Ông Bùi Kiến Thành: Không thể bơm tiền cho thói tham lam

Cập nhật 15/04/2013 08:18

"Sự tham lam của những ông chủ dự án, sự tham lam của ngân hàng khiến cho tiền kẹt trong đống xi măng, cốt sắt." - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

* Chính phủ vừa đưa ra gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng cho bất động sản. Dư luận nhiều ý kiến không đồng tình và cho rằng, hãy để BĐS tự cứu mình và theo đó mà trở về giá trị thực. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Bùi Kiến Thành: Sự can thiệp của Nhà nước đầu tiên phải hướng tới lợi ích công. Tại sao lại bỏ ra 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ bất động sản mà không dùng chính số tiền đó để thực hiện một chính sách hoàn toàn mới, phù hợp với thực trạng của nền kinh tế?

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn về tín dụng và không thể tiếp tục hoạt động. Nhiều năm nay tôi đã đề xuất, hoàn toàn có thể hạ mức lãi suất cho doanh nghiệp vay ở mức 6-7% bằng cách Ngân hàng nhà nước cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất 3-4%.

Sao không thực hiện chính sách như vậy để giải quyết cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang tới chỗ phá sản và hàng triệu lao động có nguy cơ thất nghiệp mà lại áp dụng cho bất động sản?

Tôi cho rằng, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản bằng gói 30.000 tỷ đồng này chẳng khác nào cùng chui vào cái rọ khó khăn với họ, những người chỉ biết hưởng lợi, gặp chút khó khăn thì kêu gào người dân gánh cùng. Điều đó hoàn toàn không hợp lý.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

* Ông nghĩ sao khi giá bất động sản bị thổi lên như bong bóng mà người dân vẫn chấp nhận suốt một thời gian dài? Có thể lý giải sự bất bình thường này như thế nào?

Ông Bùi Kiến Thành:-  Không người dân nào chấp nhận cả. Chỉ có giới đầu cơ chấp nhận thôi. Họ mua bất động sản với giá gốc, đơn cử, 25 triệu/m2, trao qua đổi lại lên giá 30 triệu đồng/m2, có khi 50 triệu đồng/m2. Toàn giới đầu cơ mua bán với nhau chứ hỏi bao nhiêu người dân có nhu cầu mà mua được nhà để ở? Đến nay, không còn người đầu cơ nào mua nữa thì bất động sản xẹp.

Ông Alan Phan đề xuất, để bất động sản rơi tự do và trở về giá thật. Vậy giá thật đó là gì? Giá bất động sản gồm giá đất, giá hạ tầng và giá lời hợp lý. Ở Việt Nam, tất cả các giá cấu thành nói trên đều không hợp lý.

Thứ nhất, về giá đất, quản lý của Nhà nước về đất đai trong thời gian qua không phù hợp. Giá đất lấy của nông dân mấy trăm nghìn/m2, sau khi thành dự án, đội lên, thành 10 triệu, 20 triệu/m2. Những cấp quản lý đất đai đã lạm dụng quyền hành, đã làm giàu trên lưng của người dân (cả người nông dân và những người mua nhà). Tại làm sao một ông Chủ tịch xã, Chủ tịch tỉnh lại có dinh thự 5-7 tỷ đến cỡ mấy chục tỷ, tiền ở đâu ra. Nghị quyết 04 tại sao không hỏi ông, tại sao không bảo người ta khai ra tiền ở đâu ra? Quản lý lỏng lẻo Nhà nước về đất đai làm cho giá đất tăng lên.

Thứ hai, đầu cơ đất đai tạo nên bong bóng bất động sản. Thật sự giá thành của bất động sản không cao đến như thế.

* Trong việc giải cứu bất động sản, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đều rất xăng xái tham gia góp sức. Thưa ông, các ngân hàng đang thực hiện đúng vai trò, chức năng của mình hay đang tham gia vì sự liên quan mật thiết giữa tồn tại ngân hàng và tồn tại của thị trường bất động sản mà ta gọi là nhóm lợi ích?

Ông Bùi Kiến Thành: - Trong những năm qua, phần lớn tiền đầu tư cho các dự án bất động sản là tiền của ngân hàng. Bất động sản vay ngân hàng với lãi suất rất cao, có khi tới 20 -30%. Giờ bất động sản ngắc ngoải, khoản tiền ngân hàng cho vay trở thành nợ xấu.

Sự tham lam của những ông chủ dự án, sự tham lam của ngân hàng khiến cho tiền kẹt trong đống xi măng, cốt sắt. Nếu bất động sản phá sản thì hệ thống ngân hàng sẽ nguy hiểm. Hỗ trợ bất động sản cũng chính là hỗ trợ ngân hàng và ngược lại. Nhưng theo tôi, Nhà nước không được làm vậy, phải suy nghĩ thế nào để tạo được lợi ích tối đa cho quốc gia.

Tôi nhắc lại, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn về tín dụng, và một phần lớn cũng là do các dư án BDS hút nguồn tín dụng và đẩy lãi suât lên ngất ngưởng, kéo theo đó hàng triệu lao động có nguy cơ thất nghiệp.

Tại sao bây giờ lại ưu tiên cho bất động sản mà không nghĩ tới ở đồng bằng sông Cửu Long, và mọi miền đất nước, bao nhiêu nhà máy đóng cửa…vì doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng với lãi suất hợp lý?

Tại sao Ngân hàng Nhà nước lựa chọn “giải cứu” bất động sản bằng chính sách tín dụng ưu đãi, cho Ngân hàng Thương mại nay với lãi suất 4,5% để cho các chủ dự án BĐS vay với lãi xuất 6.0% mà không áp dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, và toàn nền kinh tế này?

* Ở góc độ một chuyên gia tài chính ngân hàng, theo ông, trong tình thế hiện nay, Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản nên làm gì?

Ông Bùi Kiến Thành:- Bong bóng bất động sản hiện nay là do quản lý Nhà nước về đất đai, vấn đề tiêu cực, và việc những ngân hàng đẩy rất nhiều tiền vào các dự án bất động sản nên bị lún nặng vào nợ xấu.

Rõ ràng, vấn để ở đây là quản lý Nhà nước và sự tham lam của chủ dự án, của ngân hàng. Vì vậy không có lý do gì mà không điều chỉnh, cải tổ lại cho hợp lý, không thể cứ chạy theo để bơm thêm tiền cho cái lòng tham đó, giúp đỡ một số người trong khi hàng vạn hàng triệu người lao động đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp vì doanh nghiệp không tiếp cận được vốn với lãi suất ưu đãi thì mặc kệ.

Bản thân hệ thống ngân hàng cũng phải xem lại, lầm lỗi gì thì sám hối đi, chứ không phải làm sai như vậy rồi thì lobby, xin giúp mình.

Về phía các doanh nghiệp bất động sản, những doanh nghiệp nào đang có mức giá không phù hợp với thị trường thì phải chịu hậu quả cho quyết định kinh doanh của mình. Kinh doanh sai thì phải nhận hậu quả chứ không thể bắt nhân dân phải gánh.

Có nhân dân nào bắt anh thổi giá bất động sản đến mức đó đâu để đến khi nó xuống, anh lại kêu hỗ trợ, cứu giúp? Anh xây nhà cao cấp hơn 100m2 không ai mua rồi đòi cắt căn nhà thành 40m2 để dễ bán là thế nào? Thiết kế một căn nhà đâu phải như cục thịt heo đâu mà đòi cắt thành từng khúc như thế?

Lĩnh vực bất động sản thể hiện tới 20% tổng sản lượng quốc nội. Hàng triệu người cần mua nhà và mong muốn mua nhà nếu có thể, nhờ đó, có thể tao việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho nhà nước….

Do đó, cần phải có chính sách hợp lý, đồng bộ, từ đất đai tới tín dụng để phát triển bất động sản mà nhân dân có thể với tới được. Tại sao không nghĩ một chính sách như thế mà đi chạy theo những việc hỗ trợ cho một vài người?

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt