Phát triển quỹ nhà ở xã hội: Sẽ tăng nguồn cung "nhà bình dân"

Cập nhật 02/06/2008 15:00

Thời điểm này giá nhà có hạ song vẫn cao so với thu nhập trung bình của người dân. Đối tượng có thu nhập thấp và người nghèo vẫn khó có thể mua được nhà. Đó là lý do nhiều người đang kỳ vọng vào Đề án đầu tư Quỹ nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dự kiến Đề án này sẽ trình Chính phủ vào tháng 6 hoặc tháng 10 năm nay.

Để bình ổn cung cầu trên thị trường BĐS

Giá nhà hiện nay mức thấp nhất là 600-700 triệu đồng/căn. Trong khi đó, thu nhập của phần lớn cán bộ, công chức, công nhân chỉ ở mức 3-4 triệu đồng/người/tháng nên khó có thể mua nhà ở thương mại (nhà kinh doanh) bằng lương của công chức. Cán bộ, công chức, người nghèo có khó khăn về nhà ở sẽ được gỡ khó từ quỹ nhà ở xã hội, nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.

Theo Đề án tạo dựng quỹ nhà ở xã hội từ nguồn vốn Nhà nước, Nhà nước bỏ tiền ra làm nhà cho những đối tượng người nghèo, công chức viên chức... thuê, thuê mua trên nguyên tắc thu hồi và bảo toàn vốn, đảm bảo khả năng chi trả và quay vòng. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo làm thí điểm nhà ở xã hội tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương; ngoài ra có một số địa phương đã chủ động làm và làm khá tốt như TP Cần Thơ.

Chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở (chủ yếu dành cho đồng bào nông thôn) sẽ giúp những người nghèo đang ở trong những ngôi nhà lụp xụp, không đủ diện tích, không đảm bảo vệ sinh môi trường, thậm chí không có chỗ che mưa, che nắng có được căn nhà thực sự. Hơn nữa, chương trình này cũng thể hiện chủ trương của Chính phủ, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Nếu được xét duyệt, các hộ này sẽ được Nhà nước cấp 7 triệu đồng, vay Ngân hàng chính sách 8 triệu đồng, các hộ vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng, phối hợp với nguyên vốn địa phương và vốn tự có của gia đình để xây cho mỗi hộ tối thiểu diện tích ở 24m2 có mái che, tường nhà... đảm bảo sinh hoạt ở mức bình thường. Tổng kinh phí cho dự án này khoảng 10.000 tỷ đồng.

Những vướng mắc:  Nhìn từ các địa phương

Mới đây, Hội nghị "Cơ chế, chính sách phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố" đã được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh. Trong hai năm 2006-2007, thành phố đã hoàn thành 23/49 dự án nhà ở với hơn 8.400 căn cho cán bộ, công chức, sĩ quan... Các dự án còn lại triển khai chậm do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, để tạo ra quỹ đất phát triển nhà ở xã hội phải thực hiện theo Nghị định 90. Đối với dự án từ 10 ha trở lên, doanh nghiệp phải dành 20% quỹ đất có hạ tầng hoàn chỉnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định này không khuyến khích các doanh nghiệp làm dự án trên 10 ha. Dự án trong nội thành mà phải dành ra 20% quỹ đất thì doanh nghiệp sẽ không kham nổi. Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực đã chỉ ra những bất hợp lý của Nghị định 90 và các văn bản hướng dẫn như chỉ cho xây dựng tối đa sáu tầng, diện tích của căn hộ khống chế từ 30 m2 đến 60 m2/căn hộ...

Tại Lâm Đồng, tháng 4 vừa qua, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã lập Đề án "Phát triển quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020". Ông Đặng Nguyễn Văn Tích, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt cho biết: "Để thực hiện được dự án nhà ở xã hội, Nhà nước phải tiên phong bỏ vốn lập dự án, bố trí quỹ đất, thành lập bộ máy điều hành. Đơn vị trúng thầu chỉ cần xây các công trình công cộng, phần nhà ở chỉ xây thô, tùy theo khả năng giá và nhu cầu của từng hộ sẽ thiết kế nội thất riêng, làm sao để giá thành xê dịch từ 2,5-3 triệu đồng/m2, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có thu nhập thấp có được nhà ở".

Ông Ngô Phước, Phó Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Đà Lạt cho biết, Công ty ông sẵn sàng tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nếu tỉnh có chủ trương cụ thể, bảo đảm được quỹ đất, nguồn vốn... nhưng cái khó nhất hiện nay là quỹ đất để thực hiện dự án.

 

Theo Bộ TN - MT