Phấp phỏng chuyện “hồi tố” ở các đặc khu

Cập nhật 02/05/2018 08:42

Giới đầu tư đang rất kỳ vọng vào một trong những dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới đây, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Một góc Thị trấn Dương Đông

Động thái mới nhất, diễn ra ngay trước kỳ nghỉ lễ 30-4, là việc tỉnh Quảng Ninh đồng ý cho liên danh 3 nhà đầu tư (gồm Tập đoàn Vision Transportation Group - VTG, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hải Đăng, Công ty Đầu tư và phát triển Sunny World) nghiên cứu 3 dự án có tổng giá trị ước tính 10 - 15 tỷ USD tại Vân Đồn.

Tất nhiên, không chỉ có 3 nhà đầu tư trên toan tính chuyện làm ăn tại đặc khu đầy tiềm năng này nhưng câu hỏi đặt ra là cơ chế chính sách cho những dự án “vắt” qua 2 giai đoạn trước và sau khi Vân Đồn chính thức trở thành đặc khu như thế nào? Nói như Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu là “có hồi tố hay không hồi tố đối với các chính sách ưu đãi đầu tư”?

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đơn vị chủ trì soạn thảo dự án luật, chính vì vấn đề này mà một dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc triển khai luật đang được gấp rút hoàn thiện. Phần lớn điều khoản của nghị quyết đều liên quan đến việc chuyển tiếp về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, hoạt động của cơ quan tư pháp, cũng như các vấn đề về ưu đãi đầu tư các dự án đã và đang được triển khai tại các đặc khu.
Dự thảo nghị quyết nêu rõ, các dự án đang triển khai, nếu vẫn đang trong thời gian được hưởng ưu đãi đầu tư, sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi còn lại. Trường hợp các dự án này thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển tại các đặc khu theo luật mới, thì được lựa chọn ưu đãi đầu tư đang hưởng hoặc ưu đãi đầu tư theo quy định của luật cho thời gian còn lại, kể từ ngày nghị quyết thành lập đặc khu có hiệu lực thi hành.

Vẫn theo dự thảo nghị quyết, Nhà nước sẽ không xem xét lại đối với nghĩa vụ tài chính về đất đai trong trường hợp nhà đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật trước ngày nghị quyết thành lập đặc khu có hiệu lực thi hành.

Quy định nêu trên đã nhận được đồng thuận cao của các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Tuy nhiên, các ngành nghề được ưu tiên vẫn là vấn đề đang được tiếp tục bàn thảo. Cho đến thời điểm dự thảo nghị quyết được trình ra hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến, danh sách các ngành nghề ưu tiên của đặc khu Vân Đồn là công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, du lịch và công nghiệp văn hóa, cảng hàng không, cảng biển, thương mại. Ưu tiên ở Bắc Vân Phong là công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, cảng biển, du lịch, khách sạn, trung tâm thương mại - tài chính. Còn của Phú Quốc là du lịch, khách sạn, thương mại, hội nghị, triển lãm, quản lý tài sản, y tế, giáo dục, nghiên cứu - phát triển (R&D)… Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu cho rằng không nên coi công nghiệp công nghệ cao là ngành nghề ưu tiên phát triển ở Vân Đồn. Hay như Phú Quốc, ưu tiên phát triển y tế, giáo dục, R&D xem ra cũng không hợp lý và hiệu quả.

Vì lẽ đó, một trong những lý do quan trọng để công luận nóng lòng chờ đợi kỳ họp thứ 5 của Quốc hội chính là “số phận” và nội dung của dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa từng có tiền lệ này. 


DiaOcOnline.vn - Theo SGGP