Cũng trong lĩnh vực xây dựng tình trạng “phạt cho tồn tại” diễn ra tại nhiều công trình, tòa nhà đủ các quy mô từ nhỏ đến lớn. Nhiều công trình xây vượt chiều quá quy định, sử dụng sai mục đích được yêu cầu phải xử lý, tuy nhiên sau đó vẫn là điệp khúc… phạt cho tồn tại. Một lĩnh vực nóng như giao thông.
Thời gian gần đây, khi câu chuyện xây dựng các bến bãi trông giữ xe tại Hà Nội đang trở nên bức xúc thì dư luận mới giật mình nhìn lại những nghịch lý trong lĩnh vực này vẫn đang hằng ngày diễn ra. Đơn cử như dự án cống hóa mương Phan Kế Bính (Ba Đình – Hà Nội).
Cuối năm 2007, dự án cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe tại phường Cống Vị - Ba Đình được triển khai. Với chủ trương tốt đẹp ban đầu, ngỡ rằng TP sẽ thêm được một bãi đỗ xe tiện lợi, tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, toàn bộ số diện tích hàng ngàn mét vuông đất tại đây đã biến thành các tòa nhà từ 1-3 tầng dưới hình thức các show room kinh doanh xe máy, siêu thị thời trang…
Sau khi dư luận lên tiếng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và phương án xử lý công trình sai mục đích này là cho… tồn tại dưới dạng chuyển sang hình thức đầu tư khác. Bãi đỗ xe chưa kịp ra đời đã bị… khai tử. Không chỉ dự án này mà trên địa bàn TP Hà Nội, một số dự án cống hóa để làm bãi đỗ xe cũng đã và đang đi vào “vết xe đổ”.
Tương tự như vậy liên quan đến việc quy hoạch các điểm đỗ xe, theo quy hoạch từ năm 2003 Hà Nội đặt ra mục tiêu tới năm 2010 sẽ xây dựng 9 dự án bãi đỗ xe. Tuy nhiên thực tế nhìn lại, hàng loạt dự án này đã biến thành các trung tâm thương mại, trụ sở…
Đơn cử như khu đất được quy hoạch làm bãi đỗ xe tại phường Gia Thụy (Long Biên) hiện đã biến thành Trung tâm thương mại Savico Megamall; khu đất rộng 2ha tại Bến xe tải Sang Nam (Hoàng Mai) được quy hoạch làm dự án bãi đỗ xe Kim Ngưu hiện trở thành đại lý buôn bán sắt thép và trạm trung chuyển hàng nông sản; hơn 1.400m2 đất vàng tại góc phố Hàng Bài - Hai Bà Trưng được quy hoạch làm bãi đỗ xe ngầm và nổi quy mô hiện nay là tòa nhà văn phòng cho thuê; dự án nhà đậu xe cao tầng tại sân vận động Hàng Đẫy (Đống Đa) hiện trở thành trụ sở của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội…
Cũng trong lĩnh vực xây dựng tình trạng “phạt cho tồn tại” diễn ra tại nhiều công trình, tòa nhà đủ các quy mô từ nhỏ đến lớn. Nhiều công trình xây vượt chiều quá quy định, sử dụng sai mục đích được yêu cầu phải xử lý, tuy nhiên sau đó vẫn là điệp khúc… phạt cho tồn tại. Một lĩnh vực nóng như giao thông.
Nhiều năm qua dư luận rất bức xúc trước tình trạng phương tiện quá tải băm nát hạ tầng, cầu cống, quốc lộ. Điển hình như xe container, xe siêu trường, siêu trọng chở quá tải nhiều lần. Tuy nhiên khi kiểm tra, phát hiện do không có phương tiện chuyên dụng, thiếu bãi để hạ tải nên hầu như rất ít trường hợp bị xử lý hạ tải mà chủ yếu vẫn là phạt… cho lưu thông tiếp.
Lĩnh vực khác là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo quy định các cửa hàng, điểm kinh doanh thức ăn chín phải có thùng kính đựng thực phẩm. Tuy nhiên vi phạm vẫn tràn lan. Năm thì mười họa có một đoàn kiểm tra, xử phạt nhưng sau đó vẫn… cho tồn tại.
Pháp luật thiếu nghiêm minh khiến cho tình trạng vi phạm diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Chính vì vấn nạn “phạt cho tồn tại” nên có không ít những trường hợp lách luật bằng cách cố tình vi phạm để sau đó “được” phạt và… nghiễm nhiên tồn tại. Và với những kiểu xử lý nửa vời như thế thì không biết đến bao giờ pháp luật mới thực sự đi vào cuộc sống.
DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân