Officetel - “Thí nghiệm” hay thí điểm?

Cập nhật 26/12/2017 09:09

Sau khi Báo SGGP ngày 21-12 đăng bài Những tổ ong mang tên “officetel”, nhiều bạn đọc đã phản ánh đồng tình với quan điểm lo ngại loại hình căn hộ này sẽ là “nhà ổ chuột trên cao” làm phá vỡ cảnh quan đô thị, đặc biệt là việc dân cư tập trung cục bộ sẽ gây tắc nghẽn giao thông cũng như sinh hoạt cho khu vực.


Một dự án căn hộ kết hợp officetel tại quận 4, đang rao cho thuê

Điều oái ăm nhất là, tuy cấp phép cho xây dựng ồ ạt ở những tâm trung TP lớn như Hà Nội, TPHCM, nhưng trên thực tế chưa có một đạo luật nào được Quốc hội chính thức nhấn nút thông qua, cho phép khai sinh officetel! Thế nhưng, theo thống kê mới nhất, có đến hơn 25.000 căn officetel và codotel (một loại hình nhà nghỉ dưỡng ven biển, cũng giống như officetel - hiện chưa được Nhà nước công nhận) trên cả nước.

Nếu nói khai sinh đầu tiên loại hình officetel tại TPHCM thì đó là dự án The Manor 2 (quận Bình Thạnh). Theo đó, 414 căn hộ officetel có diện tích tim tường 32,17m2 - 51,02m2, được Sở Xây dựng cấp phép vào năm 2008. Khi dự án đang thi công, năm 2009, trong văn bản của UBND TPHCM xác định “không có chức năng căn hộ cư trú, chỉ có dạng officetel để cho thuê”. Từ đó về sau này, các sở liên quan, quận Bình Thạnh, UBND TPHCM và kể cả Bộ Xây dựng cũng có văn bản liên quan đến dự án, đặc biệt cấp giấy chủ quyền cho các căn hộ này.

Hiện nay, sự việc đang dừng lại văn bản của UBND TP vào tháng 6-2015: “Giao Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đối với 414 căn officetel cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, với thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài… Đồng thời, Bitexco thực hiện bổ sung nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện thủ tục cấp giấy chủ quyền theo quy định”.

Như vậy, dự án officetel The Manor 2 ra đời gần 10 năm mà chưa được cấp “giấy khai sinh”. Đây là bài học nặng lòng trong công tác quản lý đô thị, hệ quả của “cầm đèn chạy trước ô tô”. Bao nhiêu căn hộ là bấy nhiêu khách hàng rơi vào tình cảnh thấp thỏm mong chờ tờ giấy chủ quyền. Xét về mặt pháp luật, bài học này đã được tiếp thu, khi Luật Nhà ở năm 2014 đã bổ sung bằng việc cấm kinh doanh trong căn hộ ở chung cư. Luật là một việc, sang đến Bộ Xây dựng - cơ quan soạn thảo Luật Nhà ở năm 2014 - lại khác. Năm 2016, Bộ Xây dựng đã phê duyệt dự án nhóm nhà ở HH5, HH6 thuộc dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn (phường Bến Nghé, quận 1) do Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ thương mại TPHCM làm chủ đầu tư, trong đó căn hộ officetel xen cài với căn hộ ở trên cùng một tầng. Điều này làm Sở Xây dựng TPHCM rất băn khoăn, nghi ngại.

Tuy nhiên, sau đó Bộ Xây dựng có công văn trả lời việc cấp phép là “xem xét, rà soát là tùy theo từng dự án cụ thể”. Rõ ràng, khi đã nói “xem xét từng dự án”, tức là chẳng theo một luật nào cả, mà đó chỉ là lệ. Việc xé rào này chắc chắn sẽ để lại tiền lệ hết sức nguy hiểm; thiếu sòng phẳng trong giới kinh doanh bất động sản nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung, dựa trên cơ sở nào mà doanh nghiệp kia được duyệt, còn doanh nghiệp này bị lắc đầu từ chối?

TPHCM từng cho phép thí điểm phân lô hộ lẻ, kết quả là đô thị bị băm nát, gây nên cơn sốt đất đảo điên, sau đó TP ra chỉ thị dừng toàn bộ việc “thí điểm”! Trong trường hợp căn hộ officetel cũng vậy, khi nói đến “đô thị văn minh hiện đại” mà lại sản sinh ra loại hình căn hộ chưa có cơ sở pháp lý làm chuẩn mực, thì không khác nào làm “thí điểm”. Luật quy định một đàng, cơ quan hướng dẫn thi hành pháp luật lại làm một nẻo. Có thể nói, việc tiếp tục cho ra đời căn hộ officetel - với những vướng mắc chưa có hướng tháo gỡ - thì không khác nào đem quyền lợi của người dân ra “thí nghiệm” cho việc thí điểm.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP