Một góc khu du lịch Phù Sa, Cần Thơ. |
Sức bật của thị trường bất động sản du lịch Cần Thơ hoàn toàn có thể xảy ra nếu tạo được sự khác biệt với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương có lợi thế về thị trường khác.
Cuối tháng 8 vừa qua, các hội viên Chi hội Bất động sản du lịch Việt Nam (VnTPA) đã ký bản ghi nhớ với lãnh đạo Thành phố Cần Thơ dự kiến đầu tư 1 tỉ USD vào các dự án bất động sản du lịch tại khu vực này. Động thái trên cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản du lịch Cần Thơ.
Thị trường mới
Điểm qua bức tranh phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam có thể thấy cơ hội đầu tư vào ngành này rất lớn.
Năm 2008, Việt Nam thu hút được 4,2 triệu lượt khách quốc tế, đạt doanh thu 3 tỉ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2009, hơn 2 triệụ lượt khách quốc tế với 1,9 tỉ USD đã vào Việt Nam.
Chương trình hành động của ngành du lịch cho biết, mục tiêu đến năm 2010, Việt Nam sẽ đón 5,5 -6 triệu khách quốc tế với doanh thu 4 – 4,5 tỉ USD, đóng góp 5,3% GDP cả nước, tạo 1,4 triệu việc làm.
Theo ông Thân Thành Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đất Phú Quốc Đông Á, Cần Thơ có nhiều yếu tố thuận lợi đón nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản du lịch. Tuy nhiên, điều quan trọng là đưa tiềm năng đó trở thành cơ hội đầu tư thực sự.
Theo ông Vũ, bên cạnh các khu vực đang phát triển "nóng" về bất động sản du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Cần Thơ nổi lên là một thị trường mới, quá trình khai thác đang ở những bước khởi đầu.
Ngoài hệ thống cù lao như cồn Ấu, cồn Cái Khế, cồn Khương, cồn Sơn, cồn Tân Lộc nằm giữa dòng sông Hậu, nhiều cảnh quan thiên nhiên sông nước miệt vườn như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, vườn cò Bằng Lăng, các khu du lịch vườn Mỹ Khánh, Thuỷ Tiên, Cần Thơ còn có 14 điểm di tích văn hoá, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 9 di tích cấp quốc gia như mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, Chùa Ông, làng cổ Bình Thủy, chợ cổ Cần Thơ…
Tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ giai đoạn 2004 - 2008 ổn định, bình quân 15,64% so với mức tăng bình quân 12,36% của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp 10,9% giá trị GDP toàn vùng. Tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ ước đạt 42.113 tỉ đồng. Thu ngoại tệ từ dịch vụ ước đạt 27,2 triệu USD, tăng 5,74% so với năm trước.
Một chỉ số quan trọng khác, tốc độ đô thị hóa bình quân của Cần Thơ vào khoảng 10%/năm so với tốc độ đô thị hóa bình quân chung 4,35%/năm của toàn vùng.
Những yếu tố trên tạo nền tảng ổn định cho kinh tế Cần Thơ tăng trưởng trong thời gian tới.
Hiện tại, bất động sản du lịch Cần Thơ đang trong tình trạng cung không đủ cầu. Thành phố đang nỗ lực thu hút nhà đầu tư thông qua nhiều chính sách ưu đãi. Tính đến năm 2008, Cần Thơ mới xây dựng 154 khách sạn, chưa có khách sạn 5 sao, có 21 điểm vườn du lịch, khu vui chơi giải trí.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2006 - 2020, 18 dự án du lịch sẽ được Cần Thơ kêu gọi đầu tư.
Tìm sự khác biệt
Tuy nhiên, hạn chế về hạ tầng, phương tiện giao thông đang là những trở ngại rất lớn cho việc đầu tư vào thị trường bất động sản du lịch Cần Thơ.
Ông Thân Thành Vũ nói với VnEconomy rằng, ông cảm thấy khá mệt mỏi khi di chuyển từ Cần Thơ tới sân bay Tân Sơn Nhất (Tp.HCM) trên tổng chiều dài 200 cây số phải mất gần 6 tiếng đồng hồ. Trên cương vị Phó chủ tịch Chi hội Bất động sản du lịch Việt Nam, ông Vũ cho biết nhiều doanh nghiệp trong chi hội thường xuyên có chuyến đi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Cần Thơ cũng bày tỏ sự nản lòng trước việc đi lại mất nhiều thời gian như vậy.
Thực tế, việc phát triển bất động sản du lịch tại Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long yếu thế hơn hẳn các địa phương khác có tiềm năng về bất động sản du lịch. Giới doanh nhân nước ngoài sau khi công tác tại Cần Thơ thường trở về Tp.HCM để “xả hơi” tại những khu resort, sân golf. Đây là điều đáng tiếc, và nói như ông Vũ thì: "Gía như đầu tư bất động sản du lịch tại Cần Thơ sớm hơn một chút thì không lãng phí".
Trong lễ ra mắt chính thức Ban chấp hành Chi hội Bất động sản du lịch Việt Nam tại Hà Nội cuối tháng 8 vừa qua, ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói, đã đến lúc đánh thức vẻ đẹp của các khu du lịch chứ không thể để mãi ở dạng tiềm năng.
Với Cần Thơ, để thu hút đầu tư hiệu quả vào lĩnh vực bất động sản du lịch, ông Vũ cho rằng cần tạo sự khác biệt với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương có lợi thế khác, tránh tình trạng đầu tư theo kiểu ngành du lịch, khách chỉ cần xuống tới Tiền Giang, Bến Tre là biết hết đặc sản du lịch của miền Tây vì đâu đâu cũng du lịch sông nước, miệt vườn, đờn ca tài tử.
Từng trả lời trên báo chí, bà Lê Thuý Hạnh, Giám đốc công ty Microweb cho rằng, kinh nghiệm không chỉ cho riêng trường hợp Cần Thơ về định vị sự khác biệt được đến từ Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với công trình khách sạn 7 sao đầu tiên trên thế giới mang tên Buji Al Arap tại Dubai. Đây là quốc gia được bình chọn đứng đầu thương hiệu resort trên toàn cầu. Họ đã định vị resort bằng sự độc đáo và xa xỉ, thông qua việc đầu tư đến 650 triệu USD cho công trình này.
Kinh nghiệm thứ hai được bà Hạnh chỉ ra đến từ Thái Lan. Thái Lan có thể thu hút khoảng 14 triệu lượt du khách mỗi năm, thu về 16 tỉ USD, đóng góp 6,5% GDP cả nước, vì bên cạnh sự đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng và đa dạng dịch vụ vui chơi, giải trí trên cạn và dưới nước, quốc gia này chỉ tập trung quảng cáo cho một vài điểm nổi bật của các khu resort như Phuket và Pattaya.
Nếu nhìn vào doanh thu các quốc gia láng giềng sẽ thấy nguồn thu từ du lịch Việt Nam còn quá khiêm tốn so với các quốc gia lân bang và so với chính tiềm năng của Đất nước.
Theo quan điểm của các doanh nghiệp địa ốc, Cần Thơ nên phát triển các lọai hình bất động sản du lịch trung và cao cấp phù hợp với tầm đô thị loại I.
Ông Vũ cho biết thêm, trong một số cuộc xúc tiến đầu tư vào Cần Thơ, lãnh đạo thành phố hứa sẽ đưa ra những ưu đãi về đầu tư cho doanh nghiệp. Và đơn vị của ông Vũ đã cam kết cùng với tập đoàn Starbay Holdings đầu tư một dự án bất động sản du lịch trị giá 2 tỉ USD vào địa phương.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng sự quan tâm của họ đối với thị trường bất động sản du lịch Cần Thơ không chỉ dừng ở việc biết đến vài dự án đang được thành phố kêu gọi đầu tư mà Cần Thơ cần thông tin cụ thể về cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Sắp tới, cùng với định hướng phát triển Cần Thơ thành trung tâm kinh tế, trong đó thị trường bất động sản du lịch sẽ là một trong thị trường mũi nhọn thúc đẩy kinh tế đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu phát triển khu công nghiệp, vui chơi giải trí, khu dịch vụ rất lớn. Ông Vũ cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp “bắt tay” nhau hợp vốn xây các dự án có tầm quốc tế tại Cần Thơ rất cần sự minh bạch trong quy hoạch và thủ tục đầu tư.
Cùng với hệ thống đường sông, bến cảng hiện có như cảng Cần Thơ, Trà Nóc và Cái Cui, nếu được đầu tư mạnh hơn nữa về cơ sở hạ tầng, sức bật của thị trường bất động sản du lịch Cần Thơ hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy