Ông Huỳnh Đăng Hy: Đô thị bị “băm vằm” vì thiếu “nhạc trưởng”

Cập nhật 28/03/2008 09:00

Các thành phố không hề có “nhạc trưởng” trong quy hoạch đô thị. Đó chỉ là giàn nhạc hỗn độn gồm nhiều nhạc công.

Loạt bài “Đà Lạt đang tự “băm vằm” mình” trên Pháp Luật TP.HCM cho thấy sự hỗn loạn trong quy hoạch, xây dựng dẫn đến phá vỡ cảnh quan, bản sắc đô thị của thành phố này. “Đó cũng là tình trạng của nhiều địa phương trong cả nước” - ông Huỳnh Đăng Hy, Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét.

Bộ mặt nào cũng nham nhở, xấu xí

* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về bộ mặt của các TP hiện nay?

Vấn đề băm nát bộ mặt đô thị không chỉ có ở Đà Lạt như Pháp luật TP.HCM nêu.

Ở thủ đô Hà Nội hiện dự án có ở khắp thành phố, cả TP là một công trường. Đáng lẽ đô thị phải mở rộng từ trong ra ngoài theo những tuyến phát triển, xây đâu được đó. Nhưng chính quyền TP lại tỏ ra rất dễ dãi với nhà đầu tư.

Trong khi nhiều nhà đầu tư chỉ giữ đất hoặc đầu tư cầm chừng, xây đến hai, ba thập niên nhưng vẫn chưa xong một công trình. Như khu đô thị Ciputra, sau hơn một thập niên nữa cũng chưa thể xong được! Khu đất phía nam siêu thị Metro giao cho một công ty liên doanh, đã san lấp đất đai hàng chục năm nhưng vẫn để đó. Đường vành đai ba đáng lẽ phải mở rộng nhưng giờ tắc tị. Chỗ này mà quản lý lỏng lẻo, nhà dân xây sát ra, nay mai sẽ phải đền bù chết thôi. Ngõ ngách trong các khu dân cư phần lớn là như mê cung, không có lối ra. Nhiều nơi ngay giữa trung tâm TP cũng chỉ là khu ổ chuột “hiện đại”. Khu đô thị mới Trung Hòa-Nhân Chính hiện đại nhất TP Hà Nội bây giờ nhưng ở đó không hề thấy bóng dáng của công viên cây xanh.

* Mấy đời chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa qua đã phá hỏng cảnh quan Hà Nội nhưng chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm.

Đà Nẵng cũng phát triển nóng vội, ào ào. Khoanh vùng để làm các khu đô thị mới, kêu gọi nhà đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng. Mà thực chất các nhà đầu tư này chỉ lấy đất để bán. Không bán được thì đất vẫn để đó. Năm, bảy năm rồi các khu này vẫn để trống, Đà Nẵng trở thành nham nhở. Mũi Né cũng vậy. Ở đây bờ biển vốn rất đẹp nhưng người ta đã “băm vằm” ra thành nhiều khúc cho chủ đầu tư.

Nhiều nhà lãnh đạo muốn TP phình to mà ít quan tâm đến chất lượng của nó ra sao. Để chặn việc tăng dân số cơ học ở các TP lớn, cần phải quy hoạch và phát triển các TP vệ tinh. Như vậy sẽ thu hút người dân đến những nơi này làm ăn, thay vì đổ về các TP lớn.

* Mỗi TP cần có một dáng dấp, diện mạo riêng để không lẫn với TP khác. Phải làm gì để đạt được điều đó?

Trong mỗi đô thị cần tạo ra cơ sở hạ tầng và xã hội tốt để người dân sống thuận lợi. Cùng với môi trường sống hiện đại, văn minh thì mỗi đô thị cần có một dáng dấp riêng, cảnh quan thiên nhiên phải được khai thác hợp lý. TP núi thì phải có chất riêng của núi; TP đồng bằng, TP có nhiều hồ, TP ven biển, ven sông cũng vậy. Cái đó tạo nên bản sắc riêng của mỗi TP.

Hà Nội có rất nhiều hồ trong lòng TP, tạo nên một nét rất duyên cho thủ đô. Đáng lẽ quanh hồ phải là khu đường dạo rộng rãi, rợp bóng cây làm giảm sự ồn ã của TP thì nay đã bị lấn chiếm rất nhiều, hầu hết các hồ giờ chỉ còn chức năng chứa nước thải của các khu dân cư.

Ở TP.HCM nhiều năm trở lại đây, sông Sài Gòn bị người ta chiếm rất nhiều, đặc biệt là ở quận 2. Nhiều khi người quản lý cứ nhìn những cái xa xôi, trong khi những cái ở gần đang bị phá hỏng thì lại không được can thiệp đúng mức và kịp thời. Khu Hiệp Phước cũng làm công nghiệp và cảng chiếm hết, không có nơi nào cho người dân bước ra ngắm cảnh sông nước.

Nguyên nhân cơ bản của việc phá vỡ quy hoạch là do người quản lý.

Chủ tịch thành phố phải chịu trách nhiệm

* Có những TP đã được quy hoạch rất bài bản, trong khi đó những quy hoạch sau đó phá vỡ quy hoạch trước. Vậy đó có phải là sự phá hoại “hợp pháp”?

Tất nhiên sau mỗi lần quy hoạch thì có cải tiến, đổi mới. Thế nhưng với nhiều TP thì quy hoạch sau là những bước lùi về học thuật quy hoạch, về khai thác cảnh quan, bản sắc.

TP luôn phát triển, có những vấn đề mà quy hoạch trước đây không nhìn thấy được nên luật cho phép. 5-7 năm thì nhìn lại quy hoạch cũ, nếu thấy bất hợp lý thì điều chỉnh, bổ sung. Việc này phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng nhiều khi có những thay đổi, điều chỉnh rất cơ bản, mà chính quyền địa phương không trình duyệt cấp nào cả, cứ giải quyết cục bộ đến cả chục lần. Như vậy sản phẩm đô thị đó sẽ khác hẳn với quy hoạch đã được duyệt. Điển hình như Hà Nội, điều chỉnh rất nhiều lần nhưng vẫn chưa có điều chỉnh quy hoạch chung.

* Ai sẽ phải chịu trách nhiệm việc phá vỡ quy hoạch, thưa ông?

Người đứng đầu TP phải chịu trách nhiệm. Còn ông sử dụng cơ quan chức năng thế nào thì đó là việc của ông. Chủ tịch UBND các TP phải nâng tầm quan trí lên. Sự phá vỡ, sai lầm trong quy hoạch ngày hôm qua thì hôm nay chúng ta đang phải gánh chịu. Sai lầm ngày hôm nay thì mai sau con cháu chúng ta lãnh đủ.

Và với hoạt động của các cơ quan chuyên môn như vừa nói ở trên thì không thể quy kết trách nhiệm cho một cơ quan nào. Sở Quy hoạch-Kiến trúc thì bảo tôi chỉ làm quy hoạch thôi, còn giải quyết công trình xây dựng vi phạm là Sở Xây dựng, việc mở rộng đường, làm nút giao thông là Sở Giao thông Công chính.

“Nhạc trưởng” phải là sở Quy hoạch-Kiến trúc

* Vậy “nhạc trưởng” trong lĩnh vực này là ai, thưa ông?

Nhạc trưởng là người đứng đầu tổ chức, quản lý. Hiện giờ các TP không hề có “nhạc trưởng” trong quy hoạch đô thị. Đó chỉ là giàn nhạc hỗn độn gồm nhiều nhạc công. Trong đó giải quyết đầu tư xây dựng là Sở Kế hoạch và Đầu tư, giải quyết quy hoạch là Sở Quy hoạch-Kiến trúc, giải quyết cho xây bao nhiêu tầng là Sở Xây dựng, về quản lý đất đai là Sở Tài nguyên và Môi trường...

Mô hình tổ chức như hiện nay thì Sở Quy hoạch-Kiến trúc chịu trách nhiệm về quy hoạch, kiến trúc trong thành phố. Nhưng chức năng và quyền hạn của cơ quan này còn nhiều hạn chế. Một số chức năng đáng ra tập trung ở cơ quan này thì lại chuyển sang nhiều sở khác. Ví như việc cho xây dựng thế nào, xây bao nhiêu tầng thì lại thuộc quyền của Sở Xây dựng.

Hiện Bộ Xây dựng đang xây dựng quy chế kiến trúc sư trưởng TP. Đó là một kiến trúc sư tài năng, cơ cấu ở trong văn phòng UBND TP, giúp chủ tịch UBND TP trong quy hoạch, xây dựng, đóng vai trò nhạc trưởng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, vấn đề này hiện còn đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Theo tôi nhạc trưởng trong lĩnh vực này phải là người điều tiết mọi hoạt động quy hoạch, kiến trúc trong thành phố, phải lập quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết... Như vậy một mình kiến trúc sư trưởng làm sao làm được hết những việc đó, mà trong tay kiến trúc sư trưởng phải có một bộ máy giúp ông ta làm việc đó. Trong dàn nhạc ấy phải có nhiều nhạc công, nếu không nhạc trưởng sẽ là vô nghĩa. Theo tôi nhạc trưởng phải là Sở Quy hoạch-Kiến trúc.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Pháp Luật TP.HCM