Phá dỡ, xây dựng mới nhà xuống cấp, nguy hiểm C7 Giảng Võ: Đồng thuận từ cách làm

Cập nhật 13/09/2007 12:00

Trong lúc nhiều dự án trên địa bàn còn lúng túng vì thiếu cơ chế khung, vì chưa có được sự đồng thuận trong dân thì sự đồng thuận cao của người dân nhà C7 Giảng Võ, quận Ba Đình đối với dự án phá dỡ, xây mới nhà chung cư xuống cấp nguy hiểm dường như là "chuyện lạ".

Đây thực sự là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực của chủ đầu tư, của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội nhà C7 Giảng Võ và các cấp chính quyền.

 Đằng đẵng mối lo

Bác Lê Khắc Hiếu, một trong những người đầu tiên đến ở nhà C7, cho biết, mỗi khi trời mưa to, dễ dàng nhận thấy sự lún nghiêng của khu nhà có chiều dài 45m này. Trong lúc ở một đầu nhà nước ngập vào căn hộ tầng 1 cả nửa mét thì đầu đằng kia nước chưa vào đến nhà. Lún nứt thể hiện rõ nhất ở ô cầu thang.

Mặc dù đã được làm giàn chống bằng những cột sắt rất to từ năm 1984, nhưng hai phía của nhà vẫn bị nứt toác, tách rời ra khỏi ô cầu thang. Tại tầng 5, vết nứt to tới mức lọt cả cánh tay. Mối lo về sự nguy hiểm của nhà xuống cấp đằng đẵng bám theo cuộc sống của các hộ dân nhà C7. Một phần ba chủ sở hữu có điều kiện đã chuyển đi nơi khác sống. Tầng 5 có 8 căn hộ thì đã có tới 5 hộ tự di chuyển. Tầng 1, có tới 10 hộ không ở, cho thuê nhà làm cửa hàng. Ngày 2/8/2007, Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng đã có công văn số 578/GĐ-GĐ1 về kết quả kiểm định nhà C7 Giảng Võ.

Theo đó, mức độ nguy hiểm của cả nhà được đánh giá là cấp D (cấp độ nguy hiểm cao nhất). Cục Giám định khuyến cáo cần sớm di chuyển các hộ dân ra khỏi công trình và tiến hành việc dỡ bỏ trước mùa mưa bão năm 2007.

Năm 2002, TP giao Cty CP Đầu tư thương mại ASEAN (sau đổi tên là Cty CP Đầu tư xây dựng Mỹ Đình) nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng lại nhà C7 Giảng Võ. Đến năm 2006, để phát huy sức mạnh tổng hợp, đảm bảo khả thi tổ chức thực hiện dự án, Cty Mỹ Đình đã liên danh hợp tác đầu tư với Cty cổ phần Tư vấn HANDIC - Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDIC), đơn vị thành viên liên kết của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội. Tại văn bản số 1367/VP-UBND ngày 02/8/2007, UBND TP đã chấp thuận liên danh và giao cho HANDIC là pháp nhân đại diện hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư dự án theo quy định trình UBND TP phê duyệt.

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó tổng giám đốc Tcty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, với năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nhà ở, Tcty sẽ hỗ trợ tối đa cho HANDIC để dự án có thể thực hiện một cách đồng bộ về cơ chế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như các hỗ trợ khác nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cho dự án. Mới đây, TP cũngđã có công văn số 4241/UBND-XDĐT giao cho Tcty phối hợp với Cty Quản lý và phát triển nhà HN (thuộc Sở TNMT&NĐ) hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết cải tạo xây dựng lại khu tập thể Giảng Võ tỷ lệ 1/500.

TP cũng giao cho hai đơn vị làm chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư phá dỡ xây dựng mới khu Giảng Võ theo quy hoạch được duyệt, đồng bộ về không gian kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (trừ các khối nhà đã giao cho các đơn vị khác lập dự án).

Ông Trịnh Xuân Quang, Giám đốc Cty HANDIC, đại diện chủ đầu tư dự án nói: "Công tác chuẩn bị đầu tư dự án đã cơ bản hoàn thành. Ngày 7/9, UBND quận Ba Đình đã chủ trì buổi họp với đại diện các sở, ngành TP, UBND phường cùng liên danh chủ đầu tư để kiểm tra kết quả triển khai dự án, bàn về phương án di dời các hộ dân ra khỏi nhà nguy hiểm C7.

Qua đó, những bước đã làm để chuẩn bị cho dự án đã được chính quyền địa phương và các sở, ngành đánh giá cao vì tạo được sự đồng thuận trong dân, phù hợp với dự thảo lần thứ 16 cơ chế khung về cải tạo chung cư cũ của Sở TNMT&NĐ đang được lấy ý kiến rộng rãi. Và đây cũng được coi là cơ chế thí điểm trong khi cơ chế khung còn chưa ban hành". Trong tháng 9 này,đại diện các hộ dân cư, chính quyền địa phương cùng chủ đầu tư sẽ đồng trình TP, Sở TNMT&NĐ xem xét, phê duyệt cơ chế tái định cư, tạm cư và hỗ trợ di dời đặc thù cho dự án.

Về tiến độ, ông Quang cho biết, sau khi được TP chấp thuận cơ chế đặc thù cho dự án, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân nhà C7 và Tcty, chủ đầu tư sẽ triển khai ngay dự án. Thời gian dự kiến vào cuối năm 2007.

 Cơ chế - cách làm, không bên nào "nhẹ"


Có thể nói sự đồng thuận trong dân là điều kiện cần và đủ của mỗi dự án cải tạo chung cư cũ, là nhân tố trung tâm trong mối quan hệ lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Xuân Điều, Chủ tịch UBND phường Giảng Võ, nhà C7 là dự án phá dỡ chung cư nguy hiểm đầu tiên của khu Giảng Võ. Điều quan trọng tạo ra sự đồng thuận đó là cách làm rất bài bản và công khai, dân chủ. Từ việc lên phương án thiết kế, xây dựng cơ chế, dù việc lớn hay nhỏ đều được đưa ra dân bàn bạc, góp ý kiến. Việc liên danh hợp tác đầu tư giữa hai Cty để triển khai dự án C7 cũng được thống nhất qua đại diện của UBND phường, đại diện Chi ủy, tổ dân phố, Chi hội người cao tuổi nhà C7.

Theo số liệu bác Nguyễn Viết Thơ, Bí thư chi bộ nhà C7 cung cấp, có tới 84% chủ sở hữu đã đồng tình và mong triển khai sớm dự án phá dỡ, xây mới nhà. Từ năm 2004 - 2005, phương án đầu tư xây dựng, tái định cư tạm cư và hỗ trợ di dời đã được sự đồng tình của toàn bộ các hộ dân từ tầng 2 đến tầng 5. Các hộ dân đồng thuận đã ký tên vào từng vị trí căn hộ trên bản thiết kế. Riêng tầng 1 còn nhiều ý kiến khác nhau. Doanh nghiệp đã phối hợp UBND phường kiên trì triệu tập 16 cuộc họp dân, trong đó 6 cuộc họp với các hộ tầng 1. Chỉ còn 5 trên 13 chủ sở hữu hợp pháp còn có những yêu cầu mà quy chế, chính sách chung không thể đáp ứng như được ở và kinh doanh tại tầng 1, bồi thường cả diện tích đất lấn chiếm.

Bác Hiếu cho biết, quyền lợi của người dân đã được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Trong việc tạm cư, doanh nghiệp hỗ trợ 50 nghìn đồng/m2 sàn nhà ở hợp pháp đồng thời chịu kinh phí di chuyển đi và về đối với công tơ điện, nước, điện thoại, truyền hình cáp, internet.

Nhà đầu tư cũng đứng ra làm sổ đỏ cho dân khi tái định cư về nhà mới. Về diện tích nhà ở tăng thêm khi tái định cư, người dân sẽ chỉ phải trả 50% theo giá đảm bảo đầu tư xây dựng được TP phê duyệt. Bác Hiếu nói: "Khi cơ chế áp dụng cho dự án được phê duyệt, chi bộ, tổ dân phố và người dân chúng tôi sẽ vận động các hộ còn lại để dự án có được sự đồng thuận gần như tuyệt đối vì thực ra 100% hộ dân nhà C7 đều muốn phá dỡ nhà nguy hiểm để xây mới.".

Chỉ những vết nứt toác ở ô cầu thang, bác Thơ và anh Phạm Anh Tuấn, tổ trưởng tổ dân phố C7, có chung lời gửi gắm: lại bước vào mùa mưa bão rồi, người dân đang sống trong nhà C7 mong sao có ý kiến chính thức của TP và các cơ quan chức năng để sớm được di dời, sớm thực hiện dự án phá dỡ, xây mới nhà nguy hiểm. Tuy nhiên, chỉ khi cơ chế áp dụng cho dự án thể hiện nguyện vọng của cộng đồng dân cư nhà C7 đang trình được TP phê duyệt làm cơ sở để nhà đầu tư cam kết thực hiện, các hộ dân mới có thể yên tâm di dời để triển khai thực hiện dự án đầu tư.

 

Theo Minh Thu - Kinh Tế & Đô Thị