Phao cứu hộ của dự án… “khủng”

Cập nhật 26/12/2011 11:35

Thông tin mới đây trong chương trình giới thiệu các dự án BĐS độc đáo ở TP.HCM, TS Lee George Lam - Chủ tịch Quỹ Đầu tư Macquarie kiêm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của 3 ngân hàng vừa hợp nhất (Ficombank, SCB, Tín Nghĩa), cho biết sẽ tài trợ vốn cho một số dự án BĐS tại TP.HCM.

Theo đó, 3 dự án được coi là mang tầm quốc tế tại thị trường BĐS Việt Nam là Times Square, Royal Garden và Saigon Peninsula. Niềm vui đã nhen nhóm trong giới kinh doanh BĐS trong cơn bĩ cực kéo dài.


Theo ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), BIDV không biết việc 3 ngân hàng mới hợp nhất thành Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB) tài trợ vốn cho 3 dự án kể trên. SCB sẽ tự chịu trách nhiệm về việc này nhưng chắc chắn BIDV sẽ quản lý giám sát phần tài chính của SCB trong đó có việc đảm bảo trần lãi suất 16%.

Đó là câu chuyện của Ngân hàng. Còn giới DN địa ốc, đây là tín hiệu vui hiếm hoi thời điểm này. Xét cả 3 dự án được nêu tên tài trợ, đây đều là những cái tên cao cấp và có giá trị lớn. Điển hình là Time Square. Phát triển bởi vốn đầu tư từ Hồng Kông thông qua Cty CP Đầu tư Quảng Trường Thời Đại (Việt Nam) với tổng giá trị đầu tư lên đến 125 triệu USD. Times Square gồm hai toà tháp đôi với 45 tầng cao. Được xây dựng tại vị trí trái tim của TP.HCM, giữa hai trục đường Đồng Khởi và Nguyễn Huệ, Times Square thể hiện đường nét hiện đại và sẽ trở thành “tổ ấm” cho các cộng đồng chuyên gia và các thương gia, khách du lịch với những căn hộ dịch vụ cao cấp hướng về đường Đồng Khởi và một khách sạn sang trọng đẳng cấp quốc tế hướng về Nguyễn Huệ.

Câu chuyện về phân khúc cao cấp, trung cấp ế ẩm được nhắc đi nhắc lại kể từ quý III năm nay bởi lý do thị trường đình đốn, nguồn vốn eo hẹp và “bầu sữa” tín dụng bị thắt chặt khiến cho dạng sản phẩm cao cấp hầu như “đắp chiếu” đến tận bây giờ. Lại thêm thông tin hàng loạt dự án bị thu hồi sau khi các cơ quan chức năng thanh tra tiến độ cũng như tính pháp lý, khiến cho các chủ đầu tư địa ốc “như ngồi trên chảo lửa”. Giờ có lẽ niềm vui đã đến với họ. “Nói điều này còn quá sớm, nhưng chắc chắn sẽ là hiện thực với DN BĐS”, ông Thanh - Chủ tịch HĐQT một tập đoàn xây dựng chuyên đầu tư cho phân khúc cao cấp tại Bình Dương khẳng định. Theo vị Chủ tịch này, 3 dự án được đầu tư tài trợ bởi SCB mang tính thí điểm. Nếu thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy những nguồn vốn từ ngân hàng rót vào BĐS, trong đó chắc chắn phân khúc cao cấp và trung cấp sẽ được hưởng “gió lành” vì đây là dòng sản phẩm có giá trị lớn và quy mô tầm cỡ bên cạnh những sản phẩm bình dân khác. Niềm vui khó có thể dàn trải đều cho tất cả giới kinh doanh BĐS. Chỉ những dự án minh bạch, rõ ràng về pháp lý cũng như “đáng tầm” để Ngân hàng đầu tư thì mới mong nhận được nguồn tiền này. Vậy nên ông Sơn - Chủ tịch HĐQT của một TCty đầu tư xây dựng tại Hà Nội (có chi nhánh tại TP.HCM) mới than: Chẳng biết ngân hàng sẽ tập trung “ném tiền” vào các sản phẩm nào. Bởi cao cấp thì giá trị cao thật, nhưng thu hồi vốn thì chắc chắn lâu hơn sản phẩm bình dân…

Không chỉ có vậy, chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tuế - Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Dầu khí Đông Đô (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cũng phần nào cho thấy niềm vui của các DN BĐS vẫn đang mông lung: Đầu tư vốn vào BĐS là một kênh mang lại lợi nhuận tốt cho ngân hàng. Tuy nhiên, việc lựa chọn đối tượng ưu tiên cho vay vốn đã được ngân hàng nhà nước xác định rõ (4 nhóm). Việc sáp nhập 3 ngân hàng vừa qua, đồng thời cho ra đời SCB dưới sự điều hành định hướng tài chính của BIDV (thuộc hệ thống ngân hàng nhà nước) càng cho thấy sự kiểm soát sát sao các quỹ đầu tư cho BĐS. Việc lựa chọn đổ tiền vào 3 dự án tại TP.HCM hoàn toàn không ngẫu nhiên bởi đằng sau Ngân hàng chính là Nhà nước chỉ đạo tầm vĩ mô. 3 dự án đó đều nằm tại những vị trí rất đẹp, trung tâm, đồng thời lượng khách quan tâm tới rất lớn (so với những dự án cao cấp khác cùng loại tại TP.HCM). Do đó, cũng khó có thể hy vọng “cơn mưa vốn” sẽ trải đều khắp các phân mảnh BĐS. DN sẽ phải vừa gồng mình tồn tại, vừa dỏng tai chờ tin vui từ ngân hàng.

Theo thống kê của NHNN, cả nước có 37 NH cổ phần, trong đó 8 NH cổ phần là rất lành mạnh và đóng vai trò trụ cột; 8 NH trung bình; 8 ngân hàng quy mô nhỏ hoạt động lành mạnh và 8 NH quy mô nhỏ hoạt động không lành mạnh (!). Đến 2013, NHNN sẽ xây dựng phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các NH yếu kém kéo dài. Như vậy, song song với việc tái cấu trúc NH, thanh lọc những NH yếu kém, việc bố trí, sử dụng, phân bổ các nguồn quỹ đầu tư (trong đó có dành cho BĐS) sẽ được điều chỉnh công khai minh bạch để đáp ứng hợp lý nhu cầu vốn cho nền kinh tế.



DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng