Nếu thông tư phân hạng nhà ở chung cư được áp dụng sẽ dẫn đến tình trạng một số nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp "tự trao "vương miện" cho mình, từ đó nhà cửa sẽ đua nhau đội giá lên trời.
Cục Quản lý nhà và phát triển thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đang hoàn thiện dự thảo thông tư quy định về phân hạng chung cư.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ dựa theo các tiêu chí như kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật... để gắn “sao” cho chung cư theo các thứ hạng A, B hoặc C.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản cho hay, hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp tự nhận dự án của mình là chung cư cao cấp. Từ đó, tự định giá bán "trên trời", áp mức phí quản lý cao ngất ngưởng không đúng với chất lượng thực của tòa nhà, dẫn đến nhiều kiện tụng, tranh chấp...
"Việc phân hạng sẽ giúp quản lý nhà chung cư chuyên nghiệp và xác định giá trị nhà ở rõ ràng hơn.
Khi nhà chung cư được phân hạng cao, giá trị của nó cũng cao hơn và ngược lại. Việc phân hạng cũng là làm cơ sở cho các bên thỏa thuận mức giá dịch vụ vận hành khu nhà ở", ông Khởi nói.
Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc phân hạng chung cư sẽ khiến giá căn hộ trong thời gian tới biến động lớn.
Thậm chí, việc xếp hạng, phân chia thứ bậc rất dễ phát sinh cơ chế xin - cho và các dấu hiệu chạy chọt tiêu cực đi kèm. Nhiều nhà đầu tư nắm bắt thời cơ này để "mua" mác cao cấp nhằm hợp thức hóa nhà giá cao.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HOREA), cho rằng, việc gắn sao chung cư như khách sạn sẽ góp phần làm lành mạnh hóa thị trường BĐS.
Tuy nhiên, dự thảo phân loại chung cư còn nhiều điểm chưa rõ ràng và mờ mịt. Chẳng hạn như quy định chung cư cao cấp căn hộ tối thiểu là 60m2 là thiếu thực tế.
Hiện nay, có nhiều khu phức hợp với nhiều tiện ích cùng nhiều loại diện tích căn hộ khác nhau. Trong đó, loại diện tích nhỏ để đáp ứng nhu cầu cho người độc thân hay người mới lập gia đình.
"Đặc biệt, dự thảo cần tập trung vào quy định thế nào là chung cư cao cấp? Tránh trường hợp chủ đầu tư nào cũng khoác mác cao cấp mà nâng giá bán", ông Châu nói.
Đồng quan điểm với ông Châu, ông Dương Văn Cận - Tổng thư ký Hiệp hội nhà thầu Việt Nam cho rằng, việc phân hạng chung cư là tốt tuy nhiên cần làm rõ nhiều vấn đề trong thông tư như tiêu chí hạ tầng kỹ thuật, chất lượng, tiện ích...
"Chất lượng tiêu chí đó thế nào? Ai là người giám sát, thẩm định? Và làm sao để đảm bảo công tác thẩm định, giám sát được khách quan, tránh tình trạng móc nối, bắt tay nhau giữa chủ đầu tư và đơn vị giám sát để mua sao?, ông Cận lo ngại.
Trong khi đó, trao đổi với PV, đại diện nhiều cư dân cho rằng, thông tư này là không cần thiết.
Anh Hoàng Văn Giang, cư dân ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội cho hay, việc phân hạng chung cư không phải là vấn đề cốt lõi để giải quyết kiện tụng, tranh chấp.
Khi lựa chọn mua chung cư, tùy vào mỗi hoàn cảnh, điều kiện của từng người mà mua ở nhà phù hợp với túi tiền.
Nếu đưa vào xếp hạng sẽ khiến các chủ đầu tư tìm cách để được nâng cao giá trị của tòa nhà, từ đó "móc túi" người mua". Chưa kể đến khi nảy sinh nhiều trường hợp tiêu cực như chung cư được xếp hạng A nhưng chất lượng không tương xứng thì lúc đó người dân biết kêu ai...?
"Bộ Xây dựng nên đưa ra một bộ tiêu chí để doanh nghiệp muốn xây dựng căn hộ cao cấp phải đáp ứng đầy đủ sẽ giúp khách hàng không bị nhầm lẫn. Như vậy, nếu có sự phân hạng thì quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo", anh Giang bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, GS Đặng Hùng Võ trong một lần trao đổi với báo giới khẳng định thông tư trên gần như không tác động đến giá cả nhà chung cư mà chỉ giúp thay đổi cách quản lý thị trường nhà ở chung cư tốt hơn.
"Một trong những tác động tích cực của việc phân hạng nhà chung cư là đưa thị trường nhà ở đi vào hoạt động nề nếp. Và nhà chung cư được phân hạng là cơ sở để người mua, người bán tham khảo, thỏa thuận áp dụng mức giá cũng như giá dịch vụ quản lý vận hành chung cư".
Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, nếu có trường hợp nhà ở chung cư cao cấp giá cao là do tâm lý thị trường. Nhiều khách hàng vẫn mặc định cứ hễ giá cao là nhà cao cấp, hơn nữa, một số chủ đầu tư cũng "tận dụng" số "sao" của khu nhà để tăng giá bán.
Theo dự thảo thông tư, đối tượng phân hạng là nhà ở thương mại. Nhà chung cư được đánh giá và phân thành 3 hạng (A,B,C) theo 4 nhóm tiêu chí bao gồm, nhóm tiêu chí về quy hoạch và kiến trúc; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; mức độ và chất lượng hoàn thiện; chất lượng dịch vụ quản lý nhà chung cư.
Nhà hạng A là các chung cư cao cấp, tổng điểm từ 95 - 100 điểm và đảm bảo điểm số tối thiểu của cả 4 tiêu chí.
Nhà hạng B có tổng điểm từ 80 điểm trở lên. Hạng C là những tòa nhà thông thường, được xây dựng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Mục tiêu của việc phân hạng là đưa hoạt động quản lý nhà chung cư ngày càng chuyên nghiệp, hạn chế tranh chấp, kiện tụng.
Những vướng mắc trong phân hạng nhà chung cư
DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ/CafeBiz