Khoảng một tuần lễ nay, gần như ngày nào cũng có người đi thuyền ra các đảo thuộc vịnh Vân Phong (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) lén lút phá rừng lấy đất khi có thông tin về việc thành lập đặc khu kinh tế - hành chính Bắc Vân Phong.
Rừng bị chặt phá, lấn chiếm đất trái phép tại Hòn Trì (thôn Vĩnh Phương, xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) |
Về mặt nguyên tắc, đất ở các đảo không được phép mua bán, những trường hợp lấn chiếm trái phép sẽ bị xử lý theo quy định. Chúng tôi đã có cảnh báo về việc người dân mua bán, sang nhượng trái phép sẽ bị thu hồi và người mua sẽ chịu thiệt Ông HOÀNG ĐÌNH PHI (trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong) |
Hiện nay, giới đầu cơ đã đẩy giá đất vùng này lên chóng mặt. Đất và rừng ở những hòn đảo nhỏ nơi đây như Hòn Trì, Hòn Ngang, Hòn Đỏ, Hòn Trầm... đang bị băm vằm. Chỉ vài tháng nay, thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh) đã có hơn 10 văn phòng giao dịch bất động sản được thành lập.
Ai thuê người chặt phá rừng: không biết!
Tại thôn Vĩnh Phương (xã Vạn Thạnh), hàng chục hecta rừng trên các đảo đã bị đốt phá tan hoang, cây rừng ngổn ngang. Cả đảo Hòn Trì có 3ha thì trừ phần đất nhà nước đã giao cho dân, còn hơn 1ha bị phá nát. Cách đó không xa, Hòn Ngang cũng bị đốt phá nham nhở, mất hơn 1ha.
Ở các đảo xa hơn như Hòn Săng, Bãi Xếp, từng mảng lớn rừng tại đây cũng bị đốt trơ trụi. Theo UBND xã Vạn Thạnh, diện tích rừng bị phá chưa có thống kê cụ thể nhưng có thể lên đến hàng chục hecta.
Anh Lê Thành Nguyên, người dân thôn Vĩnh Phương, cho biết những người chặt phá rừng được ai đó thuê từ nơi khác đến. Họ thường đi xe máy theo tốp 20-30 người, mang theo cưa máy. Mỗi đợt, họ sẽ đi 2-3 ngày, dựng lều ở lại trên đảo, chặt xong phần rừng được giao thì về.
Anh Lê Thành Nguyên cho biết: rừng bị chặt xong thì có người đến phân lô. Có người đã rao bán 2ha đất trên Hòn Trì cho người khác với giá 61 tỉ đồng.
Một "cò" đất tên Thường tại thị trấn Vạn Giã cho biết những ông chủ thuê người chặt phá rừng trên các đảo đều không ra mặt.
"Đối với những loại đất vừa đốt rừng có được trên đảo, sau khi phân thành lô, người ta thông qua "cò" đất để rao bán sang tay" - ông Thường cho biết. Theo người dân thôn Vĩnh Yên, tình trạng phá rừng chiếm đất xuất hiện cách đây một năm nhưng lai rai, chỉ mới rộ lên gần đây.
Điều lạ ở chỗ: ai là người thuê dân phá rừng thì những người có trách nhiệm ở địa phương đều nói không biết!
Tổ công tác liên nghành quản lý bảo vệ rừng huyện Vạn Ninh đang tuần tra tại khu vực rừng bị phá trái phép thuộc hòn Nhọn (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) - Ảnh: Kiểm lâm xã Vạn Thạnh cung cấp |
Rừng bị chặt phá, lấn chiếm đất trái phép tại Hòn Ngang (xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) - Ảnh: THÁI THỊNH |
Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng huyện Vạn Ninh tuần tra tại khu vực rừng bị phá trái phép thuộc Hòn Nhọn (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) - Ảnh: Kiểm lâm xã Vạn Thạnh cung cấp |
Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP.HCM):
Lấn chiếm đất công có thể bị xử lý hình sự
Theo quy định của Luật đất đai, hành vi lấn chiếm đất công là trái pháp luật. Nếu bị phát hiện việc lấn chiếm sẽ bị thu hồi.
Nghị định 102 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã nêu rõ chế tài: phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi lấn chiếm đất nông nghiệp; phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi lấn chiếm đất ở.
Kèm theo đó là biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm, đồng thời trả lại đất đã lấn chiếm.
Nếu có việc người dân cố tình phân lô đất công để bán thì việc mua bán sẽ không được công nhận. Nếu cơ quan chức năng phát hiện người lấn chiếm đất công rồi lừa bán cho người khác thì hành vi cố tình lừa dối đó có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, khi xử lý cần xem xét có đúng đó là đất công hay không, trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước thế nào, chính sách quản lý có rõ ràng hay không. Bởi thường nếu đất công được quản lý chặt chẽ thì khó có việc người dân lấn chiếm để mua bán công khai.