Tính đến năm 2020, nhu cầu về nhà ở xã hội tại Hà Nội cần khoảng 100 ngàn căn hộ. Tuy nhiên, với năng lực các dự án hiện có để triển khai đầu tư xây dựng, đến năm 2020 thành phố Hà Nội mới chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng 16 nghìn căn hộ nhà ở xã hội.
Điều đó cho thấy phân khúc nhà ở xã hội đang bỏ ngỏ, nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức đối với các nhà đầu tư có chiến lược dài hạn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản tại một thị trường còn nhiều tiềm năng như thị trường bất động sản Hà Nội.
Ảnh minh họa.
|
Chia sẻ bên lề Hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác đầu tư và Phát triển” sáng 4/6, bà Lục Thị Mai Trang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bic Việt Nam, quy trình phát triển dự án bất động sản gồm nhiều bước: Tìm kiếm dự án, xúc tiến thủ tục, thu xếp vốn, thiết kế, quản lý dự án, cung cấp trang thiết bị, kinh doanh, vận hành. Là một đơn vị đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bà Trang đề xuất phân chia khả năng tham gia phát huy tiềm năng hiệu quả nhất trong quy trình phát triển dự án nhà ở xã hội giữa nhà đầu tư bản địa và nhà đầu tư nước ngoài như sau.
Theo đó, với đối tác nước ngoài sẽ phát huy hiệu quả ở khâu thu xếp vốn, ngoài ra chi phí vốn thấp là thế mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài, lãi suất cho vay đầu tư từ các nguồn vốn nước ngoài chỉ từ 0,5- 2%. Thiết kế hết phần concept, các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm thiết kế tiết kiệm vật tư, tối đa sử dụng năng lượng tự nhiên về lấy sáng, thông gió để giảm chi phí vận hành. Cung cấp thiết bị mang tính kỹ thuật cao như giao thông trục đứng, xử lý môi trường, các vật tư có tính hợp lý, độ bền cao thân thiện môi trường, các thiết bị phải nhập khẩu…
Trong khi đó, đối tác bản địa sẽ phát huy hiệu quả ở các khâu: Tìm kiếm dự án, xúc tiến thủ tục, thiết kế bổ sung kỹ thuật (nhân lực trình độ đảm bảo với chi phí thấp), quản lý dự án, kinh doanh và vận hành sau đầu tưvới các kế hoạch đã được dự tính thống nhất trước và dưới sự kiểm tra độc lập của đối tác.
Đại diện BIC Việt Nam cho rằng, lĩnh vực nhà ở xã hội hết sức tiềm năng, được nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất… nhưng lại có nhiều thách thức màng tính “địa phương”, giá bán sản phẩm và mức lợi nhuận nhà nước giới hạn, khách hàng không đa dạng do có điều kiện áp chế. “Vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài không nên độc lập đầu tư mà nên hợp tác với nhà đầu tư bản địa có kinh nghiệm và uy tín theo hình thức hợp tác đầu tư, phân chia lĩnh vực theo thế mạnh của mỗi bên để tính tỷ lệ quyền lợi và trách nhiệm. Và tỷ lệ tối đa các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án nhà xã hội là 50%” – bà Trang kiến nghị.
Ngoài ra, khi tham gia đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đề xuất các cơ quan nhà nước tháo gỡ một số hạn chế như: Đưa giá trần nhà ở xã hội sát với cơ chế thị trường hơn để đảm bảo chất lượng. Hỗ trợ thủ tục hành chính trong việc hợp tác đầu tư lĩnh vực này, áp dụng cơ chế một cửa giải quyết thủ tục nhanh chóng để nhà đầu tư lấy tiến độ làm lợi nhuận, giảm các chi phí quản lý… Giảm thuế thiết bị nhập khẩu phục vụ công trình. Bảo lãnh đầu tư cho dự án quy mô lớn có nhà đầu tư nước ngoài tham gia…
DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT