Trong bối cảnh trầm lắng của thị trường bất động sản (BĐS), thì tại Bình Dương lại nhộn nhịp nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị lớn với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, hứa hẹn tạo sự đột phá để phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.
Với tiềm năng to lớn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh dạn bỏ vốn vào lĩnh vực này. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị. Cụ thể, tại TX.Dĩ An có dự án Charm Plaza của Công ty Charm Engineering đến từ Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Hiện tiến độ dự án triển khai khá tốt và hứa hẹn trở thành khu phức hợp hiện đại với các căn hộ, trung tâm thương mại... Tương tự, trên địa bàn TX.Thuận An có dự án Khu đô thị mới EcoXuân với tổng vốn đầu tư lên đến 177 triệu USD của Công ty TNHH MTV Setia Lái Thiêu, thành viên của Tập đoàn SP Setia (Malaysia). Dự án được quy hoạch như một thành phố nhỏ với quy mô 10,8ha gồm nhà phố liên kế, biệt thự, chung cư cao tầng, trung tâm bán lẻ và cửa hàng mua sắm, trung tâm giải trí... Bên cạnh đó là dự án Khu đô thị The Canary, tọa lạc trước KCN VSIP 1, do Công ty TNHH bất động sản Guocoland (Singapore) đầu tư với tổng vốn khoảng 200 triệu USD. Dự án có quy mô 17,5ha với khoảng 1.200 căn hộ cùng nhiều dịch vụ khác. Trước đó, tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, Công ty CP SetiaBecamex (liên doanh giữa SP Setia Berhad với Becamex IDC) cũng đã đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái EcoLakes Mỹ Phước với quy mô lên đến 226ha, tổng vốn đầu tư hơn 620 triệu USD. Hiện EcoLakes Mỹ Phước đã bàn giao nhiều căn nhà cho khách hàng...
Ngoài các dự án của các tập đoàn đến từ Malaysia, Singapore thì Nhật Bản cũng là một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản tại Bình Dương bên cạnh các dự án sản xuất công nghiệp. Điển hình là Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đã đầu tư 1,2 tỷ USD xây dựng Khu đô thị Tokyu Bình Dương tại thành phố mới… Khu đô thị Tokyu Bình Dương được xây dựng trên diện tích hơn 100ha với khoảng 7.500 căn hộ, nhà ở, các cơ sở giải trí, thương mại, văn phòng… Đây được xem là dự án khu đô thị lớn nhất tại Bình Dương và là dự án có vốn FDI tham gia lớn nhất trên địa bàn tỉnh tính đến nay. Gần đây nhất, Công ty liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã đầu tư 199,6 triệu USD để xây dựng, quản lý và vận hành Khu phức hợp VSIP Bình Hòa - Bình Dương trên diện tích 6,8ha trong khu VSIP 1, thị xã Thuận An. Dự án sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm nay.
Trong tình hình chung không thuận lợi, thị trường BĐS tiếp tục đi xuống nhưng nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS ở Bình Dương vẫn không giảm. Nhận định về vấn đề này, không ít nhà đầu tư cho rằng, thành công về kinh tế của tỉnh đã tạo nên nguồn cầu lớn trong lĩnh vực BĐS. Hơn nữa, Bình Dương có vị thế chiến lược quan trọng, là cửa ngõ kết nối Tây Nguyên, miền Tây và các tỉnh Đông Nam bộ. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương cùng với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu là địa bàn phát triển năng động của vùng, chú trọng nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp, phát triển dịch vụ đồng bộ phục vụ tốt cho các ngành công nghiệp chủ lực và mũi nhọn, đồng thời hỗ trợ phát triển cho khu vực các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước... Về phát triển và phân bố hệ thống đô thị, sẽ hình thành cơ cấu đa trung tâm nhằm tạo động lực để phát triển các vùng ngoại vi xung quanh, đồng thời giảm áp lực cho khu vực trung tâm TP.HCM. Theo đó, sẽ phát triển các đô thị Thủ Dầu Một (Bình Dương), Vũng Tàu, Biên Hòa trở thành đô thị loại I và đóng vai trò là các cực phát triển trong hệ thống đô thị của vùng; còn Dĩ An, Thuận An của tỉnh Bình Dương sẽ nằm trong các đô thị vệ tinh của TP.HCM...
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ngoài môi trường thuận lợi thì lợi thế và tiềm năng của Bình Dương, nhất là sự tăng tốc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020, đã thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào lĩnh vực này…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cho biết: Lĩnh vực phát triển đô thị mà các DN nước ngoài đã đầu tư hoặc đang quan tâm đầu tư rất phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển của tỉnh. Đây là lĩnh vực luôn gắn kết đồng bộ với quá trình phát triển công nghiệp nhanh của tỉnh. Hiện nay, lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị của tỉnh đang mở ra rất nhiều tiềm năng cho các DN. Lãnh đạo tỉnh luôn hoan nghênh chào đón và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tập đoàn, công ty tham gia đầu tư hiệu quả trong lĩnh vực này.
DiaOcOnline.vn - Theo VEN