Bộ Tài chính đề xuất nếu doanh nghiệp không có phương án sử dụng đất hợp lý thì Nhà nước cần thu hồi, bán đấu giá hoặc chuyển giao cho địa phương quản lý.
“Một phần đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước đang bị sử dụng lãng phí, sai mục đích như cho thuê, cho mượn, làm nhà ở, kinh doanh, thậm chí còn bỏ trống. Nhiều đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng đất và một số bộ, ngành còn có tâm lý cố giữ lại nhiều nhà đất. Trong khi đó, có rất nhiều tổ chức, cá nhân không có mặt bằng để sản xuất, kinh doanh”. Đó là những vấn đề được phản ánh trong dự thảo Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai do Bộ Tài chính soạn thảo, được đưa ra thảo luận trong ngày 23-3.
Cố giữ đất bằng mọi giá
Dự thảo nêu rõ quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh doanh, dịch vụ thời gian qua không gắn kết với quy hoạch sử dụng đất, dẫn đến tình trạng nơi thừa đất, nơi thiếu đất. Chính sách cho thuê đất trước đây nghiêng về ưu đãi sản xuất, chậm được điều chỉnh nên không thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm.
Đáng chú ý, theo dự thảo, trong giai đoạn chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất chưa sát với giá thị trường như hiện nay, kinh doanh bất động sản thường mang lại nhiều lợi nhuận. Điều đó khiến các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tập trung đầu tư nguồn lực lớn vào lĩnh vực này. Như vậy, các tập đoàn, tổng công ty đã vừa sao nhãng nhiệm vụ chính, vừa tạo sự phát triển quá nóng cho thị trường bất động sản.
Dự thảo cũng chỉ rõ nhiều doanh nghiệp đang thiếu vốn để tái cơ cấu và phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn cố giữ lại đất đai. Đơn cử như Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) nắm tới 1.200 ha đất chưa sử dụng nhưng không tự giác sắp xếp lại nhà đất, không đề xuất bán để tạo nguồn vốn. Thay vào đó, đơn vị này chỉ đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất để kinh doanh bất động sản như xây nhà ở, văn phòng cho thuê...
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) nắm tới 1.200 ha đất chưa sử dụng. Trong ảnh: Một khu đất của Vinashin tại khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, Hậu Giang. Ảnh: HA
|
Nhiều nhà đất bị thu hồi
Tổng Công ty Lương thực miền Nam có trên 350 mặt bằng là các điểm bán lẻ, cơ sở kinh doanh lương thực nằm rải rác tại TP.HCM. Sau khi chuyển sang cơ chế thị trường, một phần các điểm bán lẻ trở thành nhà ở của cán bộ, công nhân viên, phần còn lại cho thuê, cho mượn, bị lấn chiếm… Đến nay, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại 200 mặt bằng. Trong đó, số mặt bằng giữ lại để tiếp tục sản xuất, kinh doanh chỉ chiếm 30%, chuyển mục đích sử dụng đất khoảng 2%, bán nhà và đất 2%. Số còn lại Nhà nước sẽ thu hồi và chuyển giao cho TP.HCM quản lý.
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam cũng có 11 địa chỉ nhà đất tại TP.HCM. Bộ Tài chính đề nghị cho tập đoàn giữ lại tám mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất hai mặt bằng, Nhà nước thu hồi một mặt bằng.
(Nguồn: Bộ Tài chính)
DiaOcOnline.vn - Theo PLTP