà SMSM là hệ quả tất yếu của căn bệnh thờ ơ, vô trách nhiệm, mạnh ai nấy làm...". Thoạt nghe, nhận xét ấy có vẻ hơi khiên cưỡng và mang tính quy chụp. Song khi đi sâu phân tích mới thấy đó là một nhận xét rất xác thực. Bởi lẽ, thông thường, để thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp và cải tạo một tuyến đường, phố cần có sự vào cuộc của hàng loạt cơ quan chức năng như: Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND quận (huyện), Ban Quản lý dự án quận (huyện), Phòng Quản lý đô thị quận (huyện), chủ đầu tư, UBND cấp phường, xã... Với việc phân cấp quản lý từng phần mà thiếu đi tính tổng thể và sự phối kết hợp giữa các ban, ngành và các cơ quan chức năng, hậu quả là mỗi cơ quan, đơn vị chỉ quan tâm đến phần việc của riêng mình theo kiểu "mạnh ai nấy làm, phần ai nấy hưởng". Sở Quy hoạch - Kiến trúc chỉ biết vẽ quy hoạch và đưa ra tỷ lệ; người làm công tác GPMB chỉ biết đến việc làm sao có được mặt bằng sạch; người làm đường chỉ biết làm sao cho cốt đường chuẩn, mặt đường bảo đảm kỹ thuật... mà không ai quan tâm đến một vấn đề mang tầm vĩ mô: Đó là sau khi mở đường, cảnh quan, nhà ở và kiến trúc của những ngôi nhà hai bên đường sẽ do ai và cấp nào quản lý? Cùng chung quan điểm này, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho rằng: "Sẽ là rất đơn giản cho cả người dân và chính quyền sở tại nếu ngay từ khi vẽ quy hoạch trên bản đồ tỷ lệ 1/500, cơ quan quản lý đã xác định những diện tích đất siêu mỏng, có kích thước hình học không đủ điều kiện hoặc không phù hợp cho việc xây dựng để có biện pháp hợp thửa hoặc tiến hành thu hồi để sử dụng vào mục đích khác... Còn khi vẫn để những mảnh đất SMSM đó tồn tại thì việc ngăn ngừa người dân xây dựng trên những diện tích đất đó chẳng khác nào "thả gà ra đuổi"...".

Tuy nhiên, có một điều mà cả ông Hà và vị cán bộ phường nọ đều không thể lý giải thấu đáo, đó là vì sao bất chấp những văn bản, quy định của pháp luật và chỉ đạo từ chính quyền thành phố đến các sở, ngành... trên những mảnh đất SMSM, kích thước hình học "không giống ai", vẫn lần lượt mọc lên những ngôi nhà thấp tầng có, cao tầng cũng có. Còn theo quan điểm của anh Nguyễn Việt Hùng, kiến trúc sư, tình trạng xuất hiện những mảnh đất SMSM trong quá trình GPMB để mở rộng một tuyến đường là rất dễ hiểu. "Khi một con đường được mở ra, nó chỉ đi theo một hướng nhất định. Trong khi đó, mỗi mảnh đất nội đô đều có một diện tích, phương hướng khác nhau, tuyến đường sẽ ăn lẹm vào những mảnh đất nó đi qua. Còn việc vì sao trên những mảnh đất ấy lại mọc lên những ngôi nhà SMSM là do các cấp chính quyền đã thiếu kiên quyết, thậm chí bàng quan, buông lỏng quản lý trong công tác trật tự xây dựng.

Không nhiều nhưng đều là "ca" khó!

Trước thực trạng này, cuối năm 2012, UBND TP Hà Nội đã ban hành chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác quản lý trật tự trên địa bàn. Theo chỉ thị này, Sở Xây dựng phải rà soát, tổng hợp kế hoạch, tiến độ triển khai xử lý nhà SMSM trên địa bàn thành phố; đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tập trung giải quyết, bảo đảm hoàn thành trong quý I năm 2013. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tính đến thời điểm hiện nay, khi thời hạn thành phố đề ra đã cận kề, các cấp chính quyền địa phương vẫn còn rất nhiều lúng túng.

Ông Trần Đức Học, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khi trả lời phóng viên Báo Hànộimới về tiến độ xử lý các công trình SMSM trên địa bàn thành phố cũng tỏ ra lo lắng. Bây giờ đã là giữa tháng 3-2013, mặc dù Sở Xây dựng - cơ quan "đứng mũi chịu sào" - nhiều lần yêu cầu các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ, thường xuyên hướng dẫn trình tự thủ tục, cùng các sở, ngành phối hợp tháo gỡ vướng mắc nhưng đến nay việc xử lý nhà SMSM vẫn chưa đáp ứng được tiến độ thành phố đề ra. Thời điểm hết quý I năm 2013 đã cận kề, công tác xử lý nhà SMSM đã đạt được kết quả nhất định nhưng trở ngại lớn nhất là hầu hết những trường hợp còn lại đều thuộc diện phải thu hồi đất, một số rất ít có thể hợp khối hoặc chỉnh trang.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, tính đến thời điểm 8-1-2013 trên toàn thành phố còn 252 trường hợp nhà SMSM đang giải quyết, trong số đó 33 trường hợp đã được hợp thửa hợp khối, 33 trường hợp chỉnh trang và có 186 trường hợp thuộc diện thu hồi. Cũng cần nói thêm rằng, trong số 142 trường hợp nhà SMSM đã giải quyết trong năm 2012 chỉ có 32 trường hợp thuộc diện thu hồi, thuộc hai quận là Đống Đa và Hà Đông. Từ các con số trên có thể thấy, số lượng nhà SMSM còn lại không phải quá nhiều, nhưng tất cả đều là những "ca khó", việc giải quyết sẽ mất nhiều thời gian, công sức.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới