Phá băng địa ốc là vấn đề cốt lõi tăng trưởng kinh tế

Cập nhật 27/05/2013 11:19

Gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng sắp được giải ngân ngày 1/6 được xem là cú hích quan trọng cho thị trường bất động sản. Mặc dù số tiền không lớn nhưng nó xác nhận một điều Chính phủ luôn coi bất động sản là thị trường quan trọng. Việc giải quyết vấn đề tài chính nhà ở là nền tảng để tăng trưởng kinh tế, đẩy tín dụng trở lại thị trường.

Đây là nhận định của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa – cố vấn cao cấp của Thủ tướng Chính phủ tại Hội thảo Ý nghĩa thực tiễn nghị quyết 02/NQ-CP đối với thị trường bất động sản vừa được tổ chức tại TPHCM.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu không giải quyết được tình trạng đóng băng tín dụng theo hướng kích cầu đầu tư và tiêu dùng thì tốc độ phục hồi nền kinh tế sẽ chậm lại, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đóng băng. Việc xử lý nợ xấu và gắn với nó là cơ chế bảo lãnh để doanh nghiệp tiếp cận với vốn ngân hàng là một trong những khâu then chốt. Việc xử lý nợ xấu nếu chậm thì cái giá phải trả cho ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế rất khó lượng.

Đặc biệt, trong lúc này, việc phục hồi kinh tế đang phụ thuộc rất nhiều vào cách thức xử lý nợ xấu và phá băng bất động sản. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là xem xét lại toàn bộ cách thức cần xử lý nợ xấu để phục hồi thị trường bất động sản. Trên thế giới đã có 3 mô hình xử lý được áp dụng và qua quá trình nghiên cứu nhiều chuyên gia đã đưa ra nhóm giải pháp và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét và lựa chọn mô hình phù hợp nhất với Việt Nam.

3 phương án xử lý nợ xấu và phá băng bất động sản

Phương án thứ nhất, là Chính phủ sẽ không can thiệp vào điều hành thị trường, để tự các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu, doanh nghiệp tự đối mặt với khó khăn và phá sản. Khi đó kết quả dự kiến tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 sẽ đạt dưới 8%, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn đóng băng và GDP chỉ tăng ở mức 4%.

Phương án thứ hai, Chính phủ sẽ can thiệp nhưng ở mức độ rất ít, NHNN sẽ dùng dự trữ bắt buộc để tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại. NHNN cũng có thể dùng dự trữ ngoại tệ hay in thêm tiền mới để thực hiện tái cấp vốn. Kết quả của giả thuyết này là tăng trưởng dưới 14%, BĐS bắt đầu tan băng, GDP tăng từ 6-6.5%.

Đối với giá thuyết này, vấn đề lo lắng là liệu có dẫn đến lạm phát hay không? Có mất cân đối trong cán cân thanh toán không và tỷ giá như thế nào? TS Nghĩa cho biết, nhóm làm việc của ông đã nghiên cứu rất kỹ và đưa ra kết luận lạm phát sẽ không xuất hiện vì tổng cầu còn rất yếu, NHNN hoàn toàn có thể xử lý được những vấn đề nảy sinh về lạm phát (nếu có), cán cân thanh toán hay tỷ giá. 

Phương án thứ ba, Chính phủ sẽ dùng tiền thật, tiền mặt từ nguồn bán tài sản của các DNNN. Thực hiện vay nội địa hay nước ngoài từ việc phát hành trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế. Kết quả, dự kiến tăng trưởng tín dụng dưới 18%, GDP tăng từ 7,5-8% trong năm 2013. Đây là biện pháp khả thi nhất để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trên thế giới chỉ có Hàn Quốc làm theo cách thứ 3, còn Mỹ sử dụng cả hai biện pháp (2 và 3). 

Tuy nhiên theo TS Nghĩa thì giả thuyết thứ ba rất khó thực hiện vì còn liên quan đến rất nhiều vấn đề mà cụ thể là việc bán tài sản các DNNN sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Từ đó, theo ông Nghĩa thì Chính phủ nên thực hiện giả thuyết thứ hai và kết hợp một phần giả thuyết thứ ba (phát hành trái phiếu) để cân đối được tăng trưởng, lạm phát mục tiêu và giải quyết khó khăn từ nợ xấu. Đây là biện pháp căn cơ nhất để giúp tín dụng tăng trở lại và cũng là nền tảng quan trọng bậc nhất giải quyết vấn đề bất động sản. Khi công nghệp phát triển, kinh tế phục hồi, thu nhập dân cư tăng, đầu tư nước ngoài quay trở lại nhu cầu bất động sản lại tăng. Việc Chính phủ cấp gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho bất động sản là cú hích cho thị trường. Tuy số tiền nhỏ nhưng vô cùng quan trọng. Nó xác nhận rằng Chính phủ luôn coi thị trường bất động sản là thị trường quan trọng. Đây là nền tảng để giải quyết các vấn đề căn cơ của nền kinh tế, đẩy tín dụng trở lại thị trường.


Kinh tế thoát đáy khủng hoảng quý I/2013

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu hồi phục từ đáy trong quý 1/2013. Bằng chứng là chỉ số PMI sản xuất trong tháng 3/2013 đã tăng trên mốc 50 điểm sau khi giảm dưới mức này trong tháng trước đó. Tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm ước tính tăng 2,5%, tích cực hơn rất nhiều so với mức âm của cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, thâm hụt thương mại tháng 5 lên đến 1,7 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 723 triệu USD. Tích cực hơn, lượng vốn FDI vào Việt Nam nhiều trong thời gian từ đầu năm cho thấy môi trường đầu tư đã có những cải thiện đáng kể.

"Nếu Chính phủ áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả như đưa mô hình công ty mua bán nợ vào hoạt đồng, tái cấp vốn dài hạn 3 năm, với 1 năm ân hạn để các ngân hàng thương mại tái cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn trả nợ cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công... Kinh tế Việt Nam năm 2013 sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng GDP 5,3-5,5%, lạm phát được kìm chế ở mức 6-7%,tỷ giá ổn định..." Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia