Phát triển nhà ở xã hội và nhà cho nhu cầu thực

Cập nhật 22/10/2013 11:56

Chiều 19/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản phối hợp với Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, Liên minh các sàn giao dịch bất động sản tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển nhà ở xã hội & nhà cho nhu cầu thực”.

Phát biểu tại Hội thảo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà (Bộ Xây dựng) nhận định, sau một thời gian phát triển quá nóng, trị trường bất động sản đang bị trầm lắng kéo dài; nợ xấu trong bất động sản tăng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh…Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do thị trường bất động sản phát triển thiếu quy hoạch, không có kế hoạch, chưa theo sát với nhu cầu thị trường dẫn đến lệch pha cung – cầu; cơ cấu hàng hóa mất cân đối. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện; năng lực doanh nghiệp bất động sản hạn chế. Ngoài ra, công tác quản lý của Nhà nước còn nhiều bất cập…

Theo ông Hà, một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay là phải khắc phục được lệch pha cung cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý, sao cho các sản phẩm bất động sản chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực tế và khả năng thanh toán của đại đa số người mua. Chính vì vậy Bộ Xây dựng xác định quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, hướng tới người nghèo để người nghèo có nhà ở.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhận định, trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay việc phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương đúng đắn. Nhà ở ở xã hội là một bộ phận quan trọng, rất đáng quan tâm của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tăng trưởng nhà thu nhập thấp có thể sẽ góp phần tạo xung lực cho thị trường bất động sản tổng thể. Giải quyết vấn đề nhà ở xã hội không chỉ là giải quyết vấn đề nhà ở, mà là vấn đề an sinh xã hội, ổn định kinh tế và hướng đến phát triển bền vững. Việc giải quyết vấn đề nhà ở xã hội ngoài tính thị trường còn tác động đến những nhóm dân cư cần được quan tâm trong xã hội, nhất là các đô thị - đặc biệt là đô thị lớn trong quá trình phát triển. Ông cho rằng, trong thời gian ngắn hạn, việc định hướng thị trường vào nhóm nhà ở xã hội dường như là điều chỉnh chiến lược. Nếu tập trung mạnh mẽ cả về chính sách, điều hành, nhân lực, vật lực để thúc đẩy phân mảng thị trường này, cộng với các xu thế chung của nền kinh tế, thị trường bất động sản sẽ tạo thế năng mới để đón đầu, tạo cơ hội mới của thị trường bất động sản Việt Nam.

Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế, Phó Viện trưởng Viện Giá cả và Thị trường (Bộ Tài chính) cho rằng, nhà ở xã hội là dành cho những người không có khả năng tiếp cận với nhà ở bình thường. Vì vậy, trong phân khúc nhà ở xã hội nên tách làm 2 nhóm: nhóm 1 là thu nhập quá thấp không thể mua nhà, kể cả có giá 300 - 500 triệu/căn nên Nhà nước phải hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho họ thuê với giá rẻ. Nhóm 2 là những nhà ở xã hội theo tiêu chí hiện nay và được chuyển từ nhà ở thương mại sang, phục vụ những người thu nhập thấp, có nhu cầu nhà ở chính đáng, nhu cầu được sở hữu nhà, nhưng chưa thể mua nhà vì chưa đủ tiền tích lũy…

Đối với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, theo ông Ánh, việc triển khai gói hỗ trợ sẽ có tác động lớn tới giải quyết một trong những vấn đề an sinh xã hội. Đồng thời gói hỗ trợ nhất định góp phần kích hoạt thị trường bất động sản vốn đang “ảm đạm” hiện nay, thông qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn, giúp phục hồi nền kinh tế nước ta. Vì vậy, quy trình thủ tục thực hiện gói hỗ trợ cần hết sức đơn giản, khả thi, công khai, minh bạch và đúng đối tượng…

DiaOcOnline.vn - Theo Đảng Cộng sản Việt Nam