Sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng, TTTM Parkon Lê Đại Hành (quận 11) đã chính thức đóng cửa. Đây là TTTM thứ 2 của hệ thống này tại TP.HCM đóng cửa gần đây.
Nhưng nếu tính số lượng các trung tâm thương mại (TTTM) của Parkson đã dừng hoạt động cả nước thì con số là 4, riêng Hà Nội đã không còn sự hiện diện của hệ thống TTTM này.
Cụ thể, Công ty TNHH MTVTM & Bất động sản Thùy Dương chi nhánh TP.HCM, đã chính thức phát thông báo TTTM Parkson Flemington tại 184 Lê Đại Hành, phường 15, quận 11, TP.HCM ngưng hoạt động kinh doanh vào cuối tháng 1/2018, sau 8 năm hoạt động.
Đại diện Ban quản lý Parkson Flemington cũng thông báo đến các đối tác kinh doanh về kế hoạch đóng cửa, và các bên đã đạt được thỏa thuận. Đơn vị này cũng thông tin việc tạm dừng hoạt động Parkson Flemington sẽ không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các TTTM khác thuộc hệ thống Parkson tại Việt Nam.
Parkson Lê Đại Hành đóng cửa sau thời gian dài hoạt động cầm chừng. Ảnh: Minh Thanh.
|
Parkson Flemington đã hoạt động khá chật vật trong suốt thời gian dài từ năm 2016. Các cửa hàng tại TTTM liên tiếp áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm nhưng sức mua không cải thiện. Đại diện một thương hiệu giày dép, túi xách tại TP.HCM chia sẻ có nhiều tháng cửa hàng đặt tại TTTM này không bán được sản phẩm nên đã đóng cửa, thanh lý mặt bằng cuối năm 2016.
Đây là TTTM lớn thứ 4 của thương hiệu này đóng cửa ở Việt Nam, nối gót một loạt TTTM đình đám ngưng hoạt động trước đó. Gồm Parkson Keangnam (Hà Nội) đóng hồi tháng 1/2015, Parkson Paragon (quận 7, TP.HCM) đóng vào tháng 5/2016, Parkson Viet Tower (Hà Nội) dừng hoạt động tháng 12/2016.
Sau khi đóng cửa trung tâm ở Lê Đại Hành, hệ thống Parkson tại TP.HCM còn 4 TTTM gồm Parkson Lê Thánh Tôn (quận 1), CT Plaza (Tân Bình), Cantavil (quận 2), Hùng Vương (quận 5).
Việc đóng cửa liên tiếp các TTTM lớn đã kéo dài chuỗi ngày thua lỗ của Parkson tại Việt Nam.
Theo số liệu mới được Parkson Retail Asia công bố, Parkson lỗ trong toàn bộ 4 quý của năm 2017, doanh thu cũng có chiều hướng đi xuống. Tổng cộng, Parkson đạt doanh thu khoảng gần 500 tỷ đồng trong năm qua và chịu lỗ hơn 60 tỷ đồng. Điểm tích cực duy nhất là số lỗ của hệ thống đang giảm dần, từ 25 tỷ đồng quý IV/2016 xuống còn lỗ 10 tỷ đồng quý IV/2017.
Các TTTM của Parkson luôn trong cảnh vắng khách mua sắm. Ảnh: Minh Thanh.
|
Công ty này cũng thông tin đã rất nỗ lực tung ra các chương trình quảng cáo nhằm thu hút khách hàng, nhưng tăng trưởng doanh số của cùng 1 cửa hàng quý IV/2017 so với cùng kỳ năm trước là âm 2,3%.
Niên độ tài chính của Parkson bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 6 năm sau. Như vậy, năm tài chính 2016-2017 của Parkson đã kết thúc với con số lỗ 67 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu niên độ tài chính 2017-2018, Parkson đang tạm lỗ 24 tỷ đồng, doanh thu khoảng 233 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2015, công ty mẹ Parkson Retail Asia đánh dấu mức lỗ khủng tới gần 1.300 tỷ đồng tại Việt Nam và khiến cả tập đoàn lỗ tổng cộng 850 tỷ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ vụ huỷ hợp đồng thuê tại toà nhà Keangnam Landmark 72 (Hà Nội) trước thời hạn, chi phí cho việc huỷ hợp đồng phải chi lên tới hơn 1.000 tỷ.
Parkson là thành viên của The Lion Group, thành lập từ những năm 1930 tại Malaysia. Hệ thống TTTM của tập đoàn này có mặt không chỉ ở Malaysia mà còn mở rộng tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Myanmar, Campuchia...
Nhà bán lẻ này có mặt tại Việt Nam cuối tháng 6/2005 với TTTM đầu tiên đặt tại TP.HCM (Parkson Lê Thánh Tôn, quận 1). Hiện Parkson còn lại 6 TTTM hoạt động tại Việt Nam (4 tại TP.HCM, 1 tại Hải Phòng và 1 tại Đà Nẵng).
DiaOcOnline.vn theo Zing.vn