Cho đến nay, vẫn còn có sự đánh đồng giữa hai khái niệm quy hoạch - phát triển đô thị trong giới chuyên môn, những nhà quản lý, lãnh đạo.
Thực chất quy hoạch chỉ là một công đoạn (dù rất quan trọng) trong chuỗi phát triển đô thị.
Luôn trong tình trạng thử nghiệm
Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là phần lớn đang nằm ở quá trình phát triển chứ không nằm ở bản thân các đồ án quy hoạch, đồ án quy hoạch chỉ là sự phản ánh những sai lầm đó một cách cụ thể mà thôi.
Một ý chí của lãnh đạo lồng ghép vào đồ án quy hoạch sai là sự sai của phương thức phát triển kiểu duy ý chí, quyền lực kiểu bao cấp.
Một ý chí của chủ đầu tư sai, quy hoạch không thực hiện được, bỏ dở dự án là sai lầm của công tác đầu tư phát triển. Sự chậm trễ của việc đền bù giải phóng mặt bằng là nhược điểm của chính sách về đất đai, tái định cư, đền bù không phù hợp.
Sự phát triển tràn lan của kiến trúc tự xây, không kiểm soát được kiến trúc đô thị là kết quả của sự tồn tại các phương thức phát triển không chính quy. Rõ ràng, có rất nhiều vấn đề vượt ra tầm của người làm quy hoạch theo nghĩa rộng và của người làm tư vấn quy hoạch theo nghĩa hẹp. Có thể nói, quá trình phát triển đô thị VN đã trải qua những dạng sơ khai nhất của khoa học về phát triển. Đó là dạng thử - sai. Mò mẫm, làm thử, thí điểm, và cả không kịp thí điểm cũng vẫn làm đại trà. Cách phát triển của đô thị VN là luôn trong tình trạng thử nghiệm với phương thức chính quy có, nửa chính quy có và không chính quy có. Sức ép của tăng trưởng kinh tế và tốc độ đô thị hóa đã làm cho công tác phát triển đô thị bị động và ứng xử theo dạng xử lý tình huống.
Quá nhiều lỗ hổng
Lỗ hổng nhất về mặt logic phát triển là chúng ta không có lý luận phát triển, trong khi quá trình phát triển đô thị với bối cảnh của VN có rất nhiều nét đặc thù. Lý luận quy hoạch phát triển là lý luận của hành động. Nó dựa trên cơ sở của kinh tế, thể chế, trình độ nhận thức, năng lực quản lý, kinh doanh, đầu tư, ý thức cộng đồng và cả những tiêu cực xã hội mà chúng ta đang phải chấp nhận. Lý luận phát triển dù rằng có thời gian tác động ngắn hơn so với lý luận quy hoạch, nhưng lại bảo đảm cho một đồ án quy hoạch trở nên khả thi.
Từ phát triển tổng thể vùng, đô thị, đến các khu vực chức năng đô thị hiện nay đều có rất nhiều khía cạnh của lý luận phát triển còn bỏ trống. Chính vì những lỗ hổng này mà nhiều bài học tốt ở nước ngoài ta không áp dụng được vào VN do không có những nghiên cứu để chuyển hóa nó từ mô hình thành các phương thức phát triển cụ thể.
Xin điểm qua một vài ví dụ: Còn những khoảng trống lý luận về khả năng phát triển vùng, liên kết phát triển ra ngoài ranh giới hành chính đô thị. Đây là cơ sở để có thể thiết lập quy hoạch vùng một cách thực tiễn. Nếu không có nó để chỉ ra những mắt xích còn thiếu, thì những liên kết không gian dù có hoàn hảo đến mấy cũng có thể chỉ là ảo tưởng bởi các ngăn trở về chính sách, về thể chế và nhiều rào cản khác.
Chúng ta thiếu các nghiên cứu chuyển tải các lý thuyết phát triển đô thị tiên tiến của thế giới vào điều kiện VN. Lý thuyết về quy hoạch toàn diện hay quy hoạch chiến lược thực chất là những lý thuyết về sự phát triển đô thị. Tuy rất bổ ích việt, vướng mắc và khả năng vận dụng nó thế nào trong điều kiện VN thì chưa được làm rõ.
Lý luận về phương thức thu gom tái phân lô trong việc phát triển, cải tạo khu vực cũ hiệu quả ở nhiều nước châu Á. Tuy nhiên, tới VN, chúng chỉ được nhắc đến như một hướng đề xuất, chứ không được nghiên cứu một cách cụ thể để có thể áp dụng. Khái niệm sinh thái vốn có thể được cụ thể hóa để thành các tiêu chí phát triển, thì bị sử dụng như một tên gọi mang tính quảng cáo cho các khu đô thị mới. Người ta có thể gọi bất cứ một khu đô thị nào đều là khu đô thị sinh thái cho dù nó nằm cách khu công nghiệp 30m, hay tỉ lệ cây xanh không vượt quá mức cây xanh tối thiểu quy định theo tiêu chuẩn của các khu đô thị thông thường.
Nỗi lo “tự phát”
Việc phát triển các làng xã đô thị hóa bị bế tắc bởi mục tiêu, phương thức kiểm soát không rõ ràng, dẫn đến thái cực muốn kiểm soát chặt chẽ trở thành thái cực để phát triển tự phát. Trong khu vực này không có các chủ đầu tư chính quy mà chỉ có các chủ đầu tư không chính quy (người dân tự xây), và trở thành nơi ít được quan tâm nhất trong đô thị do không mang lại lợi nhuận. Việc bố trí tái định cư, thỏa thuận về giá cả đền bù, hỗ trợ người đi hẳn, người ở lại, xây dựng cuốn chiếu hay đồng loạt trong việc cải tạo các tiểu khu cũ không nằm ở quy hoạch mà nằm chính ở phương thức thực hiện. Như vậy, tiến trình, khả năng thực hiện quyết định rồi mới đến phương án quy hoạch - chứ không phải ngược lại.
Lý luận về sự tham gia của cộng đồng trong công tác quy hoạch đang bị hiểu một cách sai lệch bằng việc cho người dân nghe công bố những phương án quy hoạch đã được phê duyệt hoặc sắp được phê duyệt. Quan trọng nhất là người dân cần được tham gia đặt yêu cầu cho sự phát triển với vai trò là người sẽ hưởng thụ thành quả của công tác phát triển ấy, và theo dõi xem việc thực hiện có đúng với nhiệm vụ đã đặt ra hay không, có đúng lộ trình đã cam kết không.
Chúng ta mong muốn thiết lập các trục đường có kiến trúc đô thị được quản lý chặt chẽ, nhưng chưa thực hiện được bởi phương thức phát triển của chúng hoàn toàn mâu thuẫn với chính mong muốn ấy. Bởi chúng ta để cho phương thức phát triển phi chính quy (tự xây) tồn tại và chi phối các trục đường.
Còn vô vàn các ví dụ khác để thấy trước khi thực hiện một công tác phát triển đô thị nào đó, cho dù mô hình mới, chúng ta chưa có ý thức nghiên cứu về sự phát triển trước khi hành động, tất cả trút trách nhiệm lên người làm tư vấn quy hoạch mặc dù biết tư vấn quy hoạch với tư vấn phát triển là hai công việc rất khác nhau. Thực tế cho thấy kể cả chúng ta thuê tư vấn quy hoạch nước ngoài giỏi cũng không có được đồ án quy hoạch thành công, bởi nó được vận hành trong một hệ thống phát triển nhiều lỗi. Tóm lại, người nghiên cứu cứ nghiên cứu, người tư vấn cứ vẽ quy hoạch theo cảm nhận của riêng mình và người đầu tư cứ đầu tư theo kinh nghiệm của mình.
Khu nhà lụp xụp ven kênh rạch ở Q.8, TPHCM đang chờ giải tỏa.
Nghề tư vấn và Luật Đô thị
Vì vậy, rất cần đội ngũ tư vấn phát triển (tách riêng với quy hoạch) để có thể chuyển tải các mô hình lý thuyết trở thành các mô hình phát triển thực tiễn. Các nhà tư vấn phát triển là người nghiên cứu để hoạch định mục tiêu, nhiệm vụ, các bước đi, chỉ rõ những khó khăn, thuận lợi của cả tiến trình phát triển một khu vực.
Việc lập nhiệm vụ quy hoạch cần phải được nhìn nhận lại. Quan niệm về nhiệm vụ quy hoạch hiện nay là quá đơn giản, mới chỉ giải trình được vấn đề đất, ranh giới, cơ sở pháp lý..., còn mục tiêu và hướng đi đều rất chung chung theo các mẫu có sẵn.
Tư vấn phát triển phải giúp chủ đầu tư lập ra quy hoạch sau khi đã có các kết quả nghiên cứu phát triển. Người làm quy hoạch chỉ là người triển khai các nhiệm vụ đó mà thôi.
Nhà tư vấn phát triển nên là người đi song hành với chủ đầu tư từ khi có ý định đầu tư cho tới khi dự án kết thúc. Với các đồ án quy hoạch lớn, nhà tư vấn phát triển là người giải đáp được tất cả các yêu cầu về mặt lý luận phát triển, các vướng mắc trong quá trình phát triển để người làm quy hoạch có thể đề xuất các giải pháp phù hợp.
Cần thiết phải hình thành hệ thống pháp lý cho các hoạt động phát triển đô thị. Như vậy không chỉ cần Luật Quy hoạch, mà hơn bao giờ hết, chúng ta cần Bộ Luật Phát triển Đô thị. Hệ thống pháp lý này xâu chuỗi toàn bộ trách nhiệm, phạm vi hoạt động của các bên tham gia từ việc lập quy hoạch tới đầu tư và quản lý đầu tư trong một chương trình, kế hoạch phát triển. Có như vậy, mới làm rõ được trách nhiệm, quyền lợi, hạn chế sự lấn sân, bảo đảm sự bình đẳng của mọi thành phần tham gia trong chuỗi các hoạt động phát triển.
Người Đô Thị