Phá băng BĐS: 30.000 tỷ có thành nợ xấu?

Cập nhật 24/03/2013 09:14

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho rằng: Việc can thiệp và giải cứu thị trường BĐS là cần thiết, vì mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội.

Vẫn phải cứu

Việc hạn chế “bơm” tiền vào thị trường BĐS nhằm mục đích kìm chế lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô, vì mục tiêu an sinh xã hội. Nhưng chính sách tiền tệ thắt tín dụng quá mức, đã đẩy các DN kinh doanh sản xuất hàng hóa tiêu dùng có liên quan đến thị trường BĐS và hàng loạt các Cty đầu tư BĐS bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng nghìn DN bị phá sản, giải thể và tạm dừng hoạt động vì không tiếp cận được nguồn vốn để duy trì  các hoạt động bình thường của DN”, ông Cường phân tích và cho rằng, thực tế nhu cầu mua nhà  của người dân luôn ở mức cao, nhưng tiền mặt lại rất hạn chế. Mặt khác lượng hàng tồn đọng ở phân khúc nhà ở chung cư cao cấp quá nhiều, đã tồn đọng từ năm 2008 không có thanh khoản, vì thế một trong những “giải pháp” được đưa ra để can thiệp vào thị trường BĐS đó là chia nhỏ các căn hộ có diện tích lớn, để phù hợp với túi tiền của người mua, nhằm rút ngắn khoảng cách cung và cầu. Bên cạnh đó còn nhiều giải pháp khác như: Việc các ngân hàng giảm trần lãi suất, cho khách hàng vay vốn với lãi suất thấp, tăng thời gian đáo hạn, để kích thích tiêu dùng và đầu tư sản xuất; Ưu tiên cho các DN có những dự án tốt (tính thanh khoản cao, mang lại giá trị lớn cho cộng đồng), đang gặp khó khăn tài chính. Bằng cách, hỗ trợ họ chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà cho người thu nhập thấp, hoặc cho họ vay tiền để cơ cấu lại số lượng hàng tồn. Giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế VAT cho cả DN lẫn người mua, hỗ trợ hạ tầng, giao đất sạch cho DN tạo dựng nhà ở xã hội... Đó đều là những giải pháp đồng bộ để khôi phục thị trường BĐS góp phần tạo chuyển biến cho nền kinh tế.

“Thử hình dung xem, nếu để thị trường BĐS “chết”, đồng nghĩa với việc các DN thuộc các ngành nghề sắt thép, xi măng, xây dựng, giao thông, sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ, tư vấn… đắp chiếu nằm kho. Hàng triệu người thất nghiệp, hoặc phải chuyển đổi ngành nghề truyền thống…, đâu đâu cũng thấy những dự án dở dang... Nếu để BĐS chết, thì nhiều đơn vị trong hệ thống tài chính, cũng chết theo. Các giá trị tài sản đã đem cầm cố ở ngân hàng, trở nên “vô giá trị”, hoặc DN trở thành con nợ xấu.” – Ông Cường diễn giải.

30 nghìn tỷ đồng, không hẳn trở thành “nợ xấu”

Vừa qua có giải pháp đưa ra gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng sinh viên, cán bộ CNVC, những người thu nhập thấp, hỗ trợ thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 và có mức giá dưới 15 triệu/m2. Nhiều ý kiến cho rằng, đó cũng là động thái tích cực của những nhà quản lý chính sách Nhà nước, trong việc khuyến khích các DN BĐS cung cấp cho khách hàng những sản phẩm phù hợp với sức mua của mọi người.

Ngược lại cũng có ý kiến e ngại rằng việc “bơm” 30 nghìn tỷ đồng vào thị trường BĐS sẽ khiến vấn đề “nợ xấu” ở nhiều ngân hàng tăng thêm, vì thế hãy để thị trường BĐS “rơi tự do” mà không cần can thiệp giải cứu.

Về câu chuyện này, ông Nguyễn Hữu Cường cho rằng: “Sự thực không hẳn như thế. Bởi lẽ khi ngân hàng cho bất kỳ doanh nghiệp hay cá nhân nào vay nợ đều phải đảm bảo tài sản thế chấp và đảm bảo việc đòi được tiền. Chứ không có chuyện 30 nghìn tỷ đồng đó cho vay là phát sinh nợ xấu. Ở tầm vĩ mô và bao quát, thì Chính phủ không thể để thị trường “méo mó””.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật & Xã hội