Ở chung cư cao cấp vẫn nơm nớp lo tội phạm

Cập nhật 11/12/2012 08:38

Cư dân chung cư thường là những người có thu nhập khá trở lên, tài sản của họ cộng với môi trường sống khép kín cũng là "đích ngắm" của tội phạm. Liên tiếp nhiều vụ trộm cắp, hành hung người dân xảy ra tại các chung cư cao tầng gần đây cho thấy, người gác cổng chung cư chưa đủ sức và thiếu trách nhiệm để đảm bảo an toàn, an ninh cho họ, gây lo lắng cho cư dân.
 

Chung cư Lakeside (phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, Bà Rịa Vũng Tàu) - nơi vừa xảy ra án mạng.


“Bãi đáp” của tội phạm

Gây chấn động gần đây nhất là vụ án mạng tại căn hộ 1407, nhà B, chung cư Lakeside (phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, Bà Rịa Vũng Tàu) vào ngày 20-11-2012. Nạn nhân là bà Đoàn Thị Hồng (sinh năm 1946, giáo viên nghỉ hưu, quê Nam Định), nghi can chính là Nguyễn Phương Anh (ngụ phường 12, TP Vũng Tàu) hiện là sinh viên một trường cao đẳng nghề.

Biết con dâu bà Hồng là nhà giáo, Anh che khẩu trang kín mặt, cầm lẵng hoa lên căn hộ 1407 gõ cửa nói: “Có học trò tặng hoa cho con dâu bà!”. Không chút nghi ngờ, bà Hồng mở cửa cho khách vào, đối tượng này lập tức rút dao đâm bà, đến khi nạn nhân nằm bất động. Kẻ sát nhân vào phòng lục tung đồ đạc và lấy đi một chiếc laptop.

Sau khi xảy ra vụ án mạng trên, chủ đầu tư của chung cư này mới rốt ráo cho lắp đặt hệ thống camera tại chung cư và tăng cường lực lượng bảo vệ

Lợi dụng các căn hộ chung cư thường khép kín và an ninh lỏng lẻo, nhiều đối tượng tội phạm, nghiện ngập đã chọn nơi này làm “bãi đáp”. Vụ sản xuất ma túy “đá” tại phòng 305, toà nhà 17T8 khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính (quận Thanh Xuân- Hà Nội) mà Công an quận Thanh Xuân triệt phá vào tháng 5 vừa qua là một ví dụ.

Trong một thời gian dài, chủ căn hộ đã rủ rê nhiều người tụ tập về đây để pha chế, trưng cất thứ thuốc ma mị này mà cư dân của khu chung cư cũng như bảo vệ tòa nhà không hề hay biết.

Hay mới đây, ngày 8-11- 2012, tại chung cư ở Phú Đô, Từ Liêm, Hà Nội chủ hộ đi ăn tối khoảng 15 phút, quay về nhà thì thấy cửa đã bị phá và máy tính xách tay, máy ảnh, đồng hồ cũng biến mất.

Bảo vệ không bắt được nhưng camera an ninh chung cư đã ghi lại một thanh niên điệu bộ lén lút bước vào chung cư và khi ra mang theo một túi laptop; từ lúc vào cho đến lúc ra chỉ trong khoảng 5 phút.

Trước thời điểm xảy ra vụ trộm chớp nhoáng này, tại chung cư trên đã xảy ra vụ trộm tương tự, kẻ trộm phá khóa vào trộm cắp máy tính, tiền lương gia chủ vừa lĩnh.

Không ít người sống ở chung cư kêu ca, khi đi mua chủ đầu tư “rao” là an toàn, có bảo vệ canh 24/24 nhưng có về sống rồi mới biết, bảo vệ chỉ đơn thuần trông xe, thu tiền, còn an ninh thì lơ là, dù thu tiền đảm bảo an ninh, an toàn hàng tháng.

Vắng bóng cảnh sát khu vực

Thực tế, những tòa chung cư thời gian đầu đều được các Ban quản lý của chủ đầu tư quan tâm giám sát, nhưng khi những đơn vị này rút đi thì công tác đảm bảo an ninh trật tự lại chưa được quan tâm một cách thỏa đáng. Điển hình, khu đô thị Mỹ Đình 2 (Hà Nội) trước đây, chủ đầu tư có thuê các Cty vệ sỹ làm bảo vệ nhưng khi đã bàn giao lại cho địa phương thì hiện chỉ còn lực lượng làm công tác trông giữ xe kiêm bảo vệ tòa nhà.

Một tình trạng chung nữa tại các chung cư hiện nay là lực lượng bảo vệ quá mỏng. Có những khu chung cư với hàng trăm hộ dân nhưng hầu như chỉ có 3- 4 nhân viên bảo vệ, lại kiêm nhiệm rất nhiều việc như trông xe, đi tuần, gác cổng....

Người dân hàng tháng vẫn đóng tiền an ninh đầy đủ nên đinh ninh lực lượng bảo vệ của tòa nhà đã “canh cổng” được những đối tượng xấu đột nhập vào chung cư nên đôi khi đã chủ quan, mất cảnh giác.

Ngược lại, lực lượng bảo vệ của tòa nhà lại "phủi" trách nhiệm; theo họ, vấn đề bảo vệ an ninh khu chung cư nói chung và tài sản, tính mạng của người dân nói riêng là nhiệm vụ, chức trách của lực lượng dân phòng hoặc Công an khu vực.

Theo Trung tá Lê Đức Vịnh, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Công an quận Hai Bà Trưng-Hà Nội), các chung cư nằm trên địa bàn nào thì công an phường đó chịu trách nhiệm kiểm tra về an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi tại rất nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội, hầu hết người dân sống tại đây đều cho biết, họ rất ít khi thấy bóng dáng của cảnh sát khu vực xuất hiện tại chung cư. Có những căn hộ thường xuyên có người lạ đến ngủ qua đêm hoặc gia chủ rủ thêm bạn bè đến ở hàng tháng trời mà cũng chẳng thấy Công an phường đến kiểm tra tạm trú, tạm vắng.

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương (cụ thể là UBND tỉnh, thành phố) nên ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, giữ gìn an ninh trật tự giữa cơ quan được giao chức năng bố trí, quản lý nhà chung cư với chính quyền cơ sở và lực lượng công an; đồng thời củng cố, xây dựng lực lượng nòng cốt tại địa bàn các khu chung cư. Những việc làm trên tuy muộn nhưng còn hơn không, bởi hiện nay người dân chung cư đang sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ vì an ninh chung cư quá bị buông lỏng.
 

DiaOcOnline.vn - Theo PLVN