Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị phê duyệt đề án Quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở. Theo đó, sẽ thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, để cải tạo, sửa chữa nhà ở và cho doanh nghiệp (DN) trong nước vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên). Ảnh: Phan Anh
|
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, khả năng tiếp cận nhà ở của một bộ phận không nhỏ người dân rất khó khăn, trong đó có người nghèo khu vực đô thị, công nhân các khu công nghiệp, cán bộ, công chức, quân nhân chuyên nghiệp… Vì vậy, trong chiến lược phát triển nhà ở đã khẳng định rõ quan điểm bên cạnh cơ chế thị trường, Nhà nước sẽ can thiệp để người dân nghèo có nhà ở. Cụ thể, sẽ phân rõ hai loại nhà ở. Loại thứ nhất là thị trường hàng hóa, là nhà ở thương mại phục vụ đối tượng có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường. Loại thứ hai là nhà ở xã hội, hay còn gọi là nhà ở phi thị trường hàng hóa, có sự can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước để giúp người nghèo, người khó khăn không có điều kiện tiếp cận nhà ở theo cơ chế thị trường. Từ đó, chiến lược nhà ở cũng phân rõ 8 nhóm đối tượng cần sự hỗ trợ của Nhà nước để cải thiện nhà ở như người nghèo khu vực đô thị, người có công với nước, cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, trí thức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở sinh viên… "Có thể nói, chiến lược đã phủ kín những nhóm đối tượng xã hội cần được hỗ trợ nhà ở. Từng nhóm đối tượng sẽ có chương trình, chính sách nhà ở cụ thể" - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Nhà ở là sản phẩm bất động sản, mất nhiều thời gian để hình thành, chưa kể các chương trình, kế hoạch cần có lộ trình dài hạn 10 năm, 20 năm. Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng cùng các địa phương pháp lệnh hóa việc phát triển nhà ở xã hội, tức là phải đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội trở thành một chỉ tiêu kinh tế - xã hội; là nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đang cụ thể hóa chiến lược nhà ở bằng chính sách, nghị định cụ thể. Với sự tham gia của Nhà nước, DN, người dân, chắc chắn sẽ đáp ứng đủ số lượng nhà ở xã hội cho người có nhu cầu.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến năm 2015 đã có khoảng 300 dự án nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp đăng ký, với tổng mức đầu tư 55.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới có khoảng 27 dự án nhà ở công nhân và 42 dự án nhà ở thu nhập thấp được khởi công. Nguyên nhân do việc huy động vốn cho loại hình nhà ở này rất hạn chế. Hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường chủ yếu từ tín dụng ngân hàng hoặc huy động của người dân. Chưa có nguồn vốn trung, dài hạn hỗ trợ DN, người dân phát triển nhà ở xã hội. Chưa kể, thị trường nhà ở hàng hóa phát triển không ổn định, mất cân đối, thiếu loại nhà ở quy mô vừa và nhỏ phù hợp khả năng thanh toán của đa số người dân; đặc biệt thiếu nghiêm trọng loại hình nhà ở cho thuê.
Mặc dù Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước về phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, cho công nhân, song hầu hết các dự án đều "đói" vốn giá rẻ. Trong khi nếu vay thương mại, lãi suất cao, giá nhà ở sẽ không phù hợp. Thực tế, do thiếu vốn, do giá nhà chưa phù hợp, một số dự án ở xa trung tâm, số người đến ký hợp đồng mua ít hơn số người được duyệt mua. Với nhà ở công nhân, ngoài dự án thí điểm bằng vốn ngân sách cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, hầu hết các dự án do DN đăng ký đều ở giai đoạn nghiên cứu quy hoạch, lập kế hoạch đầu tư.
Có ba loại nhà ở xã hội. Loại thứ nhất, Nhà nước đầu tư bằng vốn ngân sách để hình thành quỹ nhà khang trang, cho thuê với giá rẻ thay cho loại nhà trọ chất lượng thấp hiện nay. Loại thứ hai, Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN đầu tư với giá bán do Nhà nước quản lý để bảo đảm giá nhà ở thấp hơn so với giá nhà ở thị trường. Loại thứ ba, Nhà nước khuyến khích người dân xây dựng cho thuê thông qua việc miễn thuế… với điều kiện bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn của Nhà nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới