Phải tạm thu tiền sử dụng đất để duy trì ngân sách?

Cập nhật 07/07/2013 10:31

UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn có 1.123 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng đất nhưng không có giấy tờ hợp lệ nên để đảm bảo về ngân sách, ngành thuế vẫn phải tiến hành thu thuế sử dụng với cách thức là tạm thu.

Báo cáo sơ bộ của Cục Thuế Hà Nội cho thấy, Thành phố hiện có 1.600 lô đất của các doanh nghiệp cũng không có giấy tờ hợp lệ, trong số đó có 22% cơ quan thuế đã tiến hành tạm thu tiền sử dụng đất.

Câu hỏi được các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đặt ra tại phiên chất vấn sáng 5/7 là, với thực tế đó, tại sao Thành phố vẫn tiến hành tạm thu tiền sử dụng đất đối với các trường hợp nêu trên, liệu có gì chưa rõ ràng và sai quy định hay không. Đáng chú ý, trong số gần 10 đại biểu phát biểu, hầu hết các đại biểu đều quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn đối với nội dung này.

Sở Tài chính Hà Nội và các cơ quan liên ngành đã kiến nghị UBND Thành phố ra quyết định thu thêm 1.400 tỷ đồng tiền sử dụng đất đối với Công ty Nam Thăng Long - chủ đầu tư khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), sau khi số tiền sử dụng đất mà Hà Nội tạm tính cho doanh nghiệp này chỉ là 313 tỷ đồng.

Theo Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, việc Hà Nội có đến 1.123 doanh nghiệp, tổ chức chưa có hợp đồng thuê đất hiện nay có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do hồ sơ phức tạp, kéo dài, thất lạc từ hàng chục năm trước. Nhưng do phải đảm bảo về ngân sách nên ngành thuế vẫn phải tiến hành thu thuế sử dụng đất với cách thức là tạm thu.
Hơn nữa, bản thân các khu đất của các doanh nghiệp, dù chưa có đủ hồ sơ nhưng họ lại đã và đang sử dụng từ nhiều năm nay với mục đích là sản xuất kinh doanh, nên nhà nước vẫn phải thu tiền sử dụng đất, nếu không sẽ thất thu cho ngân sách.

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, rằng cơ sở pháp lý nào cho việc tạm thu, có đúng pháp luật không và tại sao khu đất không đúng quy hoạch vẫn tạm tính tiền sử dụng đất, Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng, cho biết Luật Quản lý thuế cho phép Hà Nội làm như vậy.

Cụ thể là cơ quan thuế, trong quá trình quản lý thu, nếu khoản thu nào mà doanh nghiệp chưa chứng minh được thì cơ quan thuế có quyền ấn định mức tạm thu.

Do đó, việc Hà Nội tạm tính tiền sử dụng đất cho hàng nghìn trường hợp nói trên là đúng pháp luật.

Trước câu hỏi, liệu việc tạm tính tiền sử dụng đất có làm ngân sách thất thu hay không bởi tạm tính thường tính thấp hơn giá trị thực, thì Phó chủ tịch Hà Nội phủ nhận điều đó.

“Tôi khẳng định việc tạm thu và thu chính thức chỉ khác nhau về diện tích do hồ sơ chưa đầy đủ. Còn cách tính, đơn giá là như nhau nên không thể thất thu cho ngân sách. Thậm chí có trường hợp tạm thu còn cao hơn khi tính thu đủ”, ông Tưởng nói

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hà Nội cũng thừa nhận, việc tạm thu tiền sử dụng đất hiện nay là trên cơ sở doanh nghiệp tự khai báo.

Trong khi đó, theo một số đại biểu, sở dĩ Hội đồng Nhân dân đưa nội dung tạm thu tiền sử dụng vào nội dung chất vấn kỳ này, bởi thực tế đây là đang vấn đề khá nổi cộm của Hà Nội. Đơn cử, mới đây, Sở Tài chính Hà Nội và các cơ quan liên ngành đã kiến nghị UBND Thành phố ra quyết định thu thêm 1.400 tỷ đồng tiền sử dụng đất đối với Công ty Nam Thăng Long - chủ đầu tư khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), sau khi số tiền sử dụng đất mà Hà Nội tạm tính cho doanh nghiệp này chỉ là 313 tỷ đồng.

“Sự khác biệt quá lớn giữa tạm thu và tính đủ của một dự án đã lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Liệu số tiền thất thu đối với tất cả các dự án tạm thu hiện nay sẽ lớn đến mức nào. Hơn nữa, khoảng thời gian giữa tạm thu và thu đủ của dự án này cũng lên tới 10 năm”, một đại biểu nói.

Trước đó, vào cuối năm 2004, dư luận cả nước ồn ào trước Quyết định số 4622 (ngày 14/12/2004) duyệt giá thu tiền sử dụng đất của dự án khu đô thị Nam Thăng Long (KĐTNTL) của UBND TP.Hà Nội - sớm hơn 16 ngày so với việc công bố giá đất theo Luật Đất đai (ngày 1/1/2005) - mà ngân sách nhà nước đã thiệt hại 3.000 tỉ đồng. Điều đáng nói nhất ở đây là, không chỉ là con số tuyệt đối rất lớn, mà chính là sự chênh lệch về giá giữa hai thời điểm lệch giá nhau quá lớn, từ 8 - 10 lần.

Tại thời điểm, đó, Ciputra là một dự án khu đô thị lớn nhất Hà Nội được đầu tư bởi liên doanh giữa Tập đoàn Ciputra (Indonesia) với Tổng Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) được triển khai ven hồ Tây. Dự án này có diện tích 323ha thuộc địa bàn quận Tây Hồ (2.296.011m2) và huyện Từ Liêm (935.356m2).

Theo đó, Quyết định số 4622 ngày 14/12/2004 của UBND TP.Hà Nội nêu: “Chấp thuận mức giá và hệ số để thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở thuộc dự án khu đô thị Nam Thăng Long (KĐTNTL) giai đoạn 2 như sau: Đối với lô đất cách đường Nguyễn Hoàng Tôn trong phạm vi 200m là 1.540.000 đồng/m2; đối với các lô đất ở các vị trí còn lại là 620.000 đồng/m2. Áp dụng hệ số K=1 để thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở chung cư cao tầng; K=1,8 đối với diện tích đất xây dựng nhà ở thấp tầng thuộc quận Tây Hồ và 1,5 đối với diện tích đất xây dựng nhà ở thấp tầng thuộc địa bàn huyện Từ Liêm”.

Chính quyết định này đã khiến dư luận ồn ào, bởi lẽ mức giá đất nói trên ở dự án KĐTNTL thấp hơn nhiều lần so với giá đất thị trường ngay tại thời điểm đó. Điều này thấy rất rõ, chỉ sau QĐ 4622 có 16 ngày, giá đất mới được TP.Hà Nội công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2005 trong “Bảng giá đất thuộc địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội” xác định giá đất ở tại đường Nguyễn Hoàng Tôn là 12.000.000 đồng/m2 và ở các vị trí khác là 6.480.000 đồng/m2. Như vậy giá đất này cao gấp tới 8 -10 lần giá đất mà QĐ 4622 cho nhà đầu tư dự án KĐTNTL được hưởng trước đó 16 ngày.

Nếu chỉ cần ký chậm thời điểm hơn nửa tháng, tính sơ bộ ngân sách nhà nước sẽ thu thêm từ 927.000m2 (92,7ha) đất lên tới 3.000 tỉ đồng.

Để “sửa sai” cho những sai lầm trước kia nên giữ tháng 4/2013, Sở Tài chính, Sở TNMT, Cục Thuế... đã  trình UBND TP.Hà Nội để thu tiền sử dụng đất bổ sung 1.400 tỉ đồng  với Cty Nam Thăng Long - chủ đầu tư khu đô thị Nam Thăng Long (khu Ciputra).


DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt