Phải bỏ cụm từ "đền bù giải tỏa"

Cập nhật 16/09/2008 15:55

Đô thị hóa là đem phúc lợi xã hội và sự thịnh vượng đến cho cư dân tại chỗ

Chính quyền địa phương và các nhà quy hoạch ở nhiều nước chú ý đặc biệt đến nhóm người có thu nhập thấp, vì vậy họ được ưu tiên các nhu cầu về hạ tầng xã hội.

“Dân cùng hưởng”!

Quyết sách “Dân cùng hưởng” được đưa lên hàng đầu khi Thâm Quyến (Trung Quốc) được công nghiệp hóa. Tokyo và Seoul không có cụm từ “đền bù giải tỏa”, họ cho rằng đô thị hóa đến đâu chính là đem phúc lợi xã hội và sự thịnh vượng cho người dân sinh sống trên mảnh đất ấy. Ở Thượng Hải và một vài thành phố phát triển thành công của Trung Quốc, nông dân được tham gia thành lập các công ty đầu tư phát triển với cổ phần là giá trị tăng lên của đất nông nghiệp khi đô thị hóa. Họ được đảm bảo an cư lạc nghiệp, chuyển đổi ngành nghề và có thu nhập ổn định khi vùng đất hương hỏa của họ phát triển...

Phát triển đô thị ở một vùng đất mà thành phần cư dân hỗn độn, mâu thuẫn về lợi ích giữa đa số người nghèo và một số nông gia nhiều quyền lợi, các ông chủ nắm giữ nhiều khu chung cư, thương mại lớn là một bài toán khó; sự gắn bó về mặt xã hội của người dân trong trường hợp quy hoạch không rõ ràng sẽ sút giảm, nếu nhu cầu, ý nguyện của họ không được đáp ứng.

Có còn câu “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”? 80% dân Việt làm nghề nông, với ruộng đồng làm ra của cải nuôi sống cả một dân tộc từ hàng ngàn năm nay. Họ là nông dân, dù ở thành thị hay ở nông thôn. Đất đai, hạt giống, con nước, mùa vụ đã ăn trong máu thịt người nông dân. Hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa đang tác động trực tiếp lên những người dân đó. Họ được gì? Và họ suy nghĩ như thế nào trong tiến trình đô thị hóa? Họ có được quyền “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”? Hay chỉ là những thông tin lạnh lùng của giải tỏa đền bù, khởi công dự án, các siêu dự án công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất? Tiếng nói của họ chỉ còn lại là “giá đền bù chưa thỏa đáng”! Rồi đằng sau đó là nỗi buồn, kỷ niệm vì nơi chôn nhau cắt rốn, của để dành cho con cháu, của hương hỏa và mồ mả tổ tiên... đã bị lấy đi.

“Đền bù giải tỏa” - cụm từ này đáng sợ đến mức tạo ra tâm lý bất an cho hàng triệu người sống vùng ven, vùng ngoại thành và những nông dân trong đô thị. Tiếng nói của họ trong tiến trình đô thị hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa chỉ là tờ đơn “xin điều chỉnh giá đền bù”! Những chủ đầu tư cò kè bớt một thêm hai, đứng ở bên trên ban phát! Họ dựa vào những quyết định thu hồi đất và cấp đất như một quyền lực độc quyền.

Chính sách cấp đất theo dự án với cách phân chia thị phần trong quy hoạch cần phải thay đổi, bởi thời gian qua nó đã tác động ngược đến đời sống người dân. 11.000 căn nhà xây cất tạm bợ, không phép hay những khu ở tạm bợ, những cái chợ chồm hổm mọc quanh khu công nghiệp, đang là nỗi buồn của những người nông dân rời xa ruộng đồng với hành trang là đôi bàn tay chai sạn... Và những bản quy hoạch với phân cấp, điều chỉnh, quy trình cấp và thu hồi đất, phê duyệt, thẩm định lại càng xa rời ý nguyện của người dân đang sinh sống trên mảnh đất ấy. Giá đền bù không đủ để mua lại một căn hộ, hoặc một mảnh đất ở vùng ven, trong khi khu đất của gia đình lại được phân lô bán với giá gấp trăm lần, chỉ nhờ một bản quy hoạch vẽ ra trên giấy và một số hạ tầng đầu tư tạm bợ!

Ở Mỹ, một số TP phát triển hài hòa nhờ thống nhất từ thấp đến cao, giữa chính quyền, nhà đầu tư, cư dân tại chỗ và dân nhập cư, nhất là người nghèo, trước khi tổ chức quy hoạch.
 

 

Người Đô Thị