Phải “giảm tải” nhà cao tầng cho Hà Nội

Cập nhật 09/04/2010 09:10

Ngày 8-4, tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội bàn về quy hoạch thủ đô, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã trao đổi với báo chí về việc Thủ tướng có văn bản chỉ đạo chủ trương tạm dừng xây dựng nhà cao tầng ở nội đô Hà Nội.

Cụ thể, quy hoạch thủ đô được điều chỉnh theo hướng không xây nhà cao tầng trong nội đô và khu vực phố cổ, giảm hệ số chiều cao và mật độ xây dựng khi cải tạo chung cư cũ.

* Thưa ông, trong quy hoạch chung Hà Nội lần này có tính đến việc giảm mật độ tại những khu tập thể cũ sắp cải tạo?

Đối với các khu tập thể cũ, hiện Thủ tướng đã chỉ đạo phải giảm chiều cao nếu xây dựng lại, đồng nghĩa với giảm mật độ xây dựng. Trong quy hoạch chung, toàn chuỗi đô thị khu vực vành đai 4 của thành phố dự kiến chỉ xây nhà cao tầng và di chuyển bớt dân ra đó. Tuy nhiên, di chuyển dân đi bây giờ là khó vì hiện nay chưa có khu nào thỏa mãn bằng hoặc hơn chỗ ở cũ, không đơn giản chỉ có nhà mà phải có hạ tầng, cây xanh, khu vui chơi giải trí và phải có cả cơ hội kiếm sống...


Một số nhà cao tầng quanh khu vực hồ Gươm (Hà Nội) hiện nay - Ảnh: Nga Linh


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn - Ảnh: Xuân Long
* Để giảm tải cho nội thành, Hà Nội sẽ phải hạn chế xây nhà cao tầng nhưng sao mới đây vẫn cho chủ trương lập dự án xây trung tâm thương mại cao tầng gần hồ Gươm?

Chỉ những dự án cũ, đã được phê duyệt mới tiếp tục được tiến hành. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần điều chỉnh và có quy định cụ thể, như từ đường vành đai II của Hà Nội trở vào thì được xây ở mức độ nào, từ vành đai 3 trở vào được xây cao bao nhiêu, không nên cấm hết việc xây nhà cao tầng.

Trên thực tế, có những chỗ cần phải có điểm nhấn về chiều cao nhưng mật độ xây dựng phải rất thấp và dưới khu nhà cao tầng đó là công viên cây xanh, hồ nước, không phải xây xen đặc vào những khu chật chội. Đó là điều mà Hà Nội tới đây phải làm rất cụ thể và trong quy hoạch chi tiết cũng gợi ý theo hướng này.

* Khi dừng xây nhà cao tầng ở nội đô, làm sao để tránh tình trạng như dự án khách sạn trong công viên Thống Nhất, khiến TP Hà Nội đứng trước nguy cơ có thể phải bồi thường cho nhà đầu tư (gần 80 triệu USD) như họ đã đòi?

Chuyện dự án khách sạn trong công viên Thống Nhất hoàn toàn khác với chuyện dừng các dự án cao tầng tại trung tâm Hà Nội hiện nay. Thực tế các dự án cao tầng được chỉ đạo dừng là những dự án còn trên giấy. Khi dự án mới trên giấy, không thể nói tốn chi phí này kia... Đối với công trình khách sạn trong công viên Thống Nhất, họ cũng đã làm được một chút nên nếu dừng phải đền bù cho người ta, còn những dự án trên giấy thì có thể xử lý bằng cách chuyển ra chỗ khác, có ưu đãi về cơ chế...

* Trong định hướng của quy hoạch, giai đoạn đầu sẽ chuyển trung tâm hành chính ra khu Mễ Trì, Mỹ Đình, trong tương lai mới chuyển lên Ba Vì, như vậy có gây lãng phí các công trình xây dựng trong thời gian tới?


Tôi khẳng định không lãng phí. Bây giờ một số công trình của các bộ, ngành đã chuyển ra khu vực Mễ Trì, Mỹ Đình và chỉ còn 7-8 bộ nữa là chưa chuyển. Những bộ, ngành này tới đây sẽ tiếp tục xây dựng trụ sở. Trong vòng 30-50 năm sau mới dự kiến di chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì, khi đó sẽ chuyển đổi chức năng khu đang xây dựng thành văn phòng hoặc chuyển đổi vào mục đích khác để đảm bảo không lãng phí.

* Đơn vị tư vấn đề xuất 60 tỉ USD để thực hiện quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, quan điểm của Bộ Xây dựng về việc này ra sao?


60 tỉ USD này chủ yếu đầu tư xây dựng hạ tầng, nhưng không phải vốn vay mà vốn ở đây là quỹ đất đổi lấy hạ tầng. Ví dụ đường vành đai 4 là con đường không cần phải dùng vốn ngân sách mà các doanh nghiệp làm từng đoạn một, đổi lại lấy quỹ đất tại các dự án nhưng phải làm theo đúng quy hoạch. Kể cả các đô thị vệ tinh, sẽ công bố và triển khai theo hướng xã hội hóa chứ không phải dùng vốn ngân sách hoặc hoàn toàn là nguồn vốn vay.

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO