Phát triển nguồn nhân lực cho thị trường BĐS: Cần có chiến lược dài hạn

Cập nhật 30/10/2009 10:55

Cần phải có quy hoạch đào tạo những kỹ năng cơ bản về kinh doanh BĐS.

Làm thế nào để quản lý và phát triển thị trường bất động sản (BĐS)? Vai trò của Nhà nước nên điều tiết đến đâu? Đây là câu hỏi đặt ra đối với các nhà quản lý. Khác với thị trường chứng khoán và thị trường tài chính, nguồn nhân lực tham gia thị trường BĐS rất đa dạng và đông đảo, không chỉ tập trung vào những người có vốn mà còn có nhiều thành phần khác. Vậy chủ thể tham gia vào hoạt động này bao gồm những ai?

Trước hết phải nói đến trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình biến động của thị trường BĐS, có biện pháp cụ thể, đặc biệt đối với thị trường BĐS tính rủi ro rất cao thì sự tham gia của Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng.

Từ thực tế đó, đòi hỏi các nhà quản lý cũng phải có nhận thức năng động về tình hình thị trường, dự kiến các tình huống có thể xảy ra, chuẩn bị phương án, biện pháp để quản lý.

Thứ hai là các nhà đầu tư kinh doanh BĐS. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, các nhà đầu tư khi tham gia thị trường BĐS buộc phải có tri thức mà kiến thức của họ đòi hỏi phải ngang tầm với khu vực và quốc tế. Muốn vậy thì trong quy hoạch hệ thống đào tạo quốc gia cần phải có quy hoạch đào tạo những kỹ năng cơ bản về kinh doanh BĐS .

Thứ ba là những người thực hiện các dịch vụ liên quan đến BĐS, họ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và các chủ đầu tư để biến ý tưởng thành hiện thực.

Nhà quy hoạch có vai trò lớn trong việc hoạch định vị trí các khu chức năng cho phù hợp với mục tiêu phát triển, mật độ dân số, diện tích đất xây dựng trong khu vực. Nhà quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, vĩ mô nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước và bản thân khách hàng là các chủ đầu tư.

Kiến trúc sư thực hiện tư vấn cho doanh nghiệp về kiến trúc, nội thất công trình, làm tăng giá trị của BĐS, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường, hỗ trợ các nhà đầu tư kinh doanh BĐS quyết định lựa chọn địa điểm xây dựng phù hợp với mục tiêu của dự án.

Kỹ sư bao gồm kỹ sư xây dựng, giao thông... Giống như kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng phải có kinh nghiệm về lĩnh vực xin đăng ký hành nghề ít nhất 5 năm và đã tham gia thực hiện thiết kế hoặc khảo sát ít nhất 5 năm thì mới đủ điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề. Pháp luật đã đưa ra những tiêu chí chung đối với người hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình như trình độ, kinh nghiệm, đã qua đào tạo về giám sát thi công xây dựng....

Nhà thầu xây dựng bao gồm các tổng thầu, nhà thầu chính, nhà thầu phụ. Khi tham gia vào các dự án BĐS, họ buộc phải tuân thủ theo quy trình nhất định, tuỳ từng loại dự án họ có thể được chỉ định thầu hoặc tham gia đấu thầu. Nhà định giá BĐS luôn là những người cần thiết trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình phát triển BĐS, nhất là sau khi BĐS hoàn thành đi vào sử dụng.

Hiện nay trên thị trường còn có sự chênh lệch quá lớn về kinh nghiệm, trình độ, mối quan hệ giữa các nhà môi giới BĐS dẫn đến sự thiếu tin tưởng của khách hàng.

Đứng đầu một pháp nhân là sàn giao dịch BĐS, nhà quản lý, điều hành phải đảm bảo cho hoạt động của sàn không chỉ là nơi diễn ra các giao dịch và hoàn tất thủ tục theo cơ chế “một cửa” mà bản thân sàn cũng phải đảm bảo quyền lợi cho khách hàng khi có rủi ro; trách nhiệm của sàn không chỉ dừng lại sau khi kết thúc hợp đồng, mà còn chịu trách nhiệm về những hư hỏng xảy ra sau khi khách hàng sử dụng BĐS.

Nhà quản lý BĐS thực hiện một số công việc theo uỷ quyền của chủ sở hữu, chủ sử dụng BĐS, chuyên làm nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ bảo đảm duy trì hoạt động của BĐS. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của Luật sư cho các chủ đầu tư về tư vấn pháp lý trong suốt quá trình đầu tư xây dựng dự án, từ khâu đầu tiên đến khâu kết thúc, thậm chí kể cả sau khi sản phẩm BĐS hoàn thành và đã đi vào sử dụng.

BĐS có giá trị lớn nên trong quá trình đầu tư tạo lập BĐS không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực tài chính để thực hiện toàn bộ dự án mà không cần sự hỗ trợ vay vốn từ phía ngân hàng, các cơ quan tài chính như quỹ tín thác bất động sản, quỹ bảo hiểm.

Cuối cùng là khách hàng, những người tiêu thụ sản phẩm và sử dụng các dịch vụ BĐS. Ngoài ra, còn một số lực lượng khác cũng tham gia tích cực vào thị trường BĐS như các công chứng viên, địa chính, tư vấn môi trường, trọng tài, công nhân xây dựng…

Như vậy, để quản lý tốt thị trường BĐS thì Nhà nước phải quản lý được con người - chủ thể trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào thị trường BĐS. Bởi thị trường BĐS phát triển quá nhanh so với việc đào tạo nguồn nhân lực cho nên việc tập trung phát triển nguồn nhân lực là việc làm hết sức quan trọng và ý nghĩa, đảm bảo nâng cao tính cạnh tranh giữa các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Hiện nay, Việt Nam có rất ít trường đào tạo chuyên sâu về BĐS, đặc biệt là thiếu các chương trình đào tạo phù hợp để nâng cao kỹ năng hành nghề, hợp tác quốc tế cho các đối tượng tham gia.

Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước về BĐS cũng như các doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng rất khó khăn trong quá trình tuyển dụng được cán bộ có đủ trình độ, kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu công việc. Đây là vấn đề đòi hỏi các nhà quản lý, các cơ sở đào tạo tiếp tục nghiên cứu để xây dựng mô hình đào tạo BĐS phù hợp, có tính chuyên nghiệp cao, đồng thời xây dựng chiến lược dài hạn đáp ứng nhu cầu thực tế và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng