Theo Bộ Xây dựng, tồn kho bất động sản có xu hướng giảm dần. Tính trên phạm vi toàn quốc, đến ngày 15/12/2013 tổng giá trị tồn kho khoảng 94.458 tỷ đồng, giảm 26,5% so với quý I/2013, tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ vừa và nhỏ.
Đặc biệt, các căn hộ có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các đô thị lớn được tiêu thụ mạnh, hầu như không còn tồn kho.
Cụ thể, tồn kho BĐS tính đến 15/12/2013,căn hộ chung cư: 20.012 căn (29.230 tỷ đồng), nhà thấp tầng 13.585 căn (24140 tỷ đồng), đất nền 10,800 triệu m2 (34.890 tỷ đồng). Đất nền thương mại còn 2,002 triệu m2 (6.199 tỷ đồng). Hà Nội tồn kho 6.580 căn chung cư và thấp tầng (12.900 tỷ đồng).TP.Hồ Chí Minh tồn kho 7.830 căn chung cư, 0,26 triệu m2 đất nền (17.480 tỷ đồng).
Đánh giá chung về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, vào những tháng cuối năm 2013, thị trường đã ấm dần lên, thể hiện qua lượng giao dịch tăng nhiều so với những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng bất động sản cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung, nhiều dự án dở dang tiếp tục được triển khai và mở bán, niềm tin của khách hàng vào thị trường đang dần được hồi phục.
Tuy nhiên, còn có mặt hạn chế là công tác phát triển nhà ở xã hội tại một số địa phương chưa thực sự được quan tâm đúng mức, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư; nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế; chất lượng dịch vụ, công tác quản lý sử dụng chung cư ở một số dự án khu nhà ở còn nhiều bất cập.
Thị trường bất động sản tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; tồn kho bất động sản, nhất là ở phân khúc bất động sản trung và cao cấp vẫn là một thách thức; tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng còn chậm.
Các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn còn rất khó khăn, một số sản phẩm còn tồn kho nhiều (bất động sản, kính xây dựng, gốm sứ vệ sinh); nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, giảm bớt công suất sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động; tiến trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp còn chậm.