Được xem là kênh huy động vốn hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thị trường địa ốc đang gặp khó khăn về vốn, nhưng phương thức huy động vốn bằng trái phiếu bất động sản cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một trong những đơn vị tiên phong và được đánh giá là khá thành công khi huy động vốn bằng kênh phát hành trái phiếu là Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal). Từ đầu năm 2008 đến nay, Sacomreal đã 3 lần phát hành trái phiếu huy động vốn cho các dự án bất động sản với mức lãi suất 8,8-13,2%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng, mỗi trái phiếu kèm theo quyền mua căn hộ với mức chiết khấu 5-8% trên giá bán.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đây là kênh huy động vốn chỉ dành cho một số doanh nghiệp (DN), bởi để có thể huy động vốn từ kênh này, DN phải hội đủ các yếu tố bắt buộc, như phải có thương hiệu và uy tín trên thị trường; có dự án kèm theo tốt và khả thi, đặc biệt là phải có một tổ chức tín dụng đứng sau lưng.
Sở dĩ Sacomreal gặp thuận lợi trong các đợt phát hành vừa qua là do Sacomreal đã ít nhiều tạo được thương hiệu và uy tín trên thị trường. Mặc khác, các dự án kèm theo khá tốt, đồng thời Sacomreal là thành viên của Tập đoàn tài chính Sacombank, nên đã tạo được tâm lý an tâm cho nhà đầu tư.
Theo nhận định của các chuyên gia, đây là một hình thức huy động vốn linh động, giúp DN có thêm nguồn vốn để phát triển dự án, mà không phải phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả của một đợt phát hành trái phiếu cho dự án địa ốc chỉ được xem là thành công, nếu đến kỳ đáo hạn trái phiếu, không xảy ra trường hợp số đông trái chủ chỉ nhận trái tức và từ chối quyền mua.
Trở lại trường hợp huy động vốn từ phát hành trái phiếu của Sacomreal, dù được đánh giá là khá thành công vào thời điểm phát hành, nhưng đến các kỳ đáo hạn trái phiếu vừa qua, có không ít trái chủ đã “bỏ của chạy lấy người”.
Theo ông Đặng Hồng Anh, Tổng giám đốc Sacomreal, mặc dù đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của Công ty chỉ diễn ra trong vòng một ngày đã huy động được 100 tỷ đồng, nhưng đến kỳ đáo hạn trái phiếu vừa qua, chỉ có gần 40% trái chủ giữ quyền mua căn hộ dự án Phú Lợi 1. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản sụt giảm.
Có lẽ cũng với lý do này mà vừa qua, Sacomreal đã phải tổ chức hội nghị khách hàng để thông tin về dự án Phú Mỹ. Theo ông Đặng Hồng Anh, mức giá mà Sacomreal công bố trước đây (1.500 USD/m2) hiện không còn phù hợp nữa, nên sẽ điều chỉnh giảm xuống còn khoảng 18 triệu đồng/m2 (tương đương hơn 1.000 USD/m2).
Thực tế trên cho thấy, dù được xem là kênh huy động vốn khá hấp dẫn, nhưng huy động vốn bằng phát hành trái phiếu cũng không kém phần rủi ro. Đặt giả thiết, nếu đến kỳ hạn, đồng loạt trái chủ từ chối quyền mua căn hộ, mà chỉ lấy lại tiền gốc và trái tức, trong trường hợp chủ đầu tư không đủ khả năng hoàn trả tiền cho khách hàng, thì dự án sẽ kết thúc bằng những rắc rối không chỉ cho riêng DN, mà còn cho cả khách hàng.
Thừa nhận tính hiệu quả của hình thức huy động vốn từ phát hành trái phiếu DN, nhưng ông Lê Hoàng Châu vẫn lo ngại, nếu xảy ra tranh chấp, quyền lợi của khách hàng sẽ bị thiệt thòi, vì khung pháp lý quy định cho vấn đề này ở Việt Nam chưa đầy đủ.
“Nhà nước cần sớm có khung pháp lý quy định chặt chẽ về hình thức huy động vốn từ phát hành trái phiếu DN nói riêng và các hình thức huy động vốn khác nói chung, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên”, ông Châu kiến nghị.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư