Phải tạo chính sách hấp dẫn cho doanh nghiệp

Cập nhật 15/01/2009 10:05

Bên lề hội nghị xúc tiến đầu tư vào cơ sở hạ tầng hôm qua, 14-1, ông Trương Văn Đoan - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề đầu tư vào lĩnh vực này.

Kích cầu cho các dự án giao thông là cần thiết

* Thưa ông, việc thu xếp vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay có những khó khăn gì?

- Ông Trương Văn Đoan: Chúng ta đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, những vấn đề cản trở lớn nhất chính là nút thắt về kết cấu hạ tầng và hạn chế nguồn nhân lực chất lượng cao. Kết cấu hạ tầng ở các đô thị luôn cần nhiều vốn đầu tư, nhất là trong lĩnh vực cấp thoát nước, xe điện ngầm, đường sắt... Hiện nay, cũng đã có doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhưng họ gặp khó khăn về vốn.

Chúng ta không thể trông chờ vào ngân sách Nhà nước và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA bởi 2 nguồn vốn này chỉ cung ứng có mức độ. Chưa kể, tới đây khi thu nhập bình quân đầu người của nước ta đạt trên 1.000 USD/người/năm, nghĩa là Việt Nam sẽ vượt ngưỡng của nước có thu nhập thấp chuyển sang nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA sẽ giảm đáng kể.

* Dường như, khối doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa mặn mà lắm với việc đầu tư vào lĩnh vực này?

Nói các doanh nghiệp tư nhân chưa mặn mà không hoàn toàn đúng. Chủ trương xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước đã được Chính phủ kêu gọi rất nhiều. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân trong nước thường ít vốn, quy mô nhỏ.

Chính sách vào lĩnh vực này lại chưa hấp dẫn. Khó khăn nhất của họ là làm sao trả nợ được vốn vay khi mà đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, vòng đời dự án dài, việc thu được lợi nhuận sẽ phải mất vài chục năm. Lĩnh vực kết cấu hạ tầng lại luôn cần nhiều vốn, điều kiện trả nợ cũng khó hơn. Nó khác hẳn với việc đầu tư vào xuất khẩu, dịch vụ, thương mại, mọi điều kiện được thuận lợi hơn và nhanh thu hồi vốn.

Vì thế, điều quạn trọng nhất là phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hợp lý. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có danh mục dự án cụ thể để định hướng cho việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ hoàn thiện các chính sách về thuế, tài chính, đất đai với nhiều điều kiện hấp dẫn để tạo sức hút cho doanh nghiệp.

* Vậy hiện nay, chúng ta đã có những chuyển biến gì trong chính sách thu hút đầu tư vào hạ tầng?

Chúng ta đã có chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước có thể bắt tay nhau qua các hình thức như BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao), BT (Xây dựng-Chuyển giao), BTO (Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh).

Với các hình thức này, nhà đầu tư có sự chủ động hơn. Đồng thời, khi có nhà đầu tư nước ngoài vào làm, Bộ KH&ĐT dưới sự ủy quyền của Thủ tướng sẽ ký kết hợp tác dự án với họ, nghĩa là có sự đảm bảo của Nhà nước Việt Nam.

* Thưa ông, tại sao hình thức BOT không mấy hấp dẫn nhà đầu tư dù chúng ta đã kêu gọi lâu rồi?

Thật ra hình thức BOT ra đời được hơn 1 năm. Muốn làm dự án theo hình thức BOT được thì phải xây dựng dự án ban đầu, việc này rất tốn kém. Các nhà đầu tư sẽ phải tự bỏ tiền ra làm báo cáo tiền khả thi và khả thi, Chính phủ cũng bỏ ra một nguồn tiền nhất định xây dựng dự án này, sau đó cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đấu thầu, nếu đảm bảo có hiệu quả thì thắng thầu.

Tuy vậy, trong quá trình làm, chúng ta cần theo sát để tháo gỡ kịp thời những khúc mắc, như vậy dù hình thức hợp tác là BOT, BT hay BTO doanh nghiệp cũng thấy thông suốt.

Nhà đầu tư sẽ lựa chọn loại hình nào họ thấy cần thiết, phù hợp thì họ làm. Trong quá trình triển khai, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm những mặt được cũng như chưa được. Tới đây, Thủ tướng sẽ cho phép sửa đổi hình thức BOT này cho phù hợp với tình hình hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô