Nông dân góp vốn khi thu hồi đất: Liệu có rủi ro?

Cập nhật 29/12/2009 15:10

Áp dụng cơ chế thí điểm nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đất thuộc quy hoạch dự án bị thu hồi là nhằm bảo vệ quyền lợi song người dân sẽ phải đối mặt với không ít những thách thức có thể ảnh hưởng tới chính quyền lợi này.
 

Có rủi ro khi nông dân góp vốn bằng đất vào dự án (ảnh minh họa)


Giá đất góp vốn được tính theo giá thị trường

Bộ Tài Chính vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế thí điểm cho các hộ nông dân góp vốn cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất vào dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và các khu sản xuất kinh doanh khác khi thực hiện theo quy hoạch sử dụng đất.

Theo đó, việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất được dựa trên nguyên tắc tự nguyện, đảm bảo lợi ích của người nông dân có đất bị thu hồi và lợi ích của chủ đầu tư thực hiện dự án sử dụng đất góp vốn.

Điều kiện để nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất là khu đất được góp vốn phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất của dự án.

Trường hợp hộ nông dân góp vốn vào dự án sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng diện tích đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và thực hiện nghĩa vụ tài chính trước khi góp vốn.

Giá trị quyền sử dụng đất góp vốn là giá đất được xác định theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng góp vốn. Trường hợp các bên không có thoả thuận thì được xác định theo giá sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường theo mục đích sử dụng được pháp luật công nhận.

Đối với những dự án lớn, thu hồi đất của nhiều hộ gia đình, UBND cấp tỉnh giữ vai trò trung gian hỗ trợ người dân và doanh nghiệp liên doanh thực hiện để giải quyết hài hoà mối quan hệ lợi ích giữa các bên góp vốn.

Trường hợp hộ nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thì phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp với giá đất nông nghiệp.

Nếu nông dân chưa có khả năng tài chính để nộp tiền thì được ghi nợ và được lựa chọn hình thức trả nợ 1 lần hoặc nhiều lần theo năm tài chính phù hợp với thời điểm trả cổ tức của doanh nghiệp nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Số tiền sử dụng đất phải trả được lấy từ cổ tức người nông dân được hưởng.

Lo ngại nhất vẫn là nhận thức hạn chế của nông dân

Trên thực tế, để giải quyết những bất cập nảy sinh sau khi GPMB, một số địa phương đã cho áp dụng thí điểm nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đất thuộc quy hoạch dự án bị thu hồi như An Giang, Thanh Hoá.

Kết quả cho thấy, cơ chế việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất đã tạo nguồn thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân bị mất đất, góp phần cải thiện an sinh xã hội tại địa phương.

Đồng thời, bổ sung thêm kênh huy động vốn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhận góp vốn, tạo thuận lợi cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện dự án kinh tế...

Tuy nhiên, khi thí điểm cơ chế này, người dân còn băn khoăn trong góp vốn cổ phần vì phần thu lại phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, không đảm bảo được phần vốn góp của người dân khi doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả hoặc phá sản, giải thể.

Trình độ và năng lực của người nông dân về sản xuất kinh doanh bị hạn chế, dễ bị thiệt thòi khi tham gia góp vốn cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất. Không những vậy, dự án thu hồi đất thường bao gồm nhiều khu đất của nhiều hộ nông dân khác nhau nên dễ dẫn đến phức tạp, khó khăn trong việc thoả thuận giữa chủ dự án và những nông dân có đất góp vốn.

Để giải quyết tình trạng này, bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ là UBND cấp tỉnh giữ vai trò trung gian để giải quyết hài hoà mối quan hệ lợi ích giữa các bên góp vốn.

Về việc người nông dân có diện tích đất bị thu hồi nhỏ trên thực tế không phát huy được tác dụng vì vốn góp quá thấp, bộ này cũng kiến nghị những người có đất bị thu hồi được quyền lựa chọn nhận hình thức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định hoặc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Mặc dù đã có một số giải pháp được đề xuất để giải quyết những bất cập mà một số tỉnh đang thí điểm cơ chế gặp phải, tuy nhiên, theo ý kiến của một số vị từng tham gia ban GPMB thì, điều lo ngại nhất chính là nhận thức hạn chế của người dân. Đây là căn nguyên khiến việc thoả thuận góp vốn gặp nhiều bất lợi, đấy là chưa nói đến việc góp vốn không phải là không có rủi ro.

Chính vì vậy, vai trò của chính quyền là rất quan trọng, đồng thời phải có cơ chế pháp lý, quy định rõ ràng, cụ thể về quyền lợi và những rủi ro của người dân, nếu không doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm nhiều sức ép khi thực hiện cơ chế này.


DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí