Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường là phải khắc phục sự lệch pha “cung - cầu”, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý để sản phẩm BĐS đến được với mọi đối tượng, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán thực của thị trường. Trong đó, phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là chính sách nhân văn, góp phần hiện thực hóa giấc mơ an cư của người nghèo đô thị.
Để khắc phục sự lệch pha cung - cầu của thị trường BĐS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đề xuất một nhóm giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là NƠXH, được Chính phủ cụ thể hóa tại Nghị quyết 02 năm 2013 và Nghị quyết 61 năm 2014.
Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, đã tiến hành rà soát phân loại các dự án BĐS trên phạm vi cả nước, thực hiện chuyển đổi nhiều dự án nhà ở thương mại (NƠTM) sang dự án NƠXH, điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án NƠTM (chia nhỏ căn hộ) cho phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường; miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế thu nhập DN, thuế VAT đối với các DN phát triển NƠXH; đặc biệt, Chính phủ đã dành gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho DN phát triển NƠXH và người dân vay để mua, thuê, thuê mua NƠXH, NƠTM giá bán thấp...
Chính nhờ các giải pháp đồng bộ đó, thị trường BĐS đã phục hồi tích cực. Thể hiện qua lượng giao dịch thành công liên tục tăng, bắt đầu từ phân khúc sản phẩm trung bình và thấp, lan dần sang khu vực sản phẩm trung và cao cấp.
Đặc biệt, với gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho NƠXH, đã giúp cho hàng chục ngàn hộ người nghèo, người thu nhập thấp được cải thiện nhà ở.
“Nếu không có dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, thì năm nay chắc cả gia đình tôi vẫn phải ở thuê trong những phòng trọ chật chội, ẩm thấp. Gần 40 tuổi tôi mới có một ngôi nhà của riêng mình. Tôi hạnh phúc lắm!”, chị Dương Thị Liên - một trong những hộ dân được vay gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng để mua NƠXH Rice City - Tây Nam Linh Đàm chia sẻ khi chị sắp được nhận nhà trước Tết Bính Thân 2016.
Chị Liên cũng như hàng trăm người nghèo khác may mắn được xét duyệt và tạo điều kiện mua nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội. “Hiện, mỗi tháng tiền thuê nhà của gia đình tôi mất 3 triệu đồng, trong khi căn phòng trọ chỉ rộng chừng 9m2 cho 3 người tá túc. Việc sắp được nhận nhà tuy có diện tích nhỏ thôi (khoảng 53m2) nhưng đó là niềm vui vô bờ, chấm dứt bao năm ngược xuôi cảnh thuê mướn nhà trọ, chị Liên tâm sự.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, đến tháng 10/2015, các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 31.367 hộ gia đình, cá nhân và 56 dự án, tổ chức với tổng số tiền là 21.518 tỷ đồng (đạt 72%) trong đó, có 11.340 hộ vay để mua NƠXH, 16.832 hộ vay để mua NƠTM giá bán thấp (dưới 1.05 tỷ đồng) và 3.195 hộ vay để cải tạo, xây mới nhà ở; đã thực hiện giải ngân là 13.499 tỷ đồng (đạt 45%).
Cùng với các chương trình hỗ trợ NƠXH cho đối tượng chính sách người nghèo khu vực nông thôn, các mô hình khu đô thị NƠXH với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ dành cho người nghèo, người thu nhập thấp đô thị (như các dự án NƠXH tại khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội của Viglacera; tại thành phố mới Bình Dương của Becamex IDC), đã góp phần khẳng định một hướng đi mới trong việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa hướng tới con người, vì con người, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Đẩy mạnh phát triển NƠXH cũng được các cơ quan quản lý, chuyên gia xác định là một trong các giải pháp đảm bảo để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 đã khẳng định “Các chương trình phát triển NƠXH trọng điểm đạt được nhiều kết quả tích cực, đã giúp cải thiện chỗ ở cho hàng trăm ngàn hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về nhà ở, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội”.
Tuy vậy, trên thực tế, sản phẩm NƠXH vẫn còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu, trong khi vẫn còn đó nhiều lực cản như thiếu quỹ đất; nguồn vốn trung và dài; chỉ có nhà để bán, chưa có nhà cho thuê… Nhưng dẫu gì vẫn có thể khẳng định phát triển NƠXH là một trong những “điểm sáng” trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015.
'
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng