Phải chủ động tạo quỹ đất sạch

Cập nhật 09/09/2010 08:40

Cơ chế dự trữ đất khiến công việc của nhà quản lý phức tạp hơn, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn.

“Thực tế cho thấy từ việc dự trữ đất sạch, đô thị sẽ được phát triển bài bản mà không phải bỏ thêm tiền, ngoài tiền thu được từ đất”. Đó là ý kiến của GS Đặng Hùng Võ (ảnh), nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi trao đổi với phóng viên.

Làm hạ tầng bằng nguồn thu từ đất

* Thưa ông, địa phương nào trong nước đã thành công trong việc dự trữ đất để phát triển đô thị?

Theo tôi, chỉ có TP Đà Nẵng làm được và làm thành công việc thu hồi đất theo quy hoạch, sau đó đưa ra đấu giá, đấu thầu. Đà Nẵng chủ động dự trữ đất đai trước, sau đó mới tính đến chuyện làm dự án này, dự án kia rồi đưa đất ra đấu giá. Nhờ quỹ đất sạch dự trữ, Đà Nẵng đã chủ động phát triển đô thị theo quy hoạch.

Cách làm này đem lại hiệu quả rất cao. Hạ tầng của Đà Nẵng hiện nay hơn hẳn các địa phương khác do được quy hoạch rất trật tự, đâu ra đấy (trong khi xuất phát điểm đây là một đô thị chắp vá, ọp ẹp). Điều đáng nói là Đà Nẵng làm hạ tầng mà không mất một đồng nào, toàn bộ tiền đều được lấy ra từ đất. Đây là một giải pháp chuyển vốn có từ đất sang thành vốn đầu tư. Cần nói thêm hiện Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có mức độ tham nhũng thấp nhất trong cả nước.

* Dự trữ đất có lợi như vậy nhưng tại sao hầu hết các địa phương lại chưa thực hiện, thưa ông?


Việc dự trữ đất theo quy hoạch đòi hỏi chính quyền phải có vốn, rất nhiều vốn. Đó là một khoản tiền rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng, được huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Khi đã có mặt bằng sạch, đất được đưa ra đấu giá. Tiền thu được một phần dành trả lại vốn đã vay phục vụ cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, phần còn lại đầu tư vào hạ tầng. Cách làm này tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương để đầu tư lại cho đô thị.


Hiện nay việc thu hồi đất đều chạy theo dự án nên thường bị kéo dài do bồi thường giải tỏa. Ảnh: HTD

Tuy vậy, cách làm trên có cái khó là phải tìm tiền trước. Cơ chế này đòi hỏi chính quyền phải năng động. Nhưng nhiều khi ranh giới giữa cái đúng và cái sai rất mong manh. Cơ chế nào để cơ quan hành chính làm việc này là cả một câu chuyện. Nếu làm không khéo, không công tâm thì đang đúng lại trở thành sai. Điều đó khiến lãnh đạo địa phương có tâm lý e ngại vì làm cái gì an toàn thì người ta vẫn thích hơn.

Để có quỹ đất dự trữ, đòi hỏi quyết tâm cao của lãnh đạo địa phương, đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao, đôn đốc cả hệ thống vào cuộc. Bởi khi thực hiện theo phương án này, công việc của nhà quản lý sẽ phức tạp hơn và đòi hỏi họ phải nỗ lực nhiều hơn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các địa phương khó thực hiện theo cơ chế này.

Phải tự sáng tạo cách làm

* Vì sao chính quyền lại “thích” ở trong thế bị động hơn là chủ động tạo ra quỹ đất sạch để phát triển đô thị, thưa ông?

Hiện việc thu hồi đất hầu hết đều chạy theo dự án. Có nghĩa là nhà đầu tư đến địa phương, khi được duyệt dự án mới tính đến chuyện giới thiệu địa điểm ở đâu, sau đó chính quyền thu hồi đất giao cho nhà đầu tư. Với cách làm này thì nhà đầu tư phải đứng ra chịu trận hết mọi thứ, phải bỏ tiền ra trước để bồi thường giải phóng mặt bằng, đàm phán với người dân... Chính quyền chỉ là người đứng sau “đạo diễn”, không phải làm trực tiếp nên nhàn hơn.

Với việc thu hồi đất theo dự án, nhiều trường hợp chính quyền phải chịu áp lực của nhà đầu tư. Nhiều trường hợp quy hoạch bị phá vỡ do nhà đầu tư muốn ở chỗ này chứ không phải ở chỗ kia và chính quyền phải “chiều”. Điều này biến chính quyền đáng lẽ phải ở thế chủ động lại chuyển sang thế bị động.

* Nhưng nhiều nhà lãnh đạo, nhà quản lý lại cho rằng hiện còn thiếu hướng dẫn cụ thể để làm việc này?


Nếu vậy chúng ta cần đặt câu hỏi: Tại sao Đà Nẵng làm được mà các địa phương khác lại không? Trong phát triển kinh tế, xã hội, nếu việc gì cũng cần cầm tay chỉ việc thì rất khó. Các địa phương muốn làm được thì phải tự sáng tạo ra cách làm. Khung pháp lý nhiều khi không chỉ ra được anh cần làm việc này, việc kia như thế nào nhưng khi đã có cái khung rồi thì anh được quyền làm trong cái khung đó. Còn cách làm, sự sáng tạo trong cách làm lại đòi hỏi tư duy của các nhà lãnh đạo.

* Xin cảm ơn ông.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP