Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) tại Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP.HCM) cho rằng bị ép đóng tiền thuê đất một lần, chủ đầu tư khẳng định DN sẽ hưởng lợi do được cấp quyền sử dụng đất, có thể thế chấp vay vốn.
Các doanh nghiệp cho rằng việc yêu cầu đóng tiền thuê đất một lần cho 40 năm là gây khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp - Ảnh: Quang Định
|
Trong hợp đồng thuê đất mới theo hình thức đóng tiền thuê đất một lần cho 40 năm thuê còn lại do chủ đầu tư gửi các DN, việc đóng tiền được chia làm ba đợt: đợt 1, bên thuê đóng 30% giá trị hợp đồng, thời hạn đóng trong vòng 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng; đợt 2, bên thuê đóng tiếp 65% tổng giá trị hợp đồng trước ngày
30-11-2015; đợt 3, bên thuê đất đóng tiếp 5% tổng giá trị hợp đồng và nhận sổ chủ quyền sử dụng đất. Thời gian dự kiến nhận giấy chủ quyền là 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. |
Những ngày gần đây, nhiều DN đang hoạt động tại Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, thuộc Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, do Công ty CP Đầu tư - xây dựng Bình Chánh (BCCI) làm chủ đầu tư, cho biết rất bức xúc sau khi nhận được các thông báo ký hợp đồng thuê đất mới của chủ đầu tư.
Cụ thể, thông báo yêu cầu các DN nộp tiền thuê đất một lần cho hợp đồng 40 năm với giá thuê 2 triệu đồng/m2/40 năm, trong khi hợp đồng trước đó (năm 2005 và đã hết hạn) DN chỉ phải đóng tiền thuê đất từng năm với giá thuê 52.000 đồng/m2/năm.
Trong thông báo gửi các DN vào ngày 2-11, chủ đầu tư cho biết trong ba ngày kể từ ngày nhận được thông báo, nếu DN nào không ký kết hợp đồng, đồng nghĩa với việc không còn nhu cầu thuê lại đất và quyền ưu tiên thuê lại đất không còn hiệu lực.
“Chủ đầu tư sẽ tiến hành thu hồi mặt bằng và chuyển nhượng quyền thuê lại đất cho DN khác có nhu cầu, DN phải di dời toàn bộ vật kiến trúc và thiết bị ra khỏi khu đất trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo di dời!” - thông báo cho biết.
Trước đó, chủ đầu tư đã đề nghị DN đặt cọc giữ chỗ 20 triệu đồng, đồng thời cho biết trong vòng năm ngày kể từ ngày hai bên ký phiếu đặt cọc, nếu DN nào không đặt tiền đúng thời hạn, chủ đầu tư sẽ chuyển đặt cọc chỗ cho đơn vị khác.
“Chủ đầu tư không lấy ý kiến của DN, mà chỉ tổ chức cuộc họp thông báo kiểu ai không ký hợp đồng thì thu đất, dẹp nhà máy. Tài sản của chúng tôi xây dựng bao nhiêu năm, chưa kể nhà xưởng này là nồi cơm của bao nhiêu gia đình công nhân mà BCCI xem như trò đùa!” - ông Nguyễn Quốc Tuấn, chủ DN Nguyễn Quốc, nói.
Theo ông Tuấn, DN này hiện thuê hơn 800m2, mỗi năm chỉ đóng 45 triệu đồng tiền thuê đất. Nếu áp theo hợp đồng mới, đóng tiền một lần cho 40 năm, số tiền mà DN phải đóng lên tới 1,8 tỉ đồng, vượt khả năng của DN.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trượng, giám đốc Công ty Kim Thăng Long (chuyên sản xuất kim loại màu) - đơn vị đang thuê 2.000m2 tại khu này, cho biết phần lớn DN tại đây đều hoạt động trong lĩnh vực gây ô nhiễm, rất khó di dời đi chỗ khác, trong khi việc thực hiện theo yêu cầu tại hợp đồng mới cũng gặp khó do khả năng tài chính không cho phép.
Được chọn phương án đóng tiền thuê đất
Chiều 19-11, ông Nguyễn Thụy Nhân, tổng giám đốc BCCI, thừa nhận có sơ suất “do cấp dưới nôn nóng muốn thu tiền đủ chỉ tiêu cuối năm” nên có những phát ngôn chưa đúng.
“Chúng tôi sẽ có những chấn chỉnh trong nội bộ để rút kinh nghiệm, đồng thời sẽ tổ chức một cuộc đối thoại để lắng nghe ý kiến của DN. Tôi khẳng định không có chuyện ép DN ký hợp đồng nếu chưa có sự thỏa thuận, hay chuyện DN nào không ký phải dọn ra khỏi khu công nghiệp” - ông Nhân khẳng định.
Theo ông Nhân, các DN sẽ được phép chọn phương án đóng tiền thuê đất một lần cho 40 năm còn lại hoặc đóng tiền hằng năm, sau khi cân nhắc các quyền lợi liên quan.
“Việc đưa ra phương án đóng tiền thuê đất một lần cho cả quá trình thuê đất không ngoài mục đích tạo điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các DN. Thực tế cho thấy nhiều năm qua các DN trong khu này không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng do chưa có sổ đỏ. Nếu đóng tiền một lần, được cấp sổ đỏ, DN sẽ dễ dàng tiếp cận vốn vay hơn” - ông Nhân nói.
Cụ thể, theo ông Nhân, trong vòng 12 tháng sau khi các DN ký hợp đồng và đóng 90% tổng giá trị hợp đồng, chủ đầu tư sẽ hoàn tất các thủ tục để cơ quan chức năng tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN.
Ông Nhân cũng cho biết thêm phía BCCI đã làm đơn gửi Sở Tài nguyên và môi trường xin chuyển đổi sang hình thức đóng tiền một lần thay vì đóng hằng năm tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân.
Trước đó, trong văn bản trả lời báo Tuổi Trẻ, BCCI cũng cho rằng việc đưa ra phương án đóng tiền thuê đất một lần cho cả thời gian còn lại nhằm đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của DN được nhận chuyển nhượng quyền thuê lại đất theo Luật đất đai 2013.
Ngoài ra, phía chủ đầu tư cũng khẳng định rằng giá thuê đất theo hình thức đóng tiền một lần cho thời gian thuê còn lại với mức 2 triệu đồng/m²/40 năm là phù hợp với thị trường, so với đơn giá thuê của các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại khu vực lân cận.
Hình thức đóng tiền thuê đất do hai bên thỏa thuận
Một cán bộ Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho biết Luật đất đai 2013 có quy định hai hình thức thuê đất: thuê đất trả tiền một lần hoặc thuê đất trả tiền hằng năm. Ứng với mỗi hình thức thuê đất, người thuê có những quyền lợi khác nhau.
Chẳng hạn, trả tiền thuê đất hằng năm DN không được thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền, còn thuê đất trả tiền một lần trong cả thời gian thuê thì DN được thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền.
Đối với đất ở các khu công nghiệp, nếu DN trực tiếp ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước thì sẽ được áp dụng các hình thức thuê theo quy định. Còn những DN thuê lại đất của các công ty đầu tư hạ tầng thì các điều kiện thuê, giá cả, thời hạn... do hai bên thỏa thuận, Nhà nước không can thiệp.
Nếu như có tranh chấp, các bên khởi kiện ra tòa kinh tế hoặc các tòa án có thẩm quyền.