Ông Lê Hoàng Châu: Thị trường bất động sản 2015 tiếp đà hồi phục

Cập nhật 26/12/2014 09:13

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản TP.HCM mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại nhưng năm 2015 sẽ tiếp đà phục hồi và tăng lượng giao dịch của năm 2014.


2014 hồi phục chưa như kỳ vọng

Đánh giá về tình hình và kết quả hoạt động của thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2014, báo cáo số 57 ngày 23.12 của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM nhìn nhận, xét về tổng quát, thị trường BĐS vẫn còn trong giai đoạn rất khó khăn, tác động trực tiếp đến tất cả chủ thể.

Sự tác động đó trước hết là đối với doanh nghiệp phát triển BĐS, các ngân hàng và tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư kinh doanh BĐS thứ cấp và người tiêu dùng là những người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp ở đô thị.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, năm 2014, trong tổng số 14.490 căn hộ tồn kho vào cuối năm 2012, đến nay đã giải quyết được 8.208 căn chiếm 56,64%. Trong đó, 11 tháng đầu năm 2014 giải quyết được 3.131 căn.

Còn lại 6.282/14.490 căn hộ tồn kho chủ yếu là các căn hộ có diện tích lớn hơn 70m2, các căn hộ ở các dự án có vị trí không thuận lợi, chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hoặc các dự án xây dựng chậm tiến độ.
 

Khó khăn đó còn làm sụt giảm nguồn thu ngân sách của Nhà nước, tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội, ngoại thất và thị trường lao động.

"Qua kết quả khảo sát đến hết năm 2014, chúng tôi thấy TP.HCM có khoảng 1.403 dự án phát triển nhà ở thì có 426 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chiếm 30,36%; 201 dự án đang triển khai xây dựng, chiếm 14,32%.

Có đến 689 dự án đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng, chiếm tir lệ 49,1% và 85 dự án đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, chiếm 6,05%" - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu nói với Một Thế Giới, xoay quanh kết quả hoạt động của thị trường BĐS năm 2014.

Cụ thể, trong 1 năm qua, UBND TP.HCM đã xem xét 11 dự án và đã chấp thuận cho chuyển đổi 8 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Xem xét 24 dự án nhà ở thương mại xin chuyển đổi căn hộ diện tích lớn thành diện tích nhỏ và đã cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ của 9 dự án đủ điều kiện với quy mô 4.736 căn hộ, tăng lên 1.386 căn hộ thành 6.122 căn hộ sau khi chuyển đổi

Đánh giá về gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng triển khai trong 1 năm qua, đại diện Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, đến nay cả nước mới giải ngân được hơn 12% là quá thấp và không đạt như kỳ vọng vì chưa tạo được cú huých cho thị trường bất động sản.

"Tại TP.HCM, theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP.HCM thì đến ngày 31.10.2014, các ngân hàng mới giải ngân được 658 tỉ đồng cho 2 doanh nghiệp là Công ty Địa Ốc Hoàng Quân và Công ty CP Đầu tư Thủ Thiêm. Và giải ngân 393,83 tỉ đồng cho 1.444 cá nhân. Như vậy là rất thấp" - ông Châu nói.

Trong tổng thể tình hình thị trường đình đốn như trên, nhiều doanh nghiệp phát triển dự án BĐS tại TP.HCM đang gặp khó khăn trong việc bán hàng, tiêu thụ hàng hóa tồn kho, tuy nhiên, Hiệp hội BĐS TP.HCM vẫn đánh giá thị BĐS tại đây đang tiếp đà hồi phục.
Điều này được thể hiện ở số lượng giao dịch gia tăng, phân khúc thị trường căn hộ quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2), có giá bán hợp lý (trên dưới 15 triệu đồng/m2) và có tổng giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ vẫn là phân khúc thị trường chủ đạo và phát triển ổn định, bền vững trong nhiều năm qua cũng như hiện nay.

"Vẫn có nhiều dự án được khởi công, xây dựng, điển hình như dự án khu đô thị Tân Cảng (43ha), dự án khu đô thị Sa La - Đại Quang Minh, dự án Masteri Thảo Điền, dự án chung cư vừa và nhỏ của Công ty Hưng Ngân, Công ty Phước Thành, dự án chung cư nhà ở xã hội Thảo Điền…" - ông Châu cho biết.

Năm 2015 là xu thế phục hồi

Về tình hình thị trường năm 2015, đại diện Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định, mặc dù vẫn đang trong tình trạng còn rất khó khăn, tuy nhiên xu thế hồi phục vẫn là chủ đạo.

"Nhìn tổng thể BĐS TP.HCM vẫn đang trong tình trạng còn rất khó khăn, tuy nhiên xu thế hồi phục vẫn là chủ đạo. Trong đó, phân khúc thị trường căn hộ có quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2) có giá bán trên dưới 15 triệu đồng/m2, có tổng giá bán trên dưới 1 tỉ đồng/ căn hộ sẽ tiếp tục phát triển ổn định, bền vững" - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định.

Cùng với nguồn nhà ở xã hội được cung ứng ra thị trường trong năm 2015 sẽ góp phần giải quyết dần nhu cầu nhà ở của cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp tại đô thị.

Đồng thời phân khúc BĐS cao cấp trong năm 2015 cũng được dự báo là sẽ tiếp tục tạo ra những điểm sáng tích cực đối với các dự án của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu, có vị trí tốt, nhiều tiện ích và giá cả, phương thức thanh toán hợp lý. Phân khúc BĐS văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại cũng tiếp tục hồi phục.

"Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi hơn trong hoạt động của thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.

Những quy định này sẽ có tác động tích cực, tạo niềm tin đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, giúp thị trường BĐS năm 2015 khởi sắc hơn" - ông Lê Hoàng Châu nhận định.
 

Tại Hội thảo "Bất động sản trước những cơ hội mới" tổ chức ngày 4.11 tại Hà Nội, GS Đặng Hùng Võ cũng nêu quan điểm: Doanh nghiệp BĐS đừng mãi loay hoay với các dự án ngoài cánh đồng hoang.

"Vấn đề hiện nay là cần phải tìm những nơi có khả năng bán được, tạo ra chỗ có thể sống được. Đừng mãi loay hoay với những dự án BĐS mà "cho vào ở không dám ở”, không thể ở được. Những dự án ở giữa cánh đồng hoang, không có bảo vệ, không đủ dịch vụ hạ tầng công cộng thì không thể hút khách được.

Cần phải nghiêm túc nhìn vào chất lượng cuộc sống của người thu nhập thấp, không phải người nghèo không cần chất lượng cuộc sống. Phải lưu ý việc này thay vì dựng dự án, ép và quản lý khắt khe.

Còn với phân khúc BĐS cao cấp cũng không thể chỉ hướng tới tiêu chuẩn nhà đẹp, nội thất đẹp mà còn phải gắn với hạ tầng tốt, môi trường tốt.

Bản thân các nhà đầu tư cũng phải định hình, thay đổi quan điểm bán hàng, nên đưa ra những phương thức bán hàng cởi mở, công khai, minh bạch vì nếu người dân không tin chủ đầu tư thì chính các chủ đầu tư cũng không thể tồn tại được. Không nên chăm chăm vào việc lên giá mà phải xóa chênh lệch, để người tiêu dùng được mua trực tiếp từ chủ đầu tư"


DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế Giới