Nóng trong tuần: Giao dịch BĐS không phải qua sàn

Cập nhật 16/03/2014 07:30

Luân chuyển 2 Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Công trình sai phạm đến đâu được tồn tại?, Mua bán bất động sản có thể không phải qua sàn, Nỗi lo bao cấp quanh những dự án nhà xã hội… là những tin BĐS nổi bật tuần qua.

Luân chuyển 2 Thứ trưởng Bộ Xây dựng


Ông Nguyễn Thanh Nghị (trái) và ông Trần Văn Sơn (phải)

Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị (sinh năm 1976) được Bộ Chính trị điều động về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.

Ông Nghị hiện là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng từng theo học tại Đại học Kiến trúc TP.HCM, có bằng tiến sĩ tại Đại học George Washington (Hoa Kỳ). Ông là con trai lớn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trước khi công tác tại Bộ Xây dựng, ông Nghị là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM. Cuối 2011, ông nhận quyết định điều động, bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Trần Văn Sơn (sinh năm 1961) được điều động giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.

Ông Trần Văn Sơn có bằng kỹ sư kinh tế xây dựng. Trước khi được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Sơn là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng.

Cả hai ông sẽ nhận nhiệm vụ mới ngay trong tháng 3 này.

Công trình sai phạm đến đâu được tồn tại?

Dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về Thông tư 02/2014/TT-BXD (Thông tư 02) hướng dẫn một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP (Nghị định 121) được Bộ Xây dựng ban hành mới đây. Trong đó có những ý kiến không đồng tình với quy định phạt tiền và cho tồn tại đối với các trường hợp xây dựng sai phép, không phép quy định tại khoản 9 Điều 13, khoản 2 Điều 70 của Nghị định 121 và hướng dẫn cụ thể tại Điều 8, Điều 11 của Thông tư 02.

Nhiều ý kiến lo ngại cho rằng việc hợp thức hóa công trình xây dựng vi phạm bằng “tiền chuộc” có thể làm gia tăng các trường hợp sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.
bất động sản, xây dựng, nhà ở xã hội, nhà chung cư, Bộ Xây dựng


Theo Bộ Xây dựng, quy định mới này nhằm để xử lý một số trường hợp xây dựng sai phép, không phép, sau khi hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, trong trường hợp nếu buộc phá dỡ thì cũng gây lãng phí lớn cho xã hội, có những trường hợp đã kéo dài nhiều năm nhưng cũng chưa xử lý được triệt để.

Thông tư 02 không phải áp dụng cho tất cả các công trình xây dựng sai phép, không phép. Các công trình áp dụng quy định này phải đảm bảo điều kiện không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp.

Mua bán bất động sản có thể không phải qua sàn

Để tránh việc tăng giá ảo, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch.
bất động sản, xây dựng, nhà ở xã hội, nhà chung cư, Bộ Xây dựng

Theo đó, Dự thảo Luật bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch. Điều này sẽ khắc phục các tồn tại, bất cập, cũng như các tác động tiêu cực của tổ chức trung gian này đối với thị trường bất động sản, tránh việc tăng giá ảo, tăng chi phí và gây thiệt hại cho người mua, đồng thời bảo đảm quyền tự chủ trong kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng không bắt buộc mà chỉ khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thực hiện việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản thông qua sàn, tổ chức, cá nhân môi giới. Cá nhân được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản phải có trình độ từ đại học trở lên; đã qua sát hạch về trình độ môi giới bất động sản...

Nỗi lo bao cấp quanh những dự án nhà xã hội

Cùng với ấn tượng về những khu tập thể xuống cấp trước đây, nhiều ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng bản thân thị trường nhà ở xã hội hiện nay cũng còn mang nhiều màu sắc bao cấp.

Câu chuyện về các khu chung cư cũ một lần nữa được nhắc lại tại hội thảo về nhà xã hội tại Việt Nam và các bài học quốc tế, do Ngân hàng Thế giới và Bộ Xây dựng tổ chức ngày 12/3. Nhiều chuyên gia nhớ lại, thời bao cấp, để được phân nhà, đối tượng xét duyệt cần một loạt "chỉ tiêu". Nhưng rồi sau hàng chục năm, những khu tập thể cũ xập xệ tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Thanh Hoá, Hải Phòng… lại là nỗi ám ảnh của nhiều người.

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank), tốc độ đô thị hoá của Việt Nam rất nhanh tạo ra nhiều nhu cầu mới về nhà ở, khiến doanh nghiệp có điều kiện để phát triển nhiều dự án. Tuy nhiên, thị trường lại gặp phải thách thức là có tới 40% dân số thu nhập dưới mức trung bình. “Bởi vậy, vai trò của Chính phủ là phải đảm bảo sân chơi công bằng cho cả những doanh nghiệp cũng như người dân tham gia”, lãnh đạo World Bank thẳng thắn.

Tại hội thảo, một số doanh nghiệp trong nước cho rằng, để nhà xã hội đến được với người dân thì giá phải rẻ. Chính phủ phải có chính sách về đất đai, hỗ trợ tiền sử dụng đất, hỗ trợ vốn, đẩy nhanh thủ tục để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhằm kéo giá nhà trong nước xuống. Doanh nghiệp kỳ vọng Bộ Xây dựng hỗ trợ về mặt công nghệ, đồng thời đưa ra mô hình mẫu nhà xã hội trên khoảng diện tích 1.000-2.000m2 để họ có thể áp dụng. Doanh nghiệp cũng cho biết cần một cơ chế sòng phẳng, thắng thắn, công bằng tránh "mang tiếng" được bao cấp.

Không thể khống chế giá trần nhà ở xã hội

Mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đã trả lời báo chí về việc khống chế giá trần nhà ở xã hội (NƠXH).

Theo ông Hà, trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực tạo điều kiện cho những người thu nhập thấp, người nghèo trong xã hội có điều kiện tiếp cận nhà ở.

Đặc biệt là việc phê duyệt chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11/2011 và Nghị định 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về quản lý và phát triển NƠXH, đã tạo ra một khung pháp lý chung cho việc phát triển NƠXH.

Về một số ý kiến cho rằng, Bộ Xây dựng nên đưa ra quy định khống chế mức giá trần NƠXH để tránh việc giá quá cao, ông Hà cho biết:

Hiện nay, chúng ta nói là khống chế thì cũng không phù hợp lắm nhưng Nhà nước đã quy định lãi định mức 10% cho DN vì làm NƠXH thì DN cũng phải thu được vốn đầu tư và bù đắp chi phí.

Hơn nữa, tùy từng điều kiện, tùy từng loại nhà thì NƠXH có giá thành xây dựng khác nhau. Ví dụ như NƠXH chỉ được phép bán 10 triệu đồng hoặc 8 triệu đồng/m2 thì không phù hợp, vì phải tùy từng loại nhà, nhà cao tầng hoặc những nơi phải xử lý nền móng phức tạp thì giá thành sẽ tăng cao. Chúng ta không thể khống chế được một mức cố định mà khống chế trên cơ sở lãi định mức của DN mà thôi.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet