Phân khúc chung cư Hà Nội: Cạnh tranh quyết liệt

Cập nhật 28/04/2011 10:10

Nghị quyết 11 yêu cầu kéo tỷ lệ dư nợ tín dụng vào toàn bộ lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có BĐS, xuống 22% tới 30.6.2011 và 16% trước 31.12.2011.


Xét riêng về mảng dòng tiền tín dụng từ ngân hàng vào BĐS thì rõ ràng, phân khúc chung cư sẽ bị ảnh hưởng tương đối mạnh và sẽ cần nhiều tiền bằng vốn chủ sở hữu hơn là nguồn vốn ngân hàng. Điều này sẽ giảm bớt một bộ phận đầu tư quan trọng của thị trường chung cư là nhóm đầu tư thứ cấp mua sỉ và phân phối lẻ.

Như vậy, các chủ đầu tư sẽ cạnh tranh mạnh với nhau về chất lượng và tiến độ xây dựng. Các dự án ra hàng sớm, chất lượng tốt hơn sẽ thu hút dòng tiền vào nhanh và trước các chủ đầu tư khác. Các chủ đầu tư nhỏ lẻ sẽ rơi vào tình trạng khó khăn hơn rất nhiều. Lợi thế của họ về nguồn cung hạn chế sẽ mất đi, khi khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn.

Điều này có thể sẽ dẫn tới tình trạng giảm giá mạnh như thị trường căn hộ Sài Gòn trong vòng 2 năm qua. Như vậy, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên gấp nhiều lần hiện nay và nó sẽ buộc các chủ đầu tư sẽ phải tính toán lại bài toán doanh thu - chi phí - lợi nhuận.

Với hiện trạng và nhìn tới năm 2013, khả năng phân khúc chung cư Hà Nội sẽ chịu sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà đầu tư ở các cấp độ khác nhau. Trong điều kiện tín dụng hiện nay và trong năm tới, các chủ đầu tư phải ưu tiên đẩy mạnh tiến độ cam kết và bán hàng sớm.

Quá trình bán hàng càng muộn sẽ khó có thể giúp các công ty có lợi thế về lợi nhuận, mà ngược lại họ sẽ chịu mức chi phí vốn và chi phí nguyên vật liệu cao hơn, trong khi việc chuyển giá sang các chủ đầu tư/người mua hàng trong thời gian tới gần như không khả thi.

DiaOcOnline.vn - Theo VTV