Phá sản kế hoạch xanh

Cập nhật 29/12/2009 16:15

Từ năm 2000, TPHCM đã có quyết định tăng diện tích công viên cây xanh công cộng đô thị lên 6-7 m²/người vào năm 2010 nhưng đến nay mới chỉ đạt mức chưa đến 1 m²/người

“TPHCM bây giờ nóng bức, ngột ngạt quá!”.Nhiều người khi đến TPHCM đều có chung nhận định này. Đúng là hiện nay khói xe, bụi đường, tiếng ồn... đã làm nhiều người nhăn mặt khi đến TP.

Song có lẽ người dân đã không phải “khó thở” như hiện nay nếu kế hoạch xanh của TP đề ra từ năm 2000 không bị phá sản.
 

Việc mở đường Trương Định xuyên qua Công viên Tao Đàn vô tình làm teo tóp mảng xanh vốn đã ít ỏi ở khu vực nội thành TPHCM


“Nợ” 5-6 m²/người!


Quy hoạch mạng lưới công viên cây xanh đến năm 2010 đã được UBND TPHCM phê duyệt theo Quyết định 661/QĐ-UB-ĐT ngày 26-1-2000. Theo đó, chỉ tiêu diện tích công viên cây xanh đô thị đến năm 2010 phải đạt bình quân 6-7 m²/người (không kể cây xanh đường phố, cây xanh cách ly KCN, cây xanh khuôn viên nhà ở).

Chỉ vài ngày nữa là bước sang năm 2010 nhưng Phòng Quản lý Cây xanh thuộc Sở GTVT lại đưa ra một con số giật mình: Chỉ tiêu trên mới đạt chưa đến 1 m²/người.

TPHCM thuộc loại đô thị đặc biệt, tuy nhiên chỉ tiêu đất cây xanh trên đầu người chưa bằng đô thị loại V.

Theo quy định tại Quyết định 01/2006/QĐ-BXD ngày 5-1-2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tiêu chuẩn đất cây xanh công viên của đô thị đặc biệt là 7-9 m2/người, đô thị loại I-II : 6-7,5 m²/người, loại III-IV: 5-7 m²/người, loại V: 4-6 m²/người.
 

TPHCM thuộc loại đô thị đặc biệt, tuy nhiên chỉ tiêu đất cây xanh trên đầu người chưa bằng đô thị loại V.

Theo quy định tại Quyết định 01/2006/QĐ-BXD ngày 5-1-2006 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tiêu chuẩn đất cây xanh công viên của đô thị đặc biệt là 7-9 m2/người, đô thị loại I-II : 6-7,5 m²/người, loại III-IV: 5-7 m²/người, loại V: 4-6 m²/người.
Sở dĩ con số trên quá thấp là do diện tích công viên công cộng bị tụt quá xa so với yêu cầu. Trong quyết định phê duyệt, TP đề ra đến năm 2010, tổng diện tích công viên công cộng là 8.644 ha nhưng hiện nay số liệu sơ bộ do Phòng Quản lý Cây xanh cung cấp thì chỉ mới đạt hơn 535 ha.

Trong đó, diện tích công viên công cộng ở khu Phú Mỹ Hưng là 74,36 ha, tổng diện tích này ở các công viên Đầm Sen, Văn Thánh, Kỳ Hòa, Hội trường Thống Nhất là 106,8 ha. Số còn lại là các công viên, vườn hoa, tiểu đảo, dải phân cách do Sở GTVT và các quận, huyện quản lý.

Phá vỡ “đất xanh”

Không phải đến thời điểm sắp về đích, các cơ quan chức năng mới nhận ra nguy cơ phá sản của kế hoạch xanh TP đề ra từ năm 2000.

Ngay từ năm 2006, thời điểm kế hoạch đã đi hết một nửa chặng đường, Công ty Công viên Cây xanh TP và Viện Quy hoạch xây dựng TP đã phối hợp soạn thảo bản điều chỉnh quy hoạch đến năm 2010 và quy hoạch cây xanh đô thị dài hạn đến năm 2025.

Tuy nhiên, điều chỉnh này đến nay vẫn chưa được TP phê duyệt, nguyên nhân chính do kinh phí quá cao. Chỉ tính riêng giai đoạn 2006-2010 phải cần hơn 31.000 tỉ đồng để cải tạo, nâng cấp, bảo quản và xây dựng các công trình phát triển diện tích cây xanh. Tuy nhiên, với số tiền này thì diện tích công viên cây xanh cũng chỉ đạt 3,5-4 m2/người.

Trong tài liệu thuyết minh, hai đơn vị trên đã chỉ rõ sở dĩ chỉ tiêu xanh mà TP đưa ra đến năm 2010 không thể thành hiện thực là do nhiều nguyên nhân: Phát triển công viên cây xanh là lĩnh vực khó sinh lời nên khó kêu gọi đầu tư, trong khi ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực này rất hạn chế; các sở ngành, quận huyện chưa nhận thức rõ và thực sự quan tâm đến vấn đề dành đất cho phát triển công viên cây xanh.

Ngoài những nguyên nhân trên, theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Cây xanh, do dân số TP tăng nhanh hơn so với dự kiến khiến diện tích xanh bình quân đầu người tụt lại.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, nếu nhìn vào cách ứng xử đối với cây xanh ở nội thành, cho thấy mảng xanh TP đang phải “thắt lưng buộc bụng” vì sự phát triển nóng. Cụ thể, để phục vụ giao thông, nhiều tuyến đường được mở ra “xẻ” đôi công viên khiến diện tích xanh ở các khu vực này đã ít lại càng ít thêm.

Đơn cử như Công viên Tao Đàn bị đường Trương Định nối dài băng ngang. Tương tự là đường Đỗ Quang Đẩu cắt Công viên 23-9, đường Hoàng Minh Giám xẻ đôi Công viên Gia Định, đường Phạm Văn Hai nối dài dự kiến sẽ cắt Công viên Hoàng Văn Thụ...

Vườn trong TP

Mới đây, bức tường trụ sở làm việc của Sở GTVT TPHCM (đường Lý Tự Trong, quận 1) đã chuyển từ xám sang xanh. Một hàng trúc được trồng dọc theo chân tường. Ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Cây xanh, cho biết chỉ một thời gian ngắn nữa, dây leo lớn kết hợp với hàng trúc sẽ phủ xanh bức tường này. Đây là mô hình tạm gọi là “bức tường xanh” được mang từ Singapore về.

Lâu nay, người dân TP đã quen cảnh những vỉa hè nhếch nhác, vỡ nát. Song vài tháng qua, ai cũng thích khi hàng loạt vỉa hè như ở đường Lê Thị Hồng Gấm (quận 1), Bà Huyện Thanh Quan (quận 3), 3 Tháng 2 (quận 10)... đã được phủ hoa cỏ. Đây có thể xem là một đột phá của TP về công tác cải tạo mảng xanh trong năm 2009.

Theo tổng hợp của Phòng Quản lý Cây xanh, tính đến thời điểm này đã và đang phủ hoa cỏ gần 28.000 m² vỉa hè các quận 1, 3, 5, 10. Ngoài ra, cũng đã có gần 13.000 m² đất phủ cây xanh ở các khu vực công trình cầu như cầu vượt An Sương, Tân Thới Hiệp, Ngã Tư Ga, Tân Thuận 1...

Theo Sở GTVT, từ nay đến năm 2025 sẽ tận dụng tối đa không gian đô thị để phát triển diện tích cây xanh theo phương châm “có đường có cây, có đất có công viên”. Tiếp tục trồng thêm cây xanh ở những tuyến đường chưa có cây. Đối với các tuyến đường có vỉa hè hẹp sẽ trồng dây leo trụ, trồng cây trong chậu.
 

Mô hình bức tường xanh đang được Sở GTVT TPHCM thí điểm ngay chính trụ sở của mình


Đặc biệt việc nới rộng mảng xanh sẽ được gắn kết với các chương trình chỉnh trang đô thị của TP như cải tạo kênh rạch, mở rộng đường sá, xóa bỏ khu dân cư lụp xụp, di dời các cơ sở gây ô nhiễm, chợ đầu mối... để trồng cây xanh. Nếu làm tích cực, đến năm 2025, diện tích công viên cây xanh TP sẽ đạt 4,5 m²/người.

“Tất cả những giải pháp này đều hướng đến giấc mơ “vườn trong TP”. Singapore như một TP trong vườn, còn chúng ta đang hướng đến cấp độ thấp hơn là vườn trong TP”- một chuyên gia ngành công viên cây xanh nói.

Cảnh sát Môi trường bảo vệ cây xanh

TS Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM, khẳng định công tác hậu kiểm về mảng xanh của TP quá yếu và chúng ta đang “đánh trống bỏ dùi”. Hiện nay, nhiều chủ đầu tư xây dựng khu dân cư không bảo đảm tiêu chuẩn mảng xanh như thiết kế vẫn không bị xử phạt.

Đối với việc một số người dân âm thầm “giết” cây trước nhà, một cán bộ của Công ty Công viên Cây xanh cho biết việc xử phạt gần như không thể vì không bắt được quả tang, nếu bắt được quả tang thì quy trình xử lý cũng rườm rà, ít hiệu quả. TS Chế Đình Lý cho rằng việc xử phạt nên giao cho lực lượng có nghiệp vụ hơn là cảnh sát môi trường. Bởi bảo vệ cây xanh cũng là bảo vệ môi trường.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động